Bệnh nhân tên TVN (49 tuổi, ở quận 12). Bệnh nhân đã từng lưu trú một tháng ở Angola (vùng dịch tễ sốt rét). Sau khi về Việt Nam ba ngày, bệnh nhân có dấu hiệu sốt cao liên tục, lạnh run nên tự mua thuốc uống.
Do bệnh tình không khỏi, bệnh nhân lại rơi vào trạng thái sốt cao, tri giác xấu dần nên được gia đình đưa tới BV quận 12. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bị sốt xuất huyết. Hai ngày sau bệnh nhân hôn mê, không tiếp xúc. Chẩn đoán bệnh nhân bị sốt xuất huyết nặng nên BV quận 12 chuyển tới BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM.
Nhân viên y tế pha thuốc diệt muỗi truyền bệnh sốt rét trước khi phun. Ảnh: TRẦN NGỌC
Sau khi thực hiện các xét nghiệm, BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM chẩn đoán bệnh nhân bị sốt rét ác tính. Mặc dù được điều trị tích cực nhưng bệnh tình không giảm. Gia đình xin đưa bệnh nhân về nhà và sau đó đã tử vong.
Ông Lê Thành Đồng, Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TP.HCM, cho biết trong 10 năm (2007-2016), tình hình sốt rét ở khu vực Nam Bộ-Lâm Đồng có xu hướng giảm và giảm mạnh ở hầu hết địa phương. Các chỉ số bệnh nhân sốt rét, ký sinh trùng sốt rét, sốt rét ác tính và tử vong do sốt rét đều giảm.
“Tuy nhiên, các chỉ số giảm không ổn định qua các năm. Năm 2007-2008 giảm dần, đến năm 2009-2011 tăng lại. Sau đó lại giảm dần vào các năm tiếp theo. Từ năm 2007 đến nay không xảy ra dịch sốt rét” - ông Đồng nói.
Theo ông Đồng, từ năm 2015, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TP.HCM chủ động triển khai thực hiện một bước chiến lược phòng, chống và loại trừ sốt rét. Trong năm 2017, viện sẽ tiếp tục hướng dẫn thủ tục cho các tỉnh có đủ điều kiện tiến tới loại trừ sốt rét.