TP.HCM cần tháo gỡ khó khăn về chính quyền đô thị

(PLO)- Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà yêu cầu TP.HCM bằng mọi cách tháo gỡ khó khăn trong thực hiện chính quyền đô thị.

Chiều 23-6, đoàn công tác của Bộ Nội vụ đã có buổi làm việc với UBND TP.HCM. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà và Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cùng chủ trì buổi làm việc.

Sở, ngành TP.HCM kiến nghị tăng người

Theo báo cáo của ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM, TP được trung ương giao 10.869 biên chế công chức nhưng HĐND TP đã duyệt 14.470 biên chế, cao hơn 3.601 người. Biên chế viên chức được trung ương giao cho TP.HCM là 97.881 người, trong khi HĐND TP đã duyệt 99.985 người.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà chủ trì buổi làm việc với UBND TP.HCM.
Ảnh: THANH TUYỀN

Số biên chế tại địa phương nhiều hơn số được trung ương duyệt có nguyên nhân từ việc tốc độ gia tăng dân số cao, lượng bệnh viện, trường học tăng dần theo từng năm. Các sở, ngành vẫn đang thiếu nhân lực và liên tục kiến nghị tăng người.

Ông Huỳnh Thanh Nhân cho biết thời gian qua do dịch COVID-19, bên cạnh nhân viên y tế xin nghỉ việc, nhu cầu tăng cường về y tế cơ sở là rất lớn để đảm bảo chăm sóc sức khỏe của người dân. TP.HCM đã nhiều lần kiến nghị tăng cường nhưng chưa được chấp nhận.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan, UBND TP có một số kiến nghị với Bộ Nội vụ. Về biên chế cán bộ, công chức tại các địa phương, UBND TP kiến nghị Bộ Nội vụ trình Chính phủ cho phép TP Thủ Đức được kéo dài thời gian sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người hoạt động không chuyên trách ở phường.

TP cũng kiến nghị được bố trí cán bộ, công chức đảm bảo số lượng tối đa là 23 người/phường. Trình Chính phủ xem xét, công nhận số lượng biên chế hành chính, số lượng người làm việc tại TP.HCM đã được HĐND TP phê duyệt năm 2022.

Tháo gỡ khó khăn trong vận hành chính quyền đô thị

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà chia sẻ dù phải thực hiện công tác chống dịch nhưng kinh tế TP vẫn phục hồi với kết quả tích cực.

Về thực hiện chính quyền đô thị (CQĐT), bà Trà đánh giá TP đã có trách nhiệm, thực hiện nghiêm túc. “Mô hình đô thị trong đô thị, TP trong TP của TP Thủ Đức vận hành đến thời điểm này cơ bản là đạt công suất” - bà Trà nói.

Về những vướng mắc, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đánh giá đó là điều đương nhiên và thẳng thắn nhìn nhận sẽ còn tiếp tục xuất hiện những khó khăn nữa.

“Mong muốn của chúng ta đối với CQĐT là rất lớn. Đó là động lực của đất nước trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Đây cũng là động lực để hình thành trung tâm kinh tế, tài chính của đất nước và hướng tới của cả khu vực. TP.HCM cũng như TP Thủ Đức có triển vọng rất mạnh mẽ, nếu làm đúng sẽ cất cánh rất nhanh” - Bộ trưởng Bộ Nội vụ đánh giá.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng trong thời gian tới, TP cần tập trung đẩy mạnh vấn đề hạ tầng trong việc chuyển đổi số. Đồng thời, bà cũng nói lên một số băn khoăn khi cho rằng TP quản lý biên chế chưa chặt chẽ.

“Một mặt nào đó có sự buông lỏng dẫn đến biên chế không đúng cơ quan có thẩm quyền giao, dẫn đến chênh số lượng biên chế. Đây là vấn đề phải bàn luận kỹ, nếu không sẽ kéo dài mà không giải quyết được” - bà Trà nói.

Tới đây, Bộ Chính trị sẽ giao biên chế cho TP.HCM. Bà Trà đặt vấn đề nếu không giải trình, làm rõ được việc này bắt đầu từ đâu, trách nhiệm của ai, hướng giải quyết là gì thì sẽ rất khó.

Bà khẳng định TP phải nắm chắc và sâu, quan tâm đến tổ chức, con người, nhân sự hơn. Trong công tác chỉ đạo nói chung, TP cần sát sao, kỹ lưỡng, bám sát quy định của pháp luật, văn bản quy phạm pháp luật để triển khai công việc toàn diện, đồng bộ hơn.

Từ đó, bà đề nghị bằng mọi cách TP phải tháo gỡ khó khăn liên quan đến vận hành CQĐT.

TP cần có báo cáo đánh giá sơ kết một năm thực hiện mô hình CQĐT, sau đó kèm theo tờ trình để báo cáo Chính phủ, bộ, ngành liên quan, trước hết là Bộ Nội vụ, những đề xuất để cùng giải quyết. Cần tập trung giải quyết vấn đề phân cấp, phân quyền về tài chính, đầu tư, quản lý đất đai, tài nguyên môi trường, tổ chức bộ máy.

Bà cũng yêu cầu làm rõ vướng mắc để các bộ, ngành tháo gỡ, thậm chí đề xuất sửa luôn Nghị định 33 hướng dẫn tổ chức CQĐT.

“Phải làm sao để có được pháp lệnh chính trị, sau đó là hành lang pháp lý vận hành CQĐT đúng mục tiêu, yêu cầu mới” - bà Trà khẳng định.

Về Nghị quyết 54, bà Trà cho rằng quan trọng nhất là phải có cơ chế rành mạch, rõ ràng để phân cấp toàn diện, triệt để cho TP.

“Suy cho cùng cơ chế là gốc của vấn đề. Cố gắng làm sao cái gì tốt, có tác động tích cực đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đem lại hiệu ứng, phát huy tinh thần trách nhiệm thì tính toán đưa vào” - bà Trà nói.

Bà nhấn mạnh TP.HCM không thể đi sau các địa phương khác về cải cách hành chính, yêu cầu TP tiếp tục phát huy nhiều cách làm hay trong lĩnh vực này.

Riêng về TP Thủ Đức, cần cố gắng phân cấp để TP này có nguồn lực, động lực phát triển hơn. TP Thủ Đức có thêm cơ chế thuận lợi sẽ là điều kiện kích hoạt mạnh mẽ cho TP.HCM và cả các tỉnh, thành phía Nam cùng phát triển.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới