TP.HCM gặp khó trong định giá trang thiết bị y tế chống dịch được tài trợ

(PLO)- TP.HCM gặp khó trong xác định giá trị tài sản được tài trợ chống dịch để chuyển thành tài sản công vì thiếu hóa đơn, sổ sách, giá cả.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 3-3, Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với UBND TP.HCM về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Tại buổi giám sát, ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết tình hình triển khai thanh quyết toán mua sắm vật tư, trang thiết bị chống dịch của TP hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, bất cập. Đặc biệt, TP gặp khó về xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với tài sản chuyển giao quyền sở hữu cho nhà nước.

Ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, phát biểu. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, phát biểu. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Theo ông Thượng, dịch vừa ổn, Sở Y tế đã tham mưu ngay với UBND cho phân bổ các máy móc, trang thiết bị y tế về BV để sử dụng, chỉ giữ một số lượng tối thiểu cho BV dã chiến số 13 để phòng hờ. Tuy nhiên rất khó xác định giá trị tài sản để chuyển thành tài sản công vì khi tặng các tài sản này, đơn vị hỗ trợ không đưa kèm hóa đơn, sổ sách, giá cả.

“Do đó chúng tôi đề nghị các máy móc, trang thiết bị này có giá trị 0 đồng” - ông Thượng nói và cho biết thêm hiện tại khấu hao máy móc không tính vào chi phí khám, chữa bệnh cho người dân.

Ông Lê Duy Minh, Giám đốc Sở tài chính TP.HCM, cũng chia sẻ về vấn đề thiết lập tài sản tiếp nhận từ các nguồn viện trợ, tài trợ. Ông cho biết hiện các sở ngành, đơn vị địa phương đã được UBND TP chỉ đạo lập danh sách, danh mục gửi về Sở Tài chính để có những đánh giá ban đầu nhằm thiết lập ghi nhận những tài sản tăng lên của tài sản công.

“Khi đánh giá tài sản, có những tài sản truy nguồn gốc không có hóa đơn, chứng từ. Ngành y tế chỉ tiếp nhận nên việc so sánh, đối chiếu để có giá sản phẩm tương tự cũng rất khó” - ông Minh nói và cho biết thêm hiện Sở đã xin ý kiến Bộ Tài chính để được hướng dẫn cụ thể về vấn đề này.

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, tại buổi làm việc. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, tại buổi làm việc. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Cũng tại buổi làm việc, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, cho rằng trong bối cảnh dịch bệnh diễn tiến bất ngờ và phức tạp, công tác phòng chống dịch có nhiều nhu cầu phát sinh, từ đó gây khó cho kiểm toán quyết toán.

“Việc huy động hỗ trợ cũng vậy, có một số nội dung TP làm kế hoạch, phân bổ được nhưng một số không làm được. Thời điểm đó, TP.HCM ai cho gì nhận nấy, không hề từ chối. Khi không có nguồn lực, họ đã mang đến tận nơi dù đi lại rất khó khăn” - ông Mãi nhớ lại.

Chủ tịch TP.HCM cho biết thêm, vào cuối năm 2021, TP đã ra chỉ đạo duyệt quyết toán, duyệt thống kê các vật tư, trang thiết bị tài trợ. Các trang thiết bị này phải được thống kê lại, nơi nào sử dụng thì tiếp tục sử dụng nhưng phải kiểm kê đưa vào tài sản, nơi nào không sử dụng phải làm kế hoạch điều chuyển, báo cáo và cập nhật.

Nhìn bằng con mắt lịch sử để đánh giá tình hình chống dịch

Kết luận tại buổi giám sát, ông Nguyễn Khắc Định, Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng đoàn giám sát, ghi nhận ý kiến, đề xuất kiến nghị của UBND TP.HCM và các sở ngành.

Ông cho biết đoàn sẽ tiếp tục làm việc với Chính phủ. Dù bối cảnh dịch bệnh đã chuyển về trạng thái bình thường mới, nhưng sẽ nhìn lại với con mắt lịch sử để đánh giá tình hình chống dịch. Cá nhân, cơ quan nào làm đúng vẫn phải tuyên dương, nhưng làm sai phải chịu phạt.

Cạnh đó, ông Định đề nghị TP.HCM quyết liệt khắc phục những tồn tại sau dịch, đặc biệt là quyết toán những khoản còn tồn đọng. Những văn bản Quốc hội đã quyết định, đề nghị TP triển khai nhanh, không đợi kết quả giám sát.

Quốc hội đã phê duyệt các văn bản liên quan việc bàn giao, điều chuyển những thuốc chưa sử dụng hết, đề nghị Bộ Y tế khẩn trương làm việc với Bộ Tài chính và có những đôn đốc, nhắc nhở, phối hợp để xử lý nhanh, hạn chế tình trạng thuốc hết hạn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm