TP.HCM: Giải pháp để cảnh báo chất lượng không khí

Vấn đề ô nhiễm không khí hiện nay đang là vấn đề được nhiều người quan tâm bởi chúng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Vì thế, các nhà quản lý cũng như các chuyên gia đã đưa ra nhiều giải pháp để cảnh báo cũng như cải thiện tình trạng ô nhiễm không khí. Trong đó, TP.HCM cũng đã đưa ra nhiều giải pháp để giảm thiểu ô nhiễm không khí hiệu quả.

Ô nhiễm không khí vẫn ở mức báo động

GS-TS Lê Thanh Hải, Viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết thời gian qua, công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đã được quan tâm nhiều hơn.

Theo GS-TS Hải, công tác này đã có bước chuyển biến tích cực và đạt được một số kết quả bước đầu quan trọng. Tuy nhiên, việc ứng phó với biến đổi khí hậu còn bị động, lúng túng bởi thiên tai ngày càng bất thường. Tình trạng ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí vẫn xảy ra thường xuyên, thậm chí có nơi nghiêm trọng… “Vấn đề đặt ra với chúng ta hiện nay là làm thế nào để vừa giữ vững tăng trưởng kinh tế vừa bảo vệ được môi trường, lại vừa ứng phó có hiệu quả với các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu để phát triển bền vững đất nước” - GS-TS Lê Thanh Hải nói.

Các phương tiện giao thông là một trong những nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí. Ảnh: TT

Còn theo PGS-TS Hồ Quốc Bằng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu (ĐH Quốc gia TP.HCM), tình hình ô nhiễm không khí ở TP.HCM sẽ gia tăng khi TP trở về hoạt động bình thường sau thời gian giãn cách.

“Nhiều nghiên cứu chỉ ra các phương tiện giao thông, đặc biệt là xe máy và các hoạt động công nghiệp là nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm bụi PM2.5. Sắp tới, TP.HCM phải xây dựng được kế hoạch quản lý chất lượng không khí một cách căn cơ và dài hạn. Trong kế hoạch đó phải tính toán các giải pháp đồng bộ để giải quyết được vấn đề ô nhiễm không khí ở TP” - PGS-TS Hồ Quốc Bằng nói.

Cảnh báo chất lượng không khí qua ứng dụng

Nhằm giảm thiểu ô nhiễm không khí, thời gian qua TP.HCM đã áp dụng nhiều giải pháp. Cụ thể là triển khai chương trình thí điểm kiểm tra khí thải mô tô, xe máy đang lưu hành góp phần cải thiện chất lượng không khí… Bên cạnh đó, đối với những cơ sở sản xuất công nghiệp có lưu lượng khí thải lớn cũng được Sở TN&MT TP hoàn tất việc kết nối dữ liệu quan trắc tự động để kiểm soát khí thải.

Vừa qua, Viện Môi trường và Tài nguyên (ĐH Quốc gia TP.HCM) đã cho ra mắt Ứng dụng theo dõi chất lượng không khí - Healthy AIR, ứng dụng cho phép mọi người biết mức độ ô nhiễm ở hiện tại và dự báo trong tương lai.

Healthy AIR có thể đo được nhiều chất gây ô nhiễm không khí như O3, NO2, SO2, PM2.5, CO, TSP…; hiển thị chất lượng không khí bằng chỉ số AQI theo Hướng dẫn kỹ thuật tính toán và công bố chỉ số chất lượng không khí Việt Nam. Healthy AIR sử dụng số liệu đo liên tục từ sáu trạm quan trắc không khí tự động đặt tại sáu quận và TP Thủ Đức của TP.HCM. Hệ thống trạm đo này sử dụng công nghệ của Hàn Quốc. Bên cạnh đó, hệ thống này được truyền dữ liệu bằng mạng 4G MobiFone tiên tiến hiện nay để hạn chế mất dữ liệu khi mạng Internet bị lỗi.

Healthy AIR cũng đưa ra các khuyến cáo, cảnh báo về chất lượng không khí cho các nhóm đối tượng có các bệnh như hen suyễn, viêm xoang, hô hấp… Ứng dụng này có chức năng thông báo đến số điện thoại người bệnh khu vực bệnh nhân hen suyễn, hô hấp, có mức ô nhiễm không khí cao và đưa ra khuyến nghị cần xịt thêm thuốc hen suyễn khi có ô nhiễm không khí nặng.

Nhóm phát triển dự án cho biết đang hoàn thiện ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI để dự báo ngắn hạn ô nhiễm không khí ở TP.HCM. Sau khi thu thập và phân tích dữ liệu ô nhiễm không khí, nhóm nghiên cứu phân tích tác động ô nhiễm. Sau đó, dự án sẽ phát triển các mô hình học để dự đoán mức độ của ô nhiễm không khí đối với sức khỏe cộng đồng bằng cách phân tích sự tương quan mức độ ô nhiễm không khí trong các khoảng thời gian ngắn hạn, trung hạn và dài hạn tại TP.HCM.

PGS-TS Hồ Quốc Bằng, Giám đốc dự án, cho biết ứng dụng được phát triển với sự phối hợp giữa nhiều đơn vị như: ĐH Quốc gia TP.HCM, ĐH Y Dược TP.HCM; Tổng công ty Viễn thông MobiFone; Trung tâm Ứng dụng trí tuệ nhân tạo Ireland, có trụ sở tại University College Dublin (UCD), Ireland…

“Những dự báo và tính toán này cùng với sự phân tích tác động lên sức khỏe cộng đồng sẽ là cơ sở cho việc phát triển chính sách ô nhiễm không khí và phát thải khí nhà kính mới. Nhóm dự án sẽ liên lạc với các nhà hoạch định chính sách quan trọng ở Việt Nam để phát triển và thực hiện những thay đổi này. Chúng ta có thể tải ứng dụng tại Android: shorturl.at/mtyJO; iOS: shorturl.at/lC357” - PGS-TS Hồ Quốc Bằng cho biết.•

 

Ngày 15-10, nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập, Viện Môi trường và Tài nguyên (ĐH Quốc gia TP.HCM) đã phối hợp với ĐH Dublin tổ chức hội thảo IER-25 với chủ đề “Quản lý môi trường khu vực đô thị và công nghiệp” và hội thảo Healthy AIR về “Mô phỏng tác động ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu lên sức khỏe cộng đồng”.

Hội thảo đã thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực tài nguyên môi trường, các nhà quản lý, nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên. Hội thảo tập trung thảo luận vào một số chủ đề như: Quản lý tài nguyên thiên nhiên và môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Trí tuệ nhân tạo (AI) trong ô nhiễm không khí (Healthy AIR)…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm