Cần phải khẳng định TP.HCM cần rất nhiều tiền để cho phát triển - không chỉ là gấp đôi hay gấp ba so với ngân sách Chính phủ cấp mà còn phải tiếp tục đi vay rất nhiều từ WB, IMF, ADB và từ nguồn ODA. Nhưng cái mà TP năng động này cần hơn (hay cần nhất) không chỉ là tiền mà còn là quyền. Nếu không được trao quyền rộng lớn hơn, mạnh hơn thì cho dù được cấp nhiều tiền cũng không giải quyết đúng và đủ nhu cầu cần thiết để phát triển. Bởi một khi đồng tiền được cấp từ Chính phủ thì có nghĩa là anh tiêu một đồng cũng phải đúng quy định của Bộ Tài chính và các thể chế tài chính liên quan. Các khoản chi quan trọng cho các dự án dân sinh, cho các công trình trọng điểm mà không được các bộ, ngành liên quan đồng ý thì dù có rót tiền xuống cũng bằng không (các loại công trình lớn thường liên quan từ ba đến năm bộ và nhiều ban bệ khác).
Từ chuyện cấm câu cá trên kênh Nhiêu Lộc…
TP.HCM được tiếng là đông nhất cả nước (gần 10 triệu dân), tầm ảnh hưởng kinh tế lớn nhất cả nước nhưng hầu như có rất ít quyền liên quan đến việc thiết lập, xây dựng và ban hành chính sách, chủ trương. Cái mà TP cần hiện nay là quyền lập quy (thật sự), tức là lập ra các quy định, chính sách, các thiết chế vận hành và cả chế tài trong phạm vi địa bàn của mình.
Nếu được trao quyền, TP.HCM có thể ban hành ngay quy định cấm câu cá trên kênh Nhiêu Lộc với chế tài thật nặng. Ảnh: HTD
Lấy ví dụ điển hình, TP.HCM muốn cấm câu cá trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và kênh Tàu Hủ một thời gian để cá sinh sôi, nảy nở nhằm cảo tạo cảnh quan - môi trường. Dù địa phương treo nhiều bảng cấm dọc hai tuyến kênh nhưng người dân vẫn bất chấp đứng câu mà không hề sợ bị xử phạt. TP rất muốn xử phạt nghiêm nhưng lại vướng quy định, muốn xử phạt phải kiến nghị Chính phủ sửa Nghị định 103/2013. Nếu được trao quyền, rõ ràng TP không cần phải chờ, không cần phải kiến nghị mà có thể ban hành ngay văn bản để có thể chế tài mạnh mẽ người vi phạm.
Trong nhiều thập niên qua, TP.HCM có nhiều sáng kiến rất tốt xuất phát từ thực tiễn. Nhưng rất tiếc, không phải sáng kiến nào cũng được chính thức đi vào thực tiễn, chỉ vì TP không có quyền quyết định. Về lý thì anh có quyền đề xuất để trung ương xem xét nhưng đa phần khi kiến nghị được thông qua thì cơ hội đã trôi qua mất. Rất nhiều sáng kiến, quyết định rất tốt nhưng khi TP mới ban hành thì đã bị “soi” và buộc phải bỏ. Thậm chí có những chuyện nhỏ xíu TP muốn mà không làm được, chẳng hạn chuyện tăng tiền phạt những người xả rác, đổ xà bần, tiểu bậy… Chưa kể có không ít các chính sách, quy định của các bộ đã lạc hậu, xa rời thực tiễn mà các ban ngành của TP phải cắn răng thực hiện, dẫu biết hệ quả không hề dễ chịu, nhất là trong lĩnh vực quy hoạch - kiến trúc, cơ sở hạ tầng kỹ thuật.
Đến nhu cầu được phân cấp, phân quyền mạnh mẽ
Quay trở lại chuyện ngân sách, nếu TP.HCM có quyền tự chủ cao về quản trị, tổ chức cán bộ, quy hoạch (không gian và kinh tế-xã hội), trong đó có tự chủ ngân sách thì chắc chắn bức tranh của TP còn rực rỡ hơn nhiều. (Trong khi những TP lớn của các nước phát triển được phân quyền rất lớn, họ có quyền sử dụng ngân sách mà họ tạo ra một cách hợp lý nhất và hiệu quả nhất.)
Số tiền mà TP tạo ra được từ các nguồn sau một năm (tạm tính đơn vị là một năm) sẽ phải đóng góp lên Chính phủ những khoản nghĩa vụ bắt buộc và cho quỹ phát triển quốc gia theo tỉ lệ, còn lại TP được giữ lại phục vụ cho phát triển. Điều đó không có nghĩa là anh chỉ sử dụng cho địa bàn mình mà anh phải sử dụng nguồn ngân sách này thực hiện các dự án mà anh được hưởng lợi hay có liên quan đến toàn vùng. Ví dụ: Đối với các dự án lớn như trục giao thông Sài Gòn-Dầu Giây, cao tốc Sài Gòn-Vũng Tàu..., thay vì chờ đợi tiền của Chính phủ rót xuống thì nay anh được sử dụng ngân sách địa phương để thực hiện.
Tương tự, thay vì anh nộp toàn bộ số tiền thu được lên trung ương, sau đó đợi phân bổ trở lại thì nay anh được quyền sử dụng (theo luật định và theo nghị quyết của HĐND TP). Còn cách mà chúng ta đang làm hiện nay sẽ tạo ra tâm lý ỷ lại, thụ động, trông chờ vào “bầu sữa trung ương” của những đơn vị yếu. Ngược lại, với các tỉnh, thành có tiềm lực mạnh, phát triển nhanh thì lại không còn hào hứng vì phần được nhận lại không tương xứng với nỗ lực của mình.
Có một điều ai cũng thấy là tiềm năng của TP.HCM còn rất lớn, không kém các TP khác trong khu vực. Nhưng vì sao TP.HCM lại chưa bứt phá lên được? Nếu được phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, tôi tin một ngày không xa TP.HCM sẽ phát triển vượt bậc, xứng đáng với vai trò vị trí của mình.
Năm 2014, dù nền kinh tế còn khó khăn nhưng TP.HCM đã khắc phục và hoàn thành vượt mức chỉ tiêu thu ngân sách được giao. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn (không kể thu từ dầu thô) đạt 110,35% dự toán (chỉ tiêu 226.300 tỉ đồng, thu được 252.186 tỉ đồng) nhưng TP phải làm kiến nghị gửi trung ương để được “nhận thưởng” gần 8.000 tỉ đồng theo quy định để tăng vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, chống ngập và cung cấp nước sạch. |