Theo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP, các dự án chống ngập hiện nay trên địa bàn chậm triển khai do công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng còn nhiều khó khăn, nguồn vốn chưa đảm bảo, trình tự thủ tục kéo dài.
Còn nhiều tuyến đường ngập do mưa, triều cường
“Trên địa bàn TP hiện có 735 tuyến đường trục chính. Qua theo dõi tình hình mưa, ngập nước năm 2021, trong năm 2022 có thể xảy ra ngập ở 15 điểm” - báo cáo của Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng TP.HCM) cho biết.
Trung tâm TP.HCM bị ngập trong cơn mưa chiều 2-6. Ảnh: NGUYỄN CHÂU |
Trong 15 điểm ngập có chín điểm trên tuyến đường ở các quận là Lê Đức Thọ, Quang Trung, Nguyễn Văn Khối (quận Gò Vấp); Phan Anh (quận Bình Tân - quận Tân Phú); Bạch Đằng (quận Bình Thạnh - quận Tân Bình); Hồ Ngọc Lãm (quận Bình Tân); quốc lộ 13, Ba Vân, Bàu Cát (quận Tân Bình). Sáu tuyến ngập còn lại thuộc TP Thủ Đức là Đặng Thị Rành, Dương Văn Cam, Thảo Điền, Kha Vạn Cân, Quốc Hương và Nguyễn Văn Hưởng.
Điểm ngập tức thời trong mưa (nước rút < 30 phút) có 24 điểm là các tuyến đường Phạm Văn Chiêu, Lê Văn Thọ, Phan Huy Ích, Phạm Văn Đồng, Lê Thị Hoa, tỉnh lộ 43, Tô Ngọc Vân, Đỗ Xuân Hợp…
Theo Sở Xây dựng TP, nếu đỉnh triều đạt +1,71 m sẽ có chín điểm ngập gồm các tuyến đường Trần Xuân Soạn, Đào Sư Tích, Lê Văn Lương, quốc lộ 50, Phạm Hữu Lầu, Huỳnh Tấn Phát, Trịnh Quang Nghị, Nguyễn Thị Thập, Tôn Thất Thuyết.
Khắc phục những điểm ngập mới
Theo ghi nhận, cơn mưa chiều 2-6 ngoài những điểm ngập thông thường như Lê Văn Thọ, Phạm Văn Chiêu (quận Gò Vấp); Thảo Điền, Tô Ngọc Vân (TP Thủ Đức)… thì xuất hiện thêm một số điểm ngập ở khu vực trung tâm TP như các tuyến đường Lê Lai, Phạm Ngũ Lão, Cống Quỳnh… (quận 1). Mặc dù mưa tạnh vài giờ nhưng một số điểm vẫn ngập nặng do nước không thoát kịp.
PGS-TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển kinh tế tuần hoàn (ICED), nguyên Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và Biến đổi khí hậu (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết nguyên nhân xuất hiện những điểm ngập ở khu trung tâm có thể do một số hoạt động xây dựng hiện hữu gây nên. Ngoài ra, do đây là những cơn mưa đầu mùa nên công tác vệ sinh cống rãnh có thể chưa được tốt. Đối với những điểm ngập mới, TP cần tìm ra nguyên nhân để đưa ra hướng giải quyết.
“Về lâu dài, ngoài công tác quy hoạch cải tạo hệ thống thoát nước, TP nên nghiên cứu xây dựng hồ chứa nước. Thiết kế đường sá, nhà cửa, trường học, bệnh viện sao cho có nơi thoát nước. Đối với những bãi giữ xe, nếu không cần thiết làm bê tông thì không nên làm để có nơi thoát nước” - PGS-TS Nguyễn Hồng Quân góp ý.
Nói thêm về vấn đề này, GS-TS Lê Thanh Hải, Viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên (ĐH Quốc gia TP.HCM), nhận định vấn đề đô thị hóa gia tăng nhưng hệ thống cấp thoát nước ở TP.HCM đã cũ dẫn đến thoát nước không kịp.
“Ở một số quận trung tâm, hạ tầng đô thị phát triển, một tòa nhà có từ vài trăm đến vài ngàn người, lượng nước thải lớn kèm mưa lớn thì thoát không kịp, gây ngập. Để khắc phục những điểm ngập mới cũng như giải quyết những điểm ngập cũ, trước mắt cần duy tu hệ thống thoát nước” - GS-TS Lê Thanh Hải nói.
Để khắc phục những điểm ngập mới cũng như giải quyết những điểm ngập cũ, trước mắt cần duy tu hệ thống thoát nước.
Giải pháp công trình và phi công trình
Theo Sở Xây dựng, thời gian tới TP sẽ thực hiện nhiều giải pháp để chống ngập. Trong đó, một số giải pháp phi công trình sẽ được thực hiện như duy tu, sửa chữa các vị trí cống xuống cấp, nạo vét lòng cống, miệng thu, kênh rạch, cửa xả để tăng cường khả năng thoát nước.
Đồng thời tổ chức kiểm tra, rà soát vận hành các van ngăn triều, vận hành tất cả trạm bơm cố định để thoát nước… Phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai công tác đấu nối cống, mở hướng thoát nước mới, lắp đặt van ngăn triều, vận hành các trạm bơm hỗ trợ thoát nước.
Ngoài ra, lực lượng chức năng tổ chức trực mưa, vớt rác miệng thu thời điểm trước, trong và sau cơn mưa; tổ chức kiểm tra, rà soát vận hành các cống kiểm soát triều và trạm bơm để tăng khả năng thoát nước tại Bình Lợi, Bình Triệu, rạch Lăng, rạch Nhảy - rạch Ruột Ngựa, Nhiêu Lộc - Thị Nghè, trạm bơm Thanh Đa; Mễ Cốc 1, Phú Lâm, Bà Tiếng.
Các đơn vị cũng sẽ kiểm tra, rà soát để tận dụng các trạm bơm nước thải hỗ trợ thoát nước khi có mưa lớn ở trạm bơm Nhiêu Lộc - Thị Nghè, trạm bơm Đồng Diều và các nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng, Bình Hưng Hòa.
Các giải pháp công trình cũng được triển khai đồng bộ. Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP cho biết sẽ tập trung triển khai thực hiện và dự kiến hoàn thành 19 dự án. Trong số này có 12 dự án chuẩn bị đầu tư với tổng mức đầu tư trên 70 tỉ đồng.
19 dự án cải tạo hệ thống thoát nước được thực hiện trên các tuyến đường Bình Lợi, Đầm Sen, Lã Xuân Oai, Hàn Hải Nguyên, Triệu Quang Phục, Lý Chiêu Hoàng, đường số 26, Pasteur, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Duy Trinh, Bàu Cát, Lê Lai, Hương Lộ 2…
Hiện tiến độ các dự án còn chậm do vướng mắc ở nguồn vốn, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng… Cạnh đó, hệ thống pháp luật chuyên ngành điều chỉnh các hoạt động thuộc phạm vi quản lý nhà nuớc ngành xây dựng, dự án, môi trường hầu hết đã sửa đổi, bổ sung. Các văn bản hướng dẫn thi hành chưa ban hành kịp thời phần nào đã làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án.•
Theo Sở Xây dựng TP, nguyên nhân gây ngập chủ yếu là do cao độ mặt đường thấp hơn đỉnh triều. Khi đỉnh triều cao nhất xuất hiện đạt (+1,65 m đo tại trạm Phú An, +1,61 m đo tại trạm Nhà Bè), các tuyến đường bị ngập do triều chạy song song với các nhánh sông, rạch, triều dâng cao tràn qua bó vỉa, xâm nhập lên mặt đường gây ngập.
Các tuyến đường có hệ thống thoát nước đầu tư đã lâu, một số vị trí bị xuống cấp. Các tuyến đường có cao trình trũng thấp thuộc phạm vi lưu vực dự án “Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu - giai đoạn 1” (dự án ngăn triều 10.000 tỉ đồng).