Dự án bờ bắc kênh Đôi (quận 8) đã duyệt hết quy hoạch và chờ công tác bồi thường giải phóng mặt bằng được triển khai. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

TP.HCM chia 54 dự án thành 3 nhóm để chốt giải ngân đầu tư công

(PLO)- Sở QH-KT TP chia 54 dự án vướng quy hoạch thành ba nhóm cụ thể để phân loại vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

TP.HCM đang bước vào những tháng cuối năm, cả hệ thống chính trị đang vào cuộc quyết liệt để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Thậm chí từng ngày, lãnh đạo TP cùng các sở, ban ngành, ban quản lý dự án, quận, huyện và TP Thủ Đức đều kiểm tra, đôn đốc, giải quyết các công việc một cách nhanh nhất để mong “con thuyền” giải ngân vốn đầu tư công được về đích. Trong buổi giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP.HCM với các đơn vị về công tác giải ngân vốn đầu tư công ngày 24-10, Sở KH&ĐT TP cho biết tính đến ngày 18-10, tổng số vốn đã giải ngân của TP là 17.041 tỉ đồng, đạt tỉ lệ 21,5% trên tổng vốn đầu tư công được Thủ tướng giao.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Kiến trúc sư Trương Anh Tuấn, Phó phòng Quản lý quy hoạch khu vực 2, Sở QH-KT TP.HCM, cho biết hiện TP có khoảng 54 dự án có vướng mắc về điều chỉnh quy hoạch khi giải ngân vốn đầu tư công.

Đầu tư công
Dự án xây dựng cầu đường Nguyễn Khoái (các quận 1, 4, 7) là một trong những dự án mà UBND TP yêu cầu tập trung toàn nguồn lực để giải ngân. Ảnh: Sở GTVT TP

54 dự án đang vướng quy hoạch

. Phóng viên: Thưa ông, hiện TP có khoảng 54 dự án có vướng mắc về điều chỉnh quy hoạch khi giải ngân vốn đầu tư công, ông có thể nói rõ hơn về khó khăn, vướng mắc của các dự án này?

+ Kiến trúc sư Trương Anh Tuấn: Thời gian qua, Sở QH-KT TP đã thường xuyên chủ động phối hợp với các sở, ban ngành và UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức để kịp thời tham mưu cho UBND TP chỉ đạo giải quyết, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn liên quan đến công tác lập quy hoạch đô thị nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư công trong năm 2024.

Đối với 54 dự án đang vướng quy hoạch, chúng tôi chia thành ba nhóm. Nhóm 1 có 22 dự án đang thực hiện thủ tục về quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 hoặc quy hoạch tổng mặt bằng tỉ lệ 1/500. Các dự án này đã được sở có ý kiến, UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức đang xem xét phê duyệt theo thẩm quyền.

Nhóm 2 có 23 dự án đang thực hiện thủ tục về quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 hoặc quy hoạch tổng mặt bằng tỉ lệ 1/500. Các dự án này đang được chủ đầu tư lập hoặc UBND các quận, huyện thẩm định theo thẩm quyền và chưa chuyển sở có ý kiến thống nhất theo quy định.

Nhóm 3 có chín dự án chưa phù hợp với đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP đến năm 2025 hoặc đồ án quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2000 được duyệt. Các nhóm dự án này đang được rà soát đưa vào nội dung đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 trình thẩm định, phê duyệt hoặc điều chỉnh quy hoạch phân khu làm cơ sở triển khai dự án đầu tư theo quy định. Vì vậy, các dự án này không đảm bảo kế hoạch giải ngân trong năm 2024.


Cơ bản giải quyết xong các vướng mắc

. Sau khi chia nhóm, nhận diện vướng mắc, vậy sắp tới việc tháo gỡ sẽ diễn ra như thế nào, thưa ông?

+ Sau khi phân ba nhóm, Sở QH-KT TP đã đề ra các giải pháp thực hiện.

Cụ thể, nhóm 1, thuộc phần chủ động của quận, huyện và TP Thủ Đức hoàn toàn, sở sẽ phối hợp với các quận, huyện và TP Thủ Đức. Hiện UBND TP cũng đã có chỉ đạo đôn đốc các quận, huyện phê duyệt quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 hoặc quy hoạch tổng mặt bằng tỉ lệ 1/500 cho các dự án này để các dự án sớm được triển khai thực hiện. Nhóm này cũng thuận lợi do các dự án đã được sự đồng thuận của sở về mặt quy hoạch.

Đối với nhóm 2, Sở QH-KT TP đã họp với các quận, huyện để giải quyết vấn đề từng vướng mắc cụ thể của từng dự án và có hướng dẫn cụ thể cho các địa phương như quận 5, quận Gò Vấp…

Như vậy, những vướng mắc của nhóm 1 và 2 có thể được giải quyết xong vào cuối năm nay. Với nhóm 3, Sở KH&ĐT TP đã điều chỉnh bằng cách bổ sung vốn từ các dự án khác bù đắp phần chậm của chín dự án nhóm 3 để đáp ứng chỉ tiêu vốn đề ra.

Hiện TP cũng đã triển khai ứng dụng theo dõi việc giải ngân vốn đầu tư công. Theo đó, các ban quản lý dự án ở các quận, huyện, chủ đầu tư dự án sẽ cập nhật các văn bản gửi các sở, ngành liên quan lên ứng dụng hằng ngày. Từ đó, Sở QH-KT TP sẽ theo dõi nhiệm vụ hằng ngày để tiến hành giải quyết. Nhiệm vụ nào làm chậm trễ là ngay lập tức bị nhắc nhở bởi Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi thường xuyên theo dõi nhiệm vụ trên ứng dụng này.

Sở QH-KT TP cũng kiến nghị UBND TP tiếp tục chỉ đạo các đơn vị, UBND TP Thủ Đức và UBND các quận, huyện cần khẩn trương có các giải pháp thực hiện phù hợp để đẩy nhanh tiến độ; đảm bảo kế hoạch thực hiện công tác lập quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch đô thị phục vụ công tác giải ngân cho các dự án đầu tư công năm 2024.

Sở QH-KT TP thường xuyên chủ động phối hợp với các sở, ban ngành và UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức để kịp thời tham mưu cho UBND TP chỉ đạo giải quyết, tháo gỡ các vướng mắc khó khăn liên quan đến công tác lập quy hoạch đô thị nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư công năm 2024.

Ủy quyền cho quận, huyện duyệt 1/500 các dự án đầu tư công

. Vì sao đến nay vẫn còn nhiều dự án bị vướng mắc về quy hoạch chưa được tháo gỡ? Ông có thể thông tin tiến độ giải quyết của các dự án này từ giờ đến cuối năm?

+ Nhóm 1 cơ bản sẽ ổn, còn nhóm 2 cũng thuận lợi, tuy nhiên nhóm 2 cũng có các dự án tiềm ẩn nguy cơ chậm tiến độ do đi vào tỉ lệ 1/500 chi tiết hơn.

Có những dự án lớn có thể kể đến như dự án cầu đường Nguyễn Khoái, hiện quận 4 đã duyệt quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500, phía quận 1 và quận 7 đã trình lãnh đạo quận để phê duyệt quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500. Đối với dự án bờ bắc kênh Đôi (quận 8) đã duyệt hết quy hoạch và chờ công tác bồi thường giải phóng mặt bằng được triển khai.

Dự án bờ bắc Kênh Đôi (quận 8) đã duyệt hết quy hoạch và chờ công tác bồi thường giải phóng mặt bằng được triển khai. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

Dự án bờ bắc Kênh Đôi (quận 8) đã duyệt hết quy hoạch và chờ công tác bồi thường giải phóng mặt bằng được triển khai. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

Ngoài ra, có thêm thuận lợi là hiện nay TP đã ủy quyền cho quận, huyện duyệt 1/500 các dự án đầu tư công trong các khu vực có ý nghĩa quan trọng như khu vực dọc các tuyến cao tốc, dọc sông Sài Gòn…

Lý do đến nay còn rất nhiều dự án vẫn chưa được gỡ vướng có thể thấy theo luật thì khi đề xuất một dự án đầu tư phải căn cứ trên quy hoạch. Tuy nhiên, quá trình triển khai có một số bất cập khi có tuyến đường đi qua nhiều đồ án quy hoạch nên cần điều chỉnh đồng bộ trên toàn tuyến.

Mặt khác, có những đồ án từ năm 2004 đến nay chưa được điều chỉnh, lạc hậu, các chỉ số về dân số, mực nước cũng phải cập nhật và điều chỉnh cục bộ. Tất nhiên, giải pháp vẫn là chúng ta thấy trước và điều chỉnh, như sắp tới khi đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP được duyệt thì đưa vào dự án các đồ án điều chỉnh tổng thể, đồ án phân khu… cho khớp và duyệt triển khai luôn.

Trong hơn 50 dự án cũng có một số dự án vướng quy hoạch từ đầu năm (như chín dự án nhóm 3), bên cạnh đó đa số dự án cũng vướng việc duyệt quy hoạch tầng hầm. Đến tháng 8, Sở Xây dựng TP đã có văn bản hướng dẫn về việc cấp phép xây dựng công trình có tầng hầm trên toàn địa bàn TP, sau khi cập nhật quy hoạch tầng hầm thì mới triển khai quy hoạch 1/500 được, như dự án Nhà văn hóa Phụ nữ TP (đề xuất làm hai, ba tầng hầm).

Tính đến ngày 13-11, số dự án đã hoàn thành phê duyệt quy hoạch chi tiết hoặc quy hoạch tổng mặt bằng tỉ lệ 1/500 là 15 dự án (tăng bảy dự án so với báo cáo đầu tháng 11 của Sở QH-KT TP), các dự án cần tháo vướng mắc khác là bốn dự án. Số dự án cần tiếp tục theo dõi là 38 dự án.

. Xin cảm ơn ông.•

Ông HUỲNH CAO CƯỜNG, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh:

huynhcaocuong.jpg

Từ giờ đến cuối năm, huyện Bình Chánh sẽ khởi công năm dự án, trong đó có ba dự án trường học, một dự án kênh rạch và một dự án chuyển tiếp giai đoạn trước. Huyện cam kết sẽ giải ngân đúng tiến độ 95% theo yêu cầu của UBND TP.HCM, hiện chúng tôi đã giải ngân đạt tiến độ 52%, các dự án vẫn đang triển khai một cách khẩn trương.

Ông DƯƠNG HỒNG THẮNG, Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn:

duonghongthang.jpg

Từ giờ đến cuối năm, huyện Hóc Môn sẽ khởi công mới hàng chục dự án để tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công. Chúng tôi cơ bản sẽ đạt tiến độ giải ngân theo yêu cầu của UBND TP. Trước đó, tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Hóc Môn nhiệm kỳ 2020-2025 giữa tháng 10, lãnh đạo huyện Hóc Môn cũng cho biết đến ngày 10-10, giải ngân các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản, huyện đã giải ngân đạt gần 42%.

Ông TRẦN QUANG THẮNG, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TP.HCM:

ông-trần-quang-thắng.jpg

Giảm thiểu thời gian soạn thảo và kiểm tra hồ sơ

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công vào những tháng cuối năm, các giải pháp cần được triển khai đồng bộ và linh hoạt. Cụ thể như xây dựng và áp dụng các mẫu hồ sơ chuẩn để giảm thiểu thời gian soạn thảo và kiểm tra hồ sơ.

Bên cạnh đó, áp dụng các phần mềm quản lý dự án và hệ thống đấu thầu qua mạng để tăng cường tính minh bạch và hiệu quả trong quá trình chuẩn bị hồ sơ. Sử dụng các hệ thống quản lý dự án và đấu thầu qua mạng để tăng tính minh bạch và hiệu quả trong quá trình thực hiện.

Tổ chức các khóa đào tạo cho cán bộ phụ trách để nâng cao kỹ năng và hiểu biết về quy trình chuẩn bị hồ sơ. Đề xuất các biện pháp rút ngắn thời gian thẩm định hồ sơ, chẳng hạn như tăng cường nhân lực hoặc áp dụng các công cụ hỗ trợ thẩm định.

Khẩn trương hoàn thiện hồ sơ và thực hiện các thủ tục thanh toán vốn đầu tư ngay khi có khối lượng hoàn thành được nghiệm thu, tránh dồn thanh toán vào cuối năm. Đồng thời giao chỉ tiêu giải ngân vốn đầu tư công hằng tháng đến từng chủ đầu tư, coi đây là cơ sở để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ cuối năm.

Thường xuyên kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện các dự án, đôn đốc các nhà thầu và tư vấn để đảm bảo tiến độ, phân công cụ thể lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện, bám sát và kịp thời tháo gỡ khó khăn.

Luật mới ảnh hưởng tới bồi thường, giải phóng mặt bằng

Trong báo cáo của UBND TP.HCM gửi Bộ KH&ĐT về các khó khăn, vướng mắc trong việc giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 (ngày 16-10), UBND TP cho biết việc thay đổi quy định của Luật Đất đai về chính sách bồi thường trong điều kiện số vốn bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) của TP rất lớn. Bên cạnh đó, tính chất của công tác bồi thường, GPMB phức tạp đã tác động trực tiếp tới tỉ lệ giải ngân.

Theo UBND TP, trong năm 2024, tổng số vốn sử dụng cho công tác bồi thường, GPMB của TP khoảng 33.000 tỉ đồng (chiếm 38% tổng vốn đầu tư công TP phải giải ngân). Và theo kế hoạch từ đầu năm, TP dự kiến hoàn tất thủ tục và giải ngân kế hoạch vốn trong quý III - 2024. Tuy nhiên, khi Luật Đất đai 2024 chuyển thời điểm có hiệu lực từ ngày 1-1-2025 về ngày 1-8-2024 thì phần lớn số vốn bố trí năm 2024 đã không thể giải ngân theo tiến độ và các dự án phải điều chỉnh lại đơn giá bồi thường, GPMB để đảm bảo tránh khiếu kiện, khiếu nại và tuân thủ theo quy định của Luật Đất đai mới.

“Hệ quả là tới nay, TP mới chỉ giải ngân được số vốn 3.000 tỉ đồng trên tổng số 33.000 tỉ đồng” - báo cáo của UBND TP lý giải.

Đơn cử như dự án rạch Xuyên Tâm (từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật), nối hai quận Bình Thạnh và Gò Vấp, tăng tổng mức đầu tư từ hơn 9.660 tỉ đồng lên trên 17.220 tỉ đồng. Trong số này, gần 14.000 tỉ đồng dành cho chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo Luật Đất đai 2024 - tăng hơn 7.300 tỉ đồng so với dự toán trước đây.

“Hiện TP vẫn đang nỗ lực thúc đẩy các thủ tục để có thể giải ngân cho cả hai dự án rạch Xuyên Tâm và bờ bắc kênh Đôi vào cuối năm với số vốn là hơn 18.000 tỉ đồng, tương đương tỉ lệ 23% tổng số vốn phải giải ngân cả năm của TP” - báo cáo của UBND TP cho hay.

87 dự án cần tập trung giải ngân

Theo Sở TN&MT TP.HCM, số liệu từ tổ công tác rà soát, giải quyết khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công (Tổ công tác 2591) cho hay TP có tổng số 166 dự án đầu tư công với tổng số vốn bồi thường là hơn 33.830 tỉ đồng. Tính đến ngày 28-10 đã giải ngân được hơn 5.470 tỉ đồng, chiếm tỉ lệ 16,17%.

p8-9-dautucong-h3-thylan-sua-thanhtung.docx.jpg
Dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm đã thống nhất được phương án bồi thường. Ảnh: NGUYỄN CHÂU

Sau khi kiểm tra chi tiết các dự án (có bổ sung vốn), Sở TN&MT TP nhận thấy có 87/166 dự án đầu tư công cần tập trung giải ngân từ nay đến ngày 31-12.

Dự kiến đến ngày 30-11 có 50/87 dự án cần giải ngân với tổng số vốn được giải ngân là 8.914,573 tỉ đồng, chiếm tỉ lệ 27,7%. Trong đó có 24/87 dự án hoàn thành công tác giải ngân ở các quận, huyện như 4, 7, 8, Gò Vấp, Hóc Môn, Nhà Bè, Bình Chánh, TP Thủ Đức. Một số dự án có thể kể đến là dự án nạo vét, xây dựng hạ tầng, cải tạo môi trường bờ bắc kênh Đôi trên địa bàn quận 8, quận 8 sẽ giải ngân 5.100 tỉ đồng.

Dự kiến trong tháng 12-2024, có 37/87 dự án cần giải ngân với tổng số vốn là hơn 23.266 tỉ đồng. Trong đó có dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm khoảng 13.000 tỉ đồng; dự án đường vành đai 2 TP Thủ Đức gần 7.568 tỉ đồng.

Theo báo cáo từ Tổ công tác 2591, hiện nay TP.HCM gặp một số khó khăn, vướng mắc phải thực hiện ngay để có thể đảm bảo tiến độ giải ngân. Cụ thể, trên địa bàn TP.HCM có 45 dự án phải thực hiện theo Luật Đất đai 2024 và cần áp dụng chính sách, biện pháp, mức hỗ trợ khác. UBND quận, huyện đã báo cáo, đề xuất đối với 27 dự án gửi Sở TN&MT TP.

Trong đó, hai dự án đã họp và được các thành viên Tổ công tác 2591 thống nhất phương án là dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm và dự án nạo vét, xây dựng hạ tầng, cải tạo môi trường bờ bắc kênh Đôi. 19 dự án đã họp lấy ý kiến tổ giúp việc của Tổ công tác 2591. Hiện tổ giúp việc đang tổng hợp, hoàn thiện báo cáo trình Tổ công tác 2591. Bên cạnh đó, tổ giúp việc cũng đã báo cáo tiến độ 12 dự án khác với Tổ công tác 2591.

Để đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư công, Tổ công tác 2591 kiến nghị UBND TP sớm họp thông qua chính sách biện pháp, mức hỗ trợ khác đối với các dự án này trước ngày 20-11. Hiện nay, còn 18 dự án tại một số như quận 5, 7, 8, 11; huyện Bình Chánh, Hóc Môn chưa có văn bản báo cáo, đề xuất gửi TN&MT TP. Đề nghị lãnh đạo các địa phương khẩn trương thực hiện. Đồng thời, đề nghị TP sớm phê duyệt lại hệ số điều chỉnh giá đất của một số dự án theo công văn của Sở TN&MT TP.

Tổ công tác 2591 cũng kiến nghị Sở Xây dựng xem xét có ý kiến liên quan đến hỗ trợ cho các hộ dân được thuê hoặc mua nhà ở xã hội, bên cạnh đó có hướng dẫn xác định giá thuê, giá bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước đối với trường hợp người đang sử dụng nhà ở thuộc sở hữu nhà nước thuê, mua nhà ở tại nơi tái định cư…

Bên cạnh đó, Tổ công tác 2591 kiến nghị UBND TP sớm có chỉ đạo nội dung liên quan đến thẩm định, phê duyệt giá từng căn hộ để tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với nhà, công trình nhiều hộ, nhiều tầng. H.VŨ -NG.CHÂU

Đọc thêm