UBND TP.HCM vừa có báo cáo gửi Bộ Xây dựng về những khó khăn, vướng mắc trong quản lý, phát triển đô thị và hạ tầng kỹ thuật đô thị.
Theo đó, thực tiễn quản lý và phát triển đô thị trên địa bàn, TP.HCM là đô thị đặc biệt, phát triển theo mô hình tập trung đa cực gồm khu vực trung tâm và bốn cực phát triển được kết nối bằng hệ thống giao thông đường vành đai kết hợp các trục hướng tâm, có mối liên kết với mạng lưới giao thông vùng và quốc gia.
Đồ án quy hoạch chung TP cũng xác định mô hình phát triển tập trung và đa cực trên nền tảng khung phát triển của vùng.
TP.HCM đề xuất phát triển đô thị vệ tinh để giảm quá tải cho trung tâm. Ảnh: NGUYỄN TIẾN |
Tuy nhiên hiện các đô thị vệ tinh, các trung tâm cấp TP ở các hướng phát triển chưa được đầu tư để hình thành các cực thu hút theo quy hoạch.
Có tình trạng xây dựng mới các khu nhà ở trong các khu vực trung tâm hiện hữu hay vùng ven theo làn sóng đầu cơ mà không gắn với việc làm, hạ tầng cơ sở và dịch vụ lớn khu vực nên không hình thành các trung tâm khu vực mới để đảm bảo bán kính phục vụ, tạo động lực phát triển cũng như giảm áp lực kéo về khu trung tâm hiện hữu.
Nguyên nhân của việc thực hiện quy hoạch chậm là tổng hợp của nhiều vấn đề cơ sở kinh tế, việc làm, dịch vụ đô thị, giao thông tiếp cận chưa có, suất đầu tư lớn, thủ tục đầu tư phức tạp, hiệu quả lâu dài mới thấy.
Vì vậy, trung tâm TP vẫn bị áp lực phát triển, quá tải, tập trung công trình dày đặc trong khi hạ tầng cơ sở vẫn như cũ, không được đầu tư mới hay mở rộng nâng cấp theo kịp tốc độ gia tăng dự án.
Ngoài ra, các cực phát triển cũng khá gần với trung tâm hiện hữu nên bị cực trung tâm thu hút hết, không tạo động lực phát triển cho các cực khác.
TP.HCM đề xuất cần nghiên cứu cơ chế cho phép TP được chủ động xây dựng và triển khai các mô hình phát triển đô thị như đô thị thông minh, đô thị tăng trưởng xanh, đô thị ứng phó biến đổi khí hậu, đô thị định hướng phát triển giao thông.
TP cũng muốn nghiên cứu để phát triển các huyện thành các đô thị vệ tinh của TP như những đô thị hiện đại, đô thị sinh thái, đô thị xanh, đô thị số.
Đáng chú ý, đối chiếu với các tiêu chí từ các quy định hiện hành, so sánh với thực trạng, UBND TP.HCM cho rằng việc lựa chọn mô hình TP thuộc TP.HCM (tương ứng đô thị loại III) sẽ khả thi và thuận lợi hơn đối với năm huyện ngoại thành.
Bởi hầu hết năm huyện đều vướng tiêu chí theo quy định là 100% xã, thị trấn phải là phường nếu chuyển thành đơn vị hành chính cấp quận, trong khi chỉ đạt tối thiểu là 70% phường trực thuộc đối với các đơn vị hành chính cấp TP.
TP.HCM cũng đề xuất quản lý phát triển khu đô thị hình thành mới. Trong đó, TP cho rằng quỹ đất là có giới hạn, cần khai thác hiệu quả quỹ đất trên địa bàn TP, sử dụng linh hoạt các hình thức trong từng dự án, bán đấu giá quyền sử dụng đất để đạt hiệu quả cao.
Đồng thời, sử dụng quỹ đất hiện hữu, quỹ đất dọc theo hành lang các trục đường giao thông chính. Vì nguồn vốn từ hình thức này không chỉ trang trải toàn bộ chi phí xây dựng và thu hồi đất mà còn đem lại nguồn vốn để TP đầu tư cho các công trình hạ tầng khác.
UBND TP.HCM nhìn nhận việc rà soát quá trình lập quy hoạch chi tiết, quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2000 tại quận, huyện mặc dù đã hầu hết phủ kín quy hoạch tại một số khu vực nội thành và nội thành phát triển nhưng chưa đồng bộ với quy hoạch chung quận, huyện và TP.
Bên cạnh đó, việc chồng chéo, khác biệt về pháp lý, quy chuẩn, tiêu chuẩn (chức năng sử dụng đất, chi tiêu,...) của các đồ án cấp dưới (Quy hoạch phân khu, đặc biệt là quy hoạch nông thôn mới...) so với đồ án Quy hoạch chung xây dựng TP. HCM đã gây khó khăn rất lớn cho công tác quản lý đô thị trên địa bàn mỗi quận, huyện.
Ngoài ra, định hướng quy hoạch chung của TP khi triển khai xuống quy hoạch chung quận, huyện thì cơ bản được đảm bảo (một phần do hai quy hoạch chung này được nghiên cứu và triển khai thực hiện song song) nhưng đến quy hoạch phân khu thì nhiều vấn đề phát sinh, gây khó khăn cho việc triển khai thực hiện, thậm chí không thể thực thi.
Hệ thống giao thông trong đồ án Quy hoạch chung mang tính định hướng tuyến nhưng khi triển khai đến Quy hoạch phân khu đã có sự sai lệch, gây khó trong quản lý và cấp phép khiến nhiều tuyến đường bị chồng lấn pháp lý, gây khó khăn cho cả cơ quan quản lý và người dân, thậm chí một số khu vực phải quản lý theo kiểu “1 hướng tuyến 2 con đường”…