Sáng 20-10, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 10. Qua hệ thống trực tuyến, khoảng 1,2 triệu trong tổng số hơn 5 triệu đảng viên trên cả nước dự hội nghị quan trọng này.
3 chuyên đề quan trọng
Như PLO đã đưa tin, Hội nghị Trung ương 10, tổ chức hồi tháng 9, đã thảo luận, cho ý kiến nhiều nội dung quan trọng, gắn liền với công tác chuẩn bị Đại hội XIV của Đảng.
Để quán triệt các nội dung này, tại Hội nghị toàn quốc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng đã truyền đạt chuyên đề về dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XIV, dự thảo Báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công tác đổi mới theo định hướng XHCN trong 40 năm qua.
Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã truyền đạt chuyên đề về dự thảo Báo cáo đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm 2021 - 2030; phương hướng, nhiệm vụ phát triển 5 năm 2026 - 2030 và về tình hình KT-XH, ngân sách nhà nước năm 2024, kế hoạch năm 2025; kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2025 - 2027; về chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; về chủ trương thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương.
Cũng tại Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng đã truyền đạt những nội dung trọng tâm, cốt lõi, điểm mới trong dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XIII; một số nội dung cơ bản về sửa đổi Quy chế bầu cử trong Đảng; về tổng kết công tác nhân sự Đại hội XIII và xây dựng phương hướng công tác nhân sự Đại hội XIV của Đảng.
Sau phần giới thiệu các chuyên đề, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có phát biểu khái quát, nhấn mạnh một số vấn đề tới 1,2 triệu cán bộ, đảng viên đang dự Hội nghị. Đây là lần đầu tiên ông phát biểu trực tiếp trước đông đảo đảng viên, kể từ khi được BCH Trung ương bầu làm Tổng Bí thư tại Hội nghị Trung ương 10 vừa qua.
Thông điệp của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh bối cảnh của sau gần 80 năm lập nước, với thế và lực được tích lũy sau 40 năm đổi mới, đất nước ta đủ điều kiện và đứng trước cơ hội lịch sử để đưa đất nước tiến vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, kỷ nguyên phát triển giàu mạnh, để thực hiện thành công tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh, xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu.
Hội nghị Trung ương 10 với nhiệm vụ chuẩn bị cho Đại hội XIV của Đảng đã thống nhất quyết tâm chính trị về những đột phá chiến lược, phương hướng, giải pháp cùng tư duy, nhận thức mới. Trung ương đã thống nhất những nội dung hệ trọng để tăng tốc, bứt phá, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tóm lược ba nội dung trọng tâm cần quán triệt sâu sắc.
Thứ nhất, thống nhất trong toàn Đảng quyết tâm chính trị để hoàn thành mọi mục tiêu mà Đại hội XIII đã đề ra. Coi đây là chỉ tiêu pháp lệnh, cần tập trung mọi biện pháp, nguồn lực để thực hiện. Mỗi cấp ủy, tổ chức Đảng phải khẩn trương rà soát các công việc đã làm, nhất là việc thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường…
Thứ hai, tập trung triển khai ngay một số đột phá chiến lược đã được Trung ương thống nhất đưa vào văn kiện Đại hội XIV.
Cụ thể, người đứng đầu Đảng, Nhà nước cho biết đối với đột phá thể chế phát triển, các cơ quan của Chính phủ, Quốc hội với sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đã tổ chức nhiều phiên họp về các luật sẽ được Quốc hội xem xét trong phiên họp sẽ khai mạc sáng nay, 21-10.
Theo đó, trong khối lượng nhiệm vụ lập pháp đồ sộ, Chính phủ trình Quốc hội 2 dự án luật, gồm 1 luật sửa 3 luật về các vấn đề chung, 1 luật sửa 7 luật trên lĩnh vực tài chính, quản lý tài sản, tháo gỡ khó khăn vướng mắc mang tính thể chế, khắc phục điểm nghẽn, mở rộng không gian phát triển.
Các đề xuất sửa đổi này theo nguyên tắc cải cách thủ tục hành chính triệt để, phân cấp tối đa theo tinh thần mà Hội nghị Trung ương 10 đã thống nhất là “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.
Tinh thần này cần được lan tỏa mạnh mẽ trong toàn hệ thống chính trị. Các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền các cấp cần tập trung rà soát, sửa đổi các quy định, quy chế mà mình ban hành. Tất cả phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Các địa phương chủ động đánh giá khả năng tự lực, tự cường để đề xuất cụ thể việc phân cấp, phân quyền, đáp ứng cao nhất nhu cầu thực tiễn đang đặt ra.
“Việc đánh giá cụ thể kết quả thực hiện của cả hệ thống chính trị với sản phẩm đo đếm được sẽ là một trong những nội dung của kỳ họp Trung ương tiếp theo” – Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm lưu ý.
Trong các giải pháp cụ thể, ở tầm Trung ương, người đứng đầu Đảng, Nhà nước cho biết Bộ Chính trị sẽ sớm nghiên cứu, ban hành một nghị quyết riêng về chuyển đổi số quốc gia. Các bộ, ngành, địa phương cần ưu tiên nhân lực, trí lực để thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, phát triển khoa học và công nghệ đồng bộ, thông suốt.
Tập trung hoàn thành mục tiêu xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, trước mắt là hạ tầng chiến lược về giao thông, hạ tầng năng lượng, hạ tầng số… Rà soát để đẩy nhanh thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án trọng điểm có tính lan tỏa. Kiên quyết bảo đảm tiến độ trong mọi tình huống, tốt nhất là rút ngắn tiến độ trên cơ sở kinh nghiệm thực hiện dự án đường dây 500 kv mạch 3. Thực hiện ngay các công việc để triển khai chủ trương đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam sớm nhất, hiệu quả nhất.
Tinh gọn bộ máy các cơ quan Đảng...
Cũng ở tầm Trung ương, ông cho biết Bộ Chính trị đang chỉ đạo sơ kết việc thực hiện Nghị quyết 18 của BCH Trung ương khóa XII về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh, gọn, hiệu lực, hiệu quả để trình Hội nghị Trung ương 11 tới.
Đây là cơ sở để tiếp tục là tinh gọn bộ máy tổ chức Đảng, Quốc hội, Chính phủ, MTTQ, các tổ chức chính trị xã hội. Trong đó, bộ máy các cơ quan của Đảng phải thực sự là trí tuệ, là bộ tổng tham mưu, đội tiên phong lãnh đạo các cơ quan nhà nước; xây dựng đội ngũ lãnh đạo nhất là người đứng đầu các cấp đủ phẩm chất, năng lực, uy tín đáp ứng yêu cầu trong điều kiện mới.
Thứ ba, về một số công việc chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm yêu cầu các cấp ủy trong quá trình dự thảo văn kiện đại hội cấp mình cần bám sát các quan điểm, tư tưởng, phương hướng, giải pháp chiến lược mà Hội nghị Trung ương 10 đã thống nhất.
Mỗi địa phương cần cụ thể hóa, xác định rõ, định hướng các giải pháp xây dựng mô hình XHCN gắn với con người XHCN. Hải Phòng, Đà Nẵng đã đi đầu thực hiện để trên cơ sở đó rút kinh nghiệm, nhân rộng tới các địa phương trên cả nước.
“Vừa rồi tôi đi thực tế Quảng Trị, thấy tỉnh nhỏ nhưng hội tụ rất nhiều điều kiện thuận lợi về hạ tầng giao thông, cả trục Bắc – Nam, cả trục Đông – Tây, sân bay, cảng biển nước sâu, kết nối rất tốt với Lào, Campuchia. Tiềm năng về năng lượng tái tạo, điện khí rất lớn. Như thế, không thể nói là nghèo được. Nhưng nếu không phát huy tự chủ thì đường cao tốc người ta cũng chỉ đi qua thôi” – người đứng đầu Đảng, Nhà nước lấy ví dụ.
5 trọng tâm góp ý dự thảo văn kiện Đại hội XIV
Về văn kiện Đại hội XIV, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm yêu cầu cấp ủy các cấp tập trung nghiên cứu, đóng góp dự thảo văn kiện mà Hội nghị Trung ương 10 đã bước đầu cho ý kiến và Bộ Chính trị đang hoàn thiện để gửi về các đảng bộ cấp tỉnh góp ý.
Trọng tâm đóng góp là: (i) Quản trị quốc gia và quản trị địa phương; tính cấp bách, nội hàm quản trị địa phương để nâng cao năng lực tự lực, tự cường; (ii) Mối quan hệ giữa tư duy quản lý và tư duy phát triển từ thực tiễn công tác bộ, ngành, địa phương; (iii) Cách thức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia để bảo đảm hiệu quả, chống lãng phí; (iv) Đổi mới tư duy, quan điểm, quy trình xây dựng luật, cơ quan làm luật; (v) Vấn đề đúng vai, thuộc bài trong thực hiện nguyên tắc Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ và nguyên tắc chính sách an sinh xã hội đi đôi với phát triển xã hội.
Cùng với đó là phải chuẩn bị tốt nhất nhân sự cho đại hội đảng bộ các cấp. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, thử thách đối với các nhân sự được quy hoạch tham gia cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy các cấp, bảo đảm lựa chọn ra được cấp ủy, nhất là người đứng đầu có năng lực lãnh đạo, có sức chiến đấu cao, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo vì sự nghiệp chung, có năng lực lãnh đạo thực hiện thắng lợi các chủ trương của Đảng, đưa nghị quyết của Đảng vào thực tiễn cuộc sống trên từng lĩnh vực, địa bàn.