Ngày 24-7, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ rời Qatar, chấm dứt hai ngày thăm quốc gia vùng Vịnh này nhằm cố gắng hòa giải cuộc khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng nhất hàng thập niên giữa Qatar và một nhóm nước Ả Rập.
Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Bahrain, Ai Cập và một số nước Ả Rập cắt quan hệ ngoại giao và cô lập Qatar từ ngày 5-6, cáo buộc nước này ủng hộ khủng bố.
Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh quan trọng nhất của Qatar trong cuộc khủng hoảng này. Đóng cửa căn cứ quân sự Thổ Nhĩ Kỳ là một trong 13 điều kiện mà các nước Saudi Arabia, UAE, Bahrain, Ai Cập yêu cầu Qatar trong tối hậu thư gồm gửi ngày 22-6. Cả Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định sẽ không làm điều này.
Hơn nữa, sau khi khủng hoảng xảy ra Thổ Nhĩ Kỳ đã một lần gửi thêm quân và xe bọc thép đến Qatar để thể hiện sự ủng hộ. Hiện Thổ Nhĩ Kỳ đang xúc tiến thông qua luật cho phép triển khai thêm quân đến Qatar. Theo một thỏa thuận giữa hai bên năm 2014, Thổ Nhĩ Kỳ có thể đưa sang Qatar 1.000 quân.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan (trái) và quốc vương Qatar Tamim bin Hamad al-Thani gặp nhau tạo Qatar ngày 24-7. Ảnh: REUTERS
Gặp nhau, ông Erdogan và quốc vương Qatar Tamim bin Hamad al-Thani có bàn đến cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh và các nỗ lực giải quyết nhưng không thống nhất biện pháp nào. Hai ông còn bàn cách tăng hợp tác quốc phòng và kinh tế.
Trước khi đến Qatar, ông Erdogan đã thăm Saudi Arabia và Kuwait. Có thể nói chuyến công du vùng Vịnh của ông Erdogan không mang lại kết quả nào. Ngoại trưởng UAE Anwar Gargash nhận định chuyến thăm Qatar của ông Erdogan chẳng đem lại điều gì mới mẻ, tốt hơn Thổ Nhĩ Kỳ nên giữ vị thế trung lập trong khủng hoảng này.
Ông Erdogan là nhân vật cấp cao mới nhất đến vùng Vịnh trong nỗ lực hòa giải. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cũng như các ngoại trưởng Pháp, Anh, Đức cũng đã lần lượt đến vùng Vịnh từ vài tuần qua. Tuy nhiên, các nỗ lực hòa giải này tới giờ vẫn chưa có kết quả.