Hội nghị tổng kết về việc triển khai thực hiện các biện pháp ngăn chặn cháy lớn trên địa bàn TP.HCM sáng 30-6.
Thiếu tướng Đỗ Minh Dũng, Phó Cục trưởng Cục PCCC, cho rằng công tác PCCC trên địa bàn TP còn bộc lộ không ít tồn tại.
“Như tại Công ty nệm Vạn Thành, mặc dù trước đó đã có nhiều lần kiểm tra, nhắc nhở và xử lý nhưng họ không chấp hành. Vậy nên, thực tế cần tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm. Vì nếu đã xảy ra cháy thì tổn thất tài sản rất lớn. Như hiện tại, nói về an ninh trật tự, cướp giết là vấn đề nhức nhối nhưng khi nói về cháy thì thiệt hại rất to lớn, không những thiệt hại về người mà thiệt hại về tài sản” - Thiếu tướng Dũng nói.
Qua thống kê cho thấy trên 70% vụ cháy nổ liên quan tới các thiết bị điện, 45% cháy tại các hộ dân trong khu dân cư; các vụ cháy nổ gây thiệt hại lớn về người và tài sản xảy ra ở các cơ sở kinh doanh, sản xuất xen cài trong khu dân cư, cơ sở kinh doanh, tàng trữ hóa chất, xăng dầu, gas.
100% (9/9 vụ) vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người xảy ra tại hộ kinh doanh hoặc các cơ sở nhỏ lẻ xen cài trong khu dân cư. 50% (6/12) vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản nằm trong các KCN, KCX.
Vụ cháy lớn ở Công ty nệm Vạn Thành thiêu rụi nhiều tài sản trị giá hàng chục tỉ đồng.
Ông Huỳnh Cách Mạng, Phó Chủ tịch UBND TP, cho rằng công tác PCCC còn bộc lộ không ít tồn tại, nhiều công ty xí nghiệp, đơn vị kinh doanh không hoặc ít quan tâm đến công tác PCCC mà coi đó là trách nhiệm của chính quyền.
Đặc biệt, tại nhiều cửa hàng kinh doanh nhỏ việc thiết kế biển hiệu, kết cấu khiến cho việc cứu hộ cứu nạn khó khăn, những người bên trong cũng khó thoát ra ngoài. “Hỏa hoạn gây ra những thiệt hại rất đau lòng, trong khi đó thực tế cho thấy tại nhiều cửa hàng, đơn vị kinh doanh không chú trọng công tác phòng chống. Khi có hỏa hoạn xảy ra rất khó khống chế, gây thiệt hại rất nhức nhối” - ông Huỳnh Cách Mạng nói.