UBND TP.HCM đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn TP.HCM. Trong đó, TP.HCM đưa ra những mục tiêu cụ thể để thực hiện trong thời gian sắp tới…
Giảm 50% thiệt hại do thiên tai gây ra
TP.HCM xác định phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm và nghĩa vụ của toàn xã hội, trong đó nhà nước giữ vai trò chủ đạo, tổ chức và cá nhân chủ động, cộng đồng hỗ trợ nhau.
TP.HCM đã đặt ra mục tiêu giảm 50% thiệt hại do thiên tai gây ra so với giai đoạn 2011-2020, tập trung bảo toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân khi xảy ra bão, áp thấp nhiệt đới, lốc, sét, sạt lở bờ sông, ngập lụt…
Ngoài ra, TP.HCM phấn đấu 100% cơ quan chính quyền, các cấp, tổ chức và hộ gia đình được tiếp nhận đầy đủ thông tin và hiểu biết kỹ năng phòng chống thiên tai. Lực lượng làm công tác phòng chống thiên tai được đào tạo, tập huấn, trang bị đầy đủ kiến thức và trang bị thiết bị cần thiết.
TP.HCM đã đưa ra nhiều giải pháp để chống ngập. Ảnh: TT
Ngoài ra, TP đặt ra mục tiêu, người dân phải được đảm bảo an toàn trước thiên tai, nhất là các loại hình thiên tai có khả năng xảy ra trên địa bàn TP như: bão, áp thấp nhiệt đới, ngập lụt, sạt lở bờ sông, giông sét, lốc xoáy… Khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng, công trình phòng, chống thiên tai, nhất là hệ thống cống ngăn triều, kè chống sạt lở, đê bao, bờ bao, khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão được nâng cao, đảm bảo an toàn trước thiên tai theo mức thiết kế, không làm gia tăng nguy cơ rủi ro thiên tai…
Lắp đặt hệ thống theo dõi, giám sát, cảnh báo ngập lụt
Một trong những giải pháp TP đưa ra là nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai và cứu nạn cứu hộ. Cụ thể, TP sẽ kiện toàn tổ chức bộ máy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn các cấp theo hướng ngày càng tinh gọn, chuyên nghiệp. Xây dựng, kiện toàn và đào tạo lực lượng phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn các cấp, bao gồm lực lượng chuyên nghiệp và bán chuyên nghiệp, tình nguyện viên. Từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ để hỗ trợ cho các hoạt động trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Đối với khu vực ngoại thành và vùng ven, nhiệm vụ trọng tâm là phòng chống bão, áp thấp nhiệt đới, triều cường, mưa lớn… Những khu vực này sẽ tập trung đẩy mạnh công tác quy hoạch, đầu tư, quản lý vận hành các công trình phòng chống thiên tai, công trình thủy lợi và kịp thời gia cố, sửa chữa, nâng cấp, duy tu bảo đảm an toàn các công trình, hệ thống bờ bao khi mực nước dâng cao do triều cường, xả lũ, mưa lớn; Xây dựng, cập nhật bản đồ ngập lụt, bản đồ dân vùng hạ du ứng với các kịch bản xả lũ của hồ Dầu Tiếng. Đồng thời triển khai các dự án nạo vét sông, kênh, rạch, vận động người dân phát quang, nạo vét thông thoáng dòng chảy trên kênh, rạch để đảm bảo tiêu thoát nước.
Đối với khu vực nội thành, nhiệm vụ trọng tâm là phòng chống ngập lụt do mưa lớn, triều cường, xả lũ và một số loại thiên tai khác như lốc xoáy, giông sét. Tập trung xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng phòng, chống thiên tai theo quy hoạch, nhất là hệ thống kè, đê bao ngăn triều, hệ thống cống, trạm bơm, hồ điều hòa, các trục tiêu nước chống ngập lụt. Lắp đặt hệ thống theo dõi, giám sát, cảnh báo ngập lụt do mưa lớn, triều cường, xã lũ.
Ngoài ra, khu vực nội thành cần phải tăng cường khả năng thoát nước ở các cửa sông, kênh, rạch, cống thoát nước, giải tỏa tình trạng lấn chiếm bờ sông, kênh, rạch, san lấp trái phép… Bên cạnh đó, quy hoạch và trồng các loại cây xanh thích hợp để vừa tạo cảnh quan, môi trường sinh thái vừa đảm bảo chống đỡ được gió bão, áp thấp nhiệt đới, lốc xoáy. Thường xuyên kiểm tra và có kế hoạch chặt tỉa, xử lý cây xanh không an toàn, hạn chế để xảy ra tình trạng ngã đổ khi xảy ra giông tố, mưa bão...
Xây hồ điều tiết để chống ngập Trong đồ án quy hoạch chống ngập trên địa bàn, TP.HCM sẽ xây dựng 103 hồ điều tiết ở 9 quận, huyện với tổng diện tích gần 900 ha. Hiện có một số dự án đã được thông qua chủ trương đầu tư và có kế hoạch thực hiện trong giai đoạn 2021-2025. |