TP.HCM: Bệnh nhân mắc COVID nặng có dấu hiệu tăng trở lại

(PLO)-  Khoa nhiễm D BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM ghi nhận số bệnh nhân COVID-19 tăng gấp đôi so với tuần trước. Các bệnh viện khác cũng ghi nhận số ca mắc tăng trở lại.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Video: TP.HCM: Bệnh nhân mắc COVID nặng có dấu hiệu tăng trở lại

Sáng 1-8, BS Nguyễn Thanh Phong, Trưởng Khoa nhiễm D, cho biết, khoa đang có 20 ca COVID-19 nặng điều trị. Nếu như tuần trước chỉ có 7-8 bệnh nhân thì hiện số ca nhập viện tăng gấp đôi, trong số này có hai bệnh nhân từ tỉnh khác chuyển đến.

Phòng hồi sức COVID-19 của Khoa nhiễm D BV Bệnh nhiệt đới. Ảnh: HOÀNG LAN

Phòng hồi sức COVID-19 của Khoa nhiễm D BV Bệnh nhiệt đới. Ảnh: HOÀNG LAN

Bẹnh nhân nặng chủ yếu có bệnh nền

“Các bệnh nhân nặng chủ yếu có bệnh nền như cao huyết áp, đái tháo đường, thận mạn, người lớn tuổi, một số có bệnh lý rối loạn miễn dịch, ung thư, HIV. Trong số này cũng có người chưa tiêm vaccine” - BS Phong cho biết và lo ngại số ca nhiễm COVID-19 đang gia tăng ngoài cộng đồng sẽ dẫn đến số nhập viện tăng lên.

Tuần trước, Khoa nhiễm D tiếp nhận ba mẹ con có xét nghiệm dương tính với COVID-19. Người mẹ đưa con có biểu hiện sốt, tiêu chảy vào BV Bệnh nhiệt đới thăm khám và xét nghiệm, kết quả dương tính với COVID-19. Người mẹ và em bệnh nhân đi cùng cũng có kết quả dương tính nên được cách ly chung tại Khoa nhiễm D. Hiện cả ba đều đã được xuất viện.

BS Phong đề nghị các BV có giường bệnh phải lên phương án, chuẩn bị khu riêng tiếp nhận, cách ly bệnh nhân nhẹ, ca nặng có thể liên hệ BV Bệnh nhiệt đới hỗ trợ điều trị. Riêng các bệnh nhân ở tỉnh khác, nếu bệnh không quá nặng, chẳng hạn đang thở ôxy mũi không nhất thiết phải chuyển về BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM để tránh quá tải. “Các tỉnh cũng phải có phương án khởi động các khu cách ly để tiếp nhận điều trị bệnh nhân COVID-19 trong tình hình số ca nhiễm ngoài cộng đồng tiếp tục tăng. Chúng tôi sẵn sàng hội chẩn chuyên môn với các BV ở tỉnh” - BS Phong nói.

Các biến chủng của COVID-19 là BA.4, BA.5 có tốc độ lây lan nhanh hơn những chủng khác, nếu người dân không tiêm liều nhắc lại thì kháng thể bảo vệ sẽ giảm, nguy cơ số ca mắc tăng và nặng hơn.

Theo BS Phong, với số bệnh nhân hiện tại, khoa có thể đảm đương được công việc, tuy nhiên nếu bệnh nhân tiếp tục tăng, BV phải huy động thêm nhân sự của các khoa khác hỗ trợ để đáp ứng nhu cầu điều trị tại Khoa nhiễm D.

Theo Sở Y tế TP.HCM, số ca mắc COVID-19 trên địa bàn TP có khuynh hướng tăng cao. Tỉ lệ tiêm mũi nhắc lại của trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi chỉ mới đạt 19,86% và tỉ lệ tiêm mũi 1 và mũi 2 cho trẻ từ năm đến dưới 12 tuổi đạt 46,9% và 24,3%.

Nhiều bệnh nhân đi khám, xét nghiệm ra COVID-19

Không chỉ BV Bệnh nhiệt đới mà các BV khác ở TP.HCM cũng bắt đầu ghi nhận số ca COVID-19 tăng trở lại sau thời gian “hạ nhiệt”. Các bác sĩ lo ngại tỉ lệ tiêm mũi 1 và mũi 2 nhắc lại (tức mũi 3 và mũi 4) thấp, số ca mắc trong cộng đồng và nhập viện sẽ tăng.

BS Trần Văn Khanh, Giám đốc BV Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức), cho biết trong vài tuần liền BV không ghi nhận ca mắc COVID-19 thì nay thỉnh thoảng phát hiện ca mắc trở lại. Bệnh nhân cũng có các triệu chứng cảm, sốt, viêm đường hô hấp trên như các bệnh hô hấp thông thường khác, do đó phải khám sàng lọc mới phát hiện được. Theo BS Khanh, các ca bệnh nhẹ được cho theo dõi, cách ly tại nhà, nếu nặng kèm có bệnh nền sẽ được chuyển BV Bệnh nhiệt đới TP.

Tuy nhiên, vừa qua BV tiếp nhận một ca bệnh COVID-19 nặng đang chạy thận nhân tạo định kỳ nhưng BV Bệnh nhiệt đới TP không có chạy thận nhân tạo nên buộc lòng BV phải cho bệnh nhân ở lại phòng chạy thận áp lực cao điều trị. “Bệnh nhân chạy thận nhân tạo có sức khỏe bình thường nhưng mắc thêm COVID-19 làm cho tình trạng nặng hơn, huyết áp cao, phải thở ôxy liều cao” - BS Khanh cho hay.

Theo BS Khanh, các biến chủng của COVID-19 là BA.4, BA.5 có tốc độ lây lan nhanh hơn những chủng khác, nếu người dân không tiêm liều nhắc lại thì kháng thể bảo vệ sẽ giảm, nguy cơ số ca mắc tăng và nặng hơn. Bên cạnh việc tiêm vaccine, BS Khanh lưu ý người dân tiếp tục tuân thủ 2K (khẩu trang và khử khuẩn).

BS Trần Quốc Dũng, Giám đốc BV quận 11, cho biết liên tiếp ba tháng 4, 5, 6, BV không phát hiện ca COVID-19 nào nhưng từ đầu tháng 7 đến nay phát hiện hơn 16 ca, trong đó hai ca phải thở ôxy, một ca có bệnh nền cao huyết áp và lớn tuổi. “Các ca bệnh thấy triệu chứng tự test COVID-19 ở nhà hoặc đến BV khám và tình cờ phát hiện” - BS Dũng nói và cho biết BV vẫn duy trì khu cách ly để sàng lọc và đưa bệnh nhân vào điều trị.•

TP.HCM tăng số điểm tiêm vaccine tại trường học

Khởi động tháng cao điểm tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em, sáng 1-8, Sở Y tế đã tổ chức năm đoàn đi kiểm tra đột xuất công tác tiêm vaccine cho trẻ em tại hai quận 7 và 8, các huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè.

Tại điểm tiêm Trường Tiểu học Hoàng Minh Đạo (quận 8), nhiều phụ huynh đưa con đến để được tiêm mũi 1, mũi 2 hoặc mũi nhắc lại theo quy định. Công tác khám sàng lọc, tiêm, cấp cứu được tổ chức chu đáo. Tuy nhiên, Sở Y tế lưu ý việc cả quận 8 chỉ mới triển khai một điểm tiêm cho trẻ tại trường học là chưa đáp ứng nhu cầu của phụ huynh và yêu cầu mở thêm các điểm tiêm tại các trường học trên địa bàn.

Trong tháng cao điểm này, Sở Y tế đã yêu cầu ba BV chuyên khoa nhi của TP (Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 và Nhi đồng Thành phố) sẵn sàng các đội tiêm để tăng cường số điểm tiêm và số bàn tiêm cho các quận, huyện và TP Thủ Đức. Đồng thời yêu cầu Trung tâm Cấp cứu 115 sẵn sàng bố trí các xe cấp cứu tại các khu vực có điểm tiêm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm