TP.HCM đề nghị trang bị trực thăng, tàu, robot chữa cháy...

(PLO)- TP.HCM đề nghị được trang bị thêm trực thăng, tàu, robot, người máy và xe thang chữa cháy cho Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam.

Sáng 12-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị trực tuyến về công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và sơ kết năm năm thực hiện Nghị định 83/2017 quy định công tác cứu nạn, cứu hộ (CNCH) của lực lượng PCCC.

Tại đầu cầu TP.HCM, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi đã kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ một số vấn đề.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại hội nghị trực tuyến. Ảnh: TUYẾT DÂN

Ông Phan Văn Mãi đề nghị Thủ tướng tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện thể chế, các quy định về trách nhiệm chủ trì, phối hợp trong công tác PCCC. Bởi theo ông Mãi, vừa qua, việc này còn nhiều bất cập; trong đó, trách nhiệm, hình thức chế tài, quy chuẩn kỹ thuật… còn nhiều điểm chồng chéo.

“Công an TP có quy định về thợ hành nghề hàn phải được tập huấn, có chứng chỉ về PCCC. Chúng tôi được Bộ Tư pháp nhắc nhở việc đặt ra thủ tục này là thêm thủ tục làm phiền nhưng chúng tôi thấy việc này cần thiết phải làm” – ông Mãi nói.

Chủ tịch TP.HCM còn đề nghị có cơ chế phối hợp lực lượng trong hoạt động PCCC, CHCN cho Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam và được Thủ tướng cụ thể hoá cơ chế này, hàng năm cần có vận hành, diễn tập trong khu vực.

Đáng chú ý, ông Mãi đề nghị trung ương quan tâm, đầu tư để nâng cao tính cơ động, hiệu quả của hoạt động chữa cháy trên địa bàn kinh tế trọng điểm phía Nam. Trong đó cần trang bị trực thăng chữa cháy, tàu chữa cháy trên sông đối với các cảng lớn, robot, người máy tham gia chữa cháy và tăng cường thêm xe thang cùng với các phương tiện CHCN khác….

“Chúng tôi cho rằng đây là việc rất quan trọng, nếu chúng ta không làm tốt, không diễn tập, trang bị thì sẽ có thiệt hại rất lớn, đặc biệt đối với Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam” – ông Mãi nói.

Theo ông Phan Văn Mãi, thực hiện Nghị định 83/2017 của Chính phủ, TP.HCM đã triển khai thực hiện tốt các quy định về PCCC, xây dựng đội ngũ PCCC, CNCH tinh nhuệ.

Từ khi có nghị định này, TP xảy ra gần 3.500 vụ việc liên quan đến công tác PCCC và CHCN. Riêng tám tháng đầu năm 2022, TP xảy ra 122 vụ, trong đó có bốn vụ cháy nghiêm trọng, làm chết hai người, bị thương 12 người.

Đồng tình với các nguyên nhân vụ cháy mà Thứ trưởng Bộ Công an đưa ra, ông Phan Văn Mãi nhìn nhận việc nhà ở kết hợp với kinh doanh cần gắn với các điều kiện đảm bảo an toàn điện; nơi ở cần phải dễ dàng để lực lượng PCCC và CHCN tiếp cận.

Theo ông, các chung cư dù rất tiện đường nhưng việc làm các lồng sắt bảo vệ dẫn đến khi có tình huống cháy nổ thì việc chạy thoát là rất khó.

Qua đó, ông cho rằng công tác kiểm tra thường xuyên về PCCC cũng cần gắn với xử lý vi phạm để phòng ngừa. Đồng thời, việc xây dựng và phát huy lực lượng chữa cháy tại chỗ cũng là điều kiện rất quan trọng để giảm thiểu các thiệt hại khi có cháy nổ xảy ra.

Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết TP.HCM đã củng cố 17 đội PCCC chuyên ngành với trên 550 thành viên, đặc biệt là ở các khu chế xuất, khu công nghiệp, địa bàn có đông chung cư… Đồng thời, xây dựng đội PCCC hàng không và chuyên ngành xăng dầu ở các tổng kho.

Vừa qua, khi có công điện số 792 của Thủ tướng Phạm Minh Chính về vụ cháy xảy ra ngày 6-9 tại phường an Phú, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương, TP.HCM đã triển khai đến các cơ quan, lực lượng để thực hiện. Thời gian tới, TP sẽ sẽ tập trung rà soát các văn bản quy định để tiếp tục hoàn thiện việc quản lý nhà nước về PCCC; đẩy mạnh tuyên truyền gắn với kiểm tra, xử lý để làm tốt công tác phòng ngừa…

Chủ tịch Phan Văn Mãi kiến nghị Bộ Công an cho TP.HCM tách lực lượng CNCH ra khỏi PCCC để đầu tư chuyên nghiệp hơn.

Ngoài ra, TP sẽ triển khai phương án PCCC, CNHN cho các công trình ngầm, trong đó có các tuyến Metro.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới