Chia sẻ tại hội nghị, ông Phùng Văn Được, xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, chia sẻ xã chỉ có duy nhất một Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trân. Trường đạt chuẩn quốc gia cấp độ 2 nên từ sáu năm qua, trường chỉ tuyển số lượng học sinh theo đúng quy định. Vì vậy, nhiều học sinh có hộ khẩu thường trú tại xã vẫn không thể học tại trường mà phải học trái tuyến tại hai xã lân cận là Huy Đức và Phong Phú. Trong khi đó, Đa Phước đã có đất quy hoạch để xây trường nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa thấy trường được xây.
Không chỉ vậy, ở bậc mầm non xã cũng chỉ có một trường công lập nên chỉ đảm bảo nhận hết trẻ thuộc diện thường trú và tạm trú năm tuổi, còn trẻ tạm trú ba, bốn tuổi phải vào học tại các cơ sở tư thục.
Về vấn đề tuyển dụng giáo viên, ông Nguyễn Hữu Danh, Phó Chủ tịch Hội Cựu giáo chức TP.HCM, cho biết qua quá trình đi khảo sát cho thấy năm học mới gần tới mà hiện tại công tác tuyển dụng tại nhiều địa phương vẫn chưa hoàn tất. Thậm chí có một số quận, huyện đến tháng 10 mới tổ chức tuyển dụng giáo viên. Chính điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc tổ chức giảng dạy của trường.
Ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết TP đang nỗ lực nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên (điểm mới của công tác tuyển dụng năm nay là tuyển giáo viên không có hộ khẩu TP.HCM). Trong năm học mới, dự kiến toàn TP tăng 67.234 học sinh. Nhìn chung số học sinh tăng nhiều ở cấp mầm non và tiểu học, tập trung tại các quận 12, Gò Vấp, Tân Phú, Bình Tân, Thủ Đức, huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi và một số địa phương đang trong giai đoạn đô thị hóa. Dự kiến số phòng học mới đưa vào sử dụng là 882 phòng. Dù thế nào, thành phố vẫn đảm bảo 100% con em sinh sống trên địa bàn có đủ chỗ học.