TP.HCM dự kiến tăng học phí: Hợp lý nhưng khá đột ngột

(PLO)- Từ năm học 2022-2023, TP.HCM dự kiến tăng học phí cấp THCS từ 60.000 đồng/tháng lên 300.000 đồng/tháng, các cấp học khác tăng 70.000-180.000 đồng/tháng, tùy khu vực.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sở GD&ĐT TP.HCM vừa công bố dự thảo ban hành Nghị quyết quy định mức học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập từ năm học 2022-2023 và các năm học tiếp theo trên địa bàn TP.HCM. Thời gian nhận góp ý trước ngày 20-5.

Bậc THCS tăng học phí gấp năm lần

Theo dự thảo, mức học phí mới được Sở GD&ĐT TP.HCM xây dựng theo Nghị định 81/2021 của Chính phủ đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên.

Ngoài bậc tiểu học không thu học phí theo quy định, các bậc học còn lại từ mầm non đến THPT tại TP đều dự kiến áp dụng mức thu mới, tăng cao so với mức thu hiện nay, từ 70.000 đồng đến 240.000 đồng/tháng, tùy cấp học và nhóm địa bàn.

Từ năm học 2022-2023, TP.HCM dự kiến tăng học phí cấp THCS từ 60.000 đồng/tháng lên 300.000 đồng/tháng, các cấp học khác tăng 70.000-180.000 đồng/tháng, tùy khu vực. Ảnh: NGUYỆT NHI

Từ năm học 2022-2023, TP.HCM dự kiến tăng học phí cấp THCS từ 60.000 đồng/tháng lên 300.000 đồng/tháng, các cấp học khác tăng 70.000-180.000 đồng/tháng, tùy khu vực.
Ảnh: NGUYỆT NHI

Theo dự thảo, từ năm học 2023-2024, căn cứ chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế, UBND TP.HCM sẽ trình HĐND TP mức thu học phí cụ thể. Mức thu năm sau tăng không quá 7,5% và không vượt mức trần theo quy định.

Cụ thể, TP sẽ thu học phí theo hai nhóm. Nhóm 1 (thành thị) áp dụng cho học sinh (HS) ở các quận và TP Thủ Đức. Nhóm 2 (nông thôn) dành cho HS tại các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè và Cần Giờ.

Trong đó, với các trường học thuộc nhóm 1, TP sẽ áp dụng thu mức chung mới là 300.000 đồng/HS/tháng. Với nhóm 2 sẽ có ba mức thu, nhà trẻ và mẫu giáo không tăng, vẫn lần lượt là 120.000 đồng/tháng và 100.000 đồng/tháng; bậc THCS và giáo dục thường xuyên (GDTX) THCS tăng 70.000 đồng lên 100.000 đồng/tháng; khối THPT và GDTX THPT tăng thêm 100.000 đồng thành 200.000 đồng/tháng.

Như vậy, ở cả hai nhóm, khối THCS và GDTX THCS có mức tăng học phí cao nhất. Trong đó, ở nhóm 1, HS sẽ có thể đóng mức học phí mới cao gấp năm lần mức hiện hành.

Theo lý giải trong dự thảo, so với Nghị định 81/2021, học phí dự kiến của TP.HCM chỉ ở mức sàn, tức là mức thu thấp nhất. Việc có sự chênh lệch là vì trong sáu năm qua, TP luôn thu học phí ở mức thấp và không tăng.

So sánh mức chênh lệch của khung mức thu 2022-2023 đề xuất so với mức thu trước đây, Sở GD&ĐT nhận định khung thu học phí đang đề xuất thực hiện là đúng quy định và phù hợp với điều kiện thực tế, khả năng đóng góp của người học, góp phần tăng nguồn thu cho các cơ sở giáo dục và đào tạo.

Ngoài ra, mức thu mới cũng góp phần với ngân sách nhà nước nâng cao mức đầu tư trên mỗi HS, tác động đến điều tiết ngân sách đầu tư nhiều hơn ở nơi còn nhiều khó khăn. Đồng thời giải quyết sự bất hợp lý kéo dài về cơ cấu học phí và giá trị đầu tư xã hội đã nhiều lần thay đổi trong nhiều năm qua.

“Để giảm tác động đến xã hội và người học do tăng học phí, không làm ảnh hưởng đến đời sống của các bộ phận người dân có thu nhập thấp, TP.HCM luôn đảm bảo và đi đầu trong các chính sách miễn, giảm, hỗ trợ chi phí học tập, hỗ trợ học phí theo đúng quy định của Nghị định 81/2021 và xây dựng các chính sách miễn, giảm và hỗ trợ đặc thù khác của TP” - dự thảo nêu rõ.

Bên cạnh đó, mặc dù bậc tiểu học không thu học phí nhưng Sở GD&ĐT cũng đề xuất đưa ra mức thu cụ thể cho bậc học này ở hai nhóm, nhóm 1 là 300.000 đồng/tháng và nhóm 2 là 100.000 đồng/tháng. Theo sở, đây sẽ là mức làm căn cứ thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí cho HS tiểu học tư thục ở địa bàn chưa đủ trường tiểu học công lập và các HS tiểu học tư thục thuộc đối tượng được hưởng chính sách miễn, giảm học phí theo quy định.

Cũng theo dự thảo, từ năm học 2023-2024, căn cứ chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế, UBND TP.HCM sẽ trình HĐND TP mức thu học phí cụ thể. Mức thu năm sau tăng không quá 7,5% và không vượt mức trần theo quy định.

Cần có phương án hỗ trợ người thu nhập thấp

Không khỏi lo lắng, chị Phan Hải Hòa (phường Hiệp Thành, quận 12) cho biết chị có hai con đang tuổi đi học, một bé năm nay đang học lớp 3, một bé đang học lớp 8, đều ở trường công lập. Chi phí gia đình chị bỏ ra hằng tháng để cho con học là khoảng 5 triệu đồng, từ học phí, buổi hai, học tiếng Anh, các khoản thu bán trú… Theo chị, đây là chi phí khá cao với gia đình chị vì chưa tính các khoản trang trải khác trong gia đình.

“Tăng thêm vài ba trăm ngàn tiền học tuy không phải quá lớn nhưng với công nhân như chúng tôi là mất cả một khoản tiết kiệm mỗi tháng, chưa kể vật giá đang tăng quá nhiều hiện nay. Tôi nghĩ nếu phải tăng nên tăng từ từ từng năm, như hiện nay THCS đang thu 60.000 đồng thì năm tới thu 120.000 đồng, rồi 180.000 đồng… sẽ hợp lý hơn” - chị Hòa ý kiến.

Ngược lại, chị Nguyễn Thị Út (phụ huynh có con đang học lớp 11 tại Trường THPT Hiệp Bình, TP Thủ Đức) bày tỏ đồng tình với mức thu học phí mới ở cấp THPT từ 120.000 đồng lên 300.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, theo chị, vấn đề không phải nằm ở học phí tăng bao nhiêu mà tổng chi phí phụ huynh phải chi trả cho con em sẽ tăng mức nào, có đáp ứng được hay không vì học phí chỉ là khoản tiền nhỏ, thua xa các khoản tiền khác mà phụ huynh phải đóng hằng tháng, hằng năm.

“Khi học phí tăng thì các khoản thu khác sẽ như thế nào, có cắt giảm hay sẽ tăng theo. Tôi nghĩ quan trọng nhất là cần kiểm soát các khoản thu trong trường, không nên để mạnh trường nào trường đó thu, gây áp lực cho những gia đình khó khăn” - chị Út bày tỏ.

Đứng ở góc độ quản lý, ông Đỗ Đình Đảo, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (quận 4), cho rằng mức tăng đề xuất từ 120.000 đồng/tháng lên 300.000 đồng/tháng ở bậc THPT thuộc nhóm 1 là phù hợp để một ngôi trường hoạt động và cũng không phải quá cao đối với những người có mức thu nhập khá trở lên.Vì mức thu 120.000 đồng hiện nay khiến các trường rất hạn hẹp nguồn kinh phí hỗ trợ các hoạt động dạy học, sáng tạo khác vì trường chỉ được trích sử dụng 60% từ học phí.

Theo ông Đảo, ở TP.HCM, số trường THPT công lập cao hơn rất nhiều so với các tỉnh, thành khác, việc đóng học phí cũng là một hình thức góp phần xã hội hóa để các trường đủ trang trải cho các hoạt động dạy và học trong trường.

Đặc biệt, từ năm học tới khi chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ triển khai ở lớp 10, khối THPT sẽ phải có rất nhiều hoạt động như trải nghiệm, hướng nghiệp, giáo dục địa phương, dạy các môn nghệ thuật… đòi hỏi cần thêm nguồn kinh phí chi trả.

Tuy nhiên, ông Đảo cho rằng đứng trên khía cạnh tổng quát, mức học phí này cũng còn là gánh nặng của nhiều trường hợp cha mẹ HS có thu nhập thấp, nhất là những hộ gia đình nhập cư, tạm trú không thuộc diện miễn, giảm học phí theo quy định. Do đó, theo ông, cơ quan quản lý cần nghiên cứu, giao quyền chủ động cho các trường trong việc rà soát và đề xuất những trường hợp HS khó khăn để được hưởng chính sách vì thực tế, thời gian qua trường phải huy động các nguồn thu thỏa thuận khác để hỗ trợ cho rất nhiều HS khó khăn nhưng không có mã số hộ nghèo.

Tương tự, đại diện lãnh đạo một trường THCS tại TP.HCM, cho rằng tăng học phí là cần thiết vì lâu nay ở THCS thu 60.000 đồng/tháng chỉ như “muối bỏ biển” khiến các trường phải chắt chiu và phụ thuộc nhiều khoản thu khác để bù chi. Do đó, các mức học phí mới so với điều kiện dạy học ở TP lớn là không cao.

Tuy nhiên, vị này cũng lo ngại tăng học phí bậc THCS đến năm lần là khá đột ngột với người dân lao động khó khăn, nhất là ở vùng ven, khu công nghiệp nhưng thuộc nhóm 2 như ở Bình Tân, TP Thủ Đức hay quận 12… Chưa kể, trải qua nhiều mất mát sau đại dịch, người dân cũng cần có thời gian hồi phục kinh tế.

Vì vậy, theo vị này, song song việc tăng học phí, các cơ quan quản lý cần bàn thêm các phương án hỗ trợ HS ở các địa bàn đặc thù để có lộ trình phù hợp, nhất là bậc THCS.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm