Cấp chứng minh thư cho lao động nước ngoài
Ngày 10-1, Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono đã lên đường sang Malaysia. Mục đích chính của chuyến đi là thăm hỏi cô Nirmala Bonat, một lao động giúp việc nhà người Indonesia đã bị bà chủ Malaysia ngược đãi hết sức dã man.
Cùng đi với Tổng thống Yudhoyono có phu nhân tổng thống, Bộ trưởng Ngoại giao Hassan Wirajuda, Bộ trưởng Nhân lực và Di trú Erman Soeparno và Bộ trưởng về quyền phụ nữ Meutia Hatta.
Cùng ngày, Tổng thống Yudhoyono đã gặp cô Nirmala Bonat trong 15 phút, tại một khách sạn ở Kuala Lumpur (Malaysia).
Nội dung chuyến thăm mang ý nghĩa rất quan trọng: phản ánh thái độ quan tâm của chính phủ và nhân dân Indonesia đối với lao động ở nước ngoài. Nhân dịp này, Tổng thống Yudhoyono đã thúc giục Malaysia cần nhanh chóng xét xử người chủ đã nhẫn tâm hành hạ cô Nirmala Bonat.
Theo Bộ Ngoại giao Indonesia, Tổng thống Yudhoyono cũng đã đề nghị với chính phủ Malaysia cấp chứng minh thư cho người lao động Indonesia. Chứng minh thư sẽ có giá trị thay thế cho hộ chiếu để khi lao động nước ngoài bị chủ giữ hộ chiếu và giấy tờ, họ vẫn có thể rời nhà chủ.
Ba năm chưa xử xong
Câu chuyện của cô Nirmala Bonat xảy ra cách đây ba năm ở Kuala Lumpur. Năm đó cô mới 19 tuổi, giúp việc nhà cho bà Yim Pek Ha, vợ giám đốc công ty. Một ngày nọ, hàng xóm phát hiện khắp người cô có nhiều vết sẹo, vết bỏng, vết roi.
Tại cơ quan điều tra, cô kể lại đã bị bà chủ hành hạ đủ kiểu: dùng nước sôi đổ lên người chỉ vì cô làm vỡ một cái chén trong lúc rửa chén bát, lấy bàn ủi nóng ủi lên ngực vì cô ủi quần áo không vừa ý. Mỗi lần đánh đập cô, bà chủ đóng hết cửa lại để hàng xóm không nghe tiếng.
Bà Yim Pek Ha bị bắt nhưng được nộp tiền tại ngoại. Còn cô Nirmala Bonat vào trú tại sứ quán Indonesia ở Kuala Lumpur để theo đuổi vụ kiện. Suốt thời gian này, cô không được tự do ra ngoài vì lý do an ninh.
Cô giúp việc Nirmala Bonat (trái) và thương tích trên người lúc bị bà chủ hành hạ. |
Qua mấy năm, tòa án Malaysia vẫn không xử dứt điểm vụ cô giúp việc Nirmala Bonat bị hành hạ nên phía Indonesia rất nóng ruột. Báo Jakarta Post của Indonesia ngày 30-8-2007 trích lời một viên chức sứ quán Indonesia tại Malaysia nói: “Hoãn xét xử và thay đổi thẩm phán, rõ ràng sự chậm chạp này có chủ ý...”.
Sang năm 2008, sự việc có tiến triển hơn. Sau vài ngày xét xử, vào ngày 4-1, tòa án ở Kuala Lumpur đồng ý những vết thương trên người cô Nirmala Bonat không phải do cô tự gây ra và tòa xét thấy bà chủ Yim Pek Ha đã phạm tội gây tổn thương thân thể nghiêm trọng đối với người giúp việc. Nếu bị tòa chính thức kết án, bà Yim Pek Ha có thể lãnh án đến 20 năm tù.
Hiện nay, có khoảng 1, 5 triệu lao động người Indonesia tại Malaysia, trong đó có khoảng 300.000 lao động giúp việc nhà. Năm ngoái, đã có 46 lao động Indonesia chết ở Malaysia nhưng cảnh sát không làm rõ nguyên nhân chết. |
NGỌC HƯƠNG (Theo Tenaganita, Jakarta Post, Southeast Asian Times)