Từ ngày 1-1-2010, Quyết định 37/2009 của UBND TP. HCM về cấm, hạn chế xe cơ giới ba bánh, xe thô sơ ba, bốn bánh lưu thông trong khu vực nội đô, các đường vành đai, quốc lộ đi qua TP.HCM bắt đầu có hiệu lực.
CSGT sẽ xử phạt nghiêm
Thượng tá Võ Văn Nhuận, Trưởng phòng CSGT đường bộ Công an TP.HCM, cho biết trước khi Quyết định 37 có hiệu lực, CSGT đã nhắc nhở những người chạy xe ba, bốn bánh thô sơ vào các tuyến đường bị cấm, hạn chế. Do đó, kể từ 0 giờ ngày 1-1-2010, tất cả trường hợp vi phạm sẽ bị xử phạt nghiêm.
Theo Ban Chỉ đạo xóa đói giảm nghèo (XĐGN) TP, một số quận, huyện cho biết đã hoàn tất việc hỗ trợ ban đầu (7 triệu đồng) cho các hộ nghèo có xe ba, bốn bánh, hoặc cho người dân vay tiền để chuyển đổi phương tiện, học nghề. Tuy nhiên, vẫn còn một vài quận, huyện chưa rót tiền cho dân trước giờ “G”.
Băng rôn thông báo ngày, giờ hạn chế xe ba bánh đã được treo trên xa lộ Hà Nội từ nhiều ngày qua. Ảnh: L.ÐỨC
Đến chiều qua, trên các đoạn, tuyến đường trong nội đô và vành đai, quốc lộ đã treo các băng rôn thông báo ngày, giờ cấm, hạn chế xe ba, bốn bánh. Tuy nhiên, theo Trung tá Nguyễn Văn Ruông, Đội trưởng Đội CSGT An Sương, ngành GTVT nên cắm ngay các loại biển báo trên các tuyến quốc lộ 1 và 22. Còn Trung tá Trần Như Sỹ đề xuất ngành GTVT nên gắn thêm biển báo phụ thông tin về ngày 1-1-2010 để giúp việc xử phạt của CSGT được thuận lợi, còn người dân không bị bất ngờ. Trung tá Trần Văn Thương, Đội trưởng Đội CSGT Rạch Chiếc, cho hay đội đã chuẩn bị xong kho bãi để tạm giữ các loại xe vi phạm.
Rác dân lập vẫn rối
Theo Ban Chỉ đạo XĐGN, đến nay một số hộ thu gom rác bằng xe cơ giới ba bánh đã chuyển đổi sang xe bốn bánh. Tuy nhiên, tại nhiều địa phương, việc chuyển đổi không hoàn toàn dễ dàng. Cụ thể, quận Bình Thạnh mới chỉ có 40 trên tổng số 200 đầu xe ba, bốn bánh tự chế của lực lượng gom rác dân lập được chuyển đổi xong.
Ông Lê Dư Hoàng, đại diện Nghiệp đoàn Vệ sinh dân lập quận Bình Thạnh, cho biết nghiệp đoàn đã nhiều lần gửi đơn đề nghị UBND quận hỗ trợ cho người dân trước 31-12-2009. Tuy nhiên, Phòng Tài nguyên và Môi trường quận cho biết thẩm quyền giải quyết việc này thuộc về UBND TP.
Bên cạnh việc hỗ trợ chuyển đổi, thời gian thu gom rác cũng khiến nhiều người gom rác lo lắng. Theo thông lệ, từ nay đến hết tết Nguyên đán, lượng rác thải sẽ tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba ngày thường. Vì thế, tình trạng dồn ứ rác hoàn toàn có thể xảy ra. “Ngày thường tôi mất khoảng sáu tiếng để thu gom rác. Vì thế, chắc chắn tôi không thể gom hết rác chỉ với ba tiếng được phép đi lại trên đường” - ông Đinh Xuân Khuê, gom rác dân lập quận Bình Thạnh, nói.
Về vấn đề này, Phó Giám đốc Công ty Dịch vụ Công ích quận Gò Vấp Lê Văn Thơm cho biết: “UBND quận đã chỉ đạo công ty hỗ trợ lực lượng rác dân lập trong tuần lễ đầu tiên. Nếu sau đó họ vẫn chưa chuyển đổi được, công ty sẽ trực tiếp ký hợp đồng thu rác với người dân”. Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên, Phó phòng Quản lý chất thải rắn (Sở TN&MT TP) Lê Trung Tuấn Anh lại khẳng định: “Để tránh rác thải ùn ứ, công ty dịch vụ công ích các quận cần hỗ trợ thu gom rác cho lực lượng dân lập đến khi họ chuyển đổi xong phương tiện”.
LƯU ÐỨC - THU HƯƠNG