TP.HCM gỡ kẹt xe cho khu vực cảng Cát Lái

Tuyến đường Đồng Văn Cống, Nguyễn Thị Định (TP Thủ Đức) là hai tuyến đường độc đạo dẫn vào cảng Cát Lái. Hai tuyến này có mặt đường hẹp nhưng mỗi ngày lại gánh rất nhiều xe container, xe siêu trường siêu trọng nối đuôi nhau ra vào cảng. Lượng xe ra vào cảng quá nhiều dẫn đến thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông.

Một trong các tuyến đường độc đạo vào cảng Cát Lái là Nguyễn Thị Định
(TP Thủ Đức), lượng xe xếp hàng kéo dài để vào cảng. (Ảnh chụp ngày 7-7) Ảnh: LINH PHƯƠNG

Đường nhỏ, lượng xe lớn, gây ùn tắc

Ghi nhận của PV vào ngày 7-7, trên đường Nguyễn Thị Định (tuyến đường dẫn vào cảng Cát Lái), rất nhiều xe container xếp hàng chờ để vào cảng. Nhiều tài xế dừng xe giữa đường, kéo theo sau hàng loạt xe tải dừng chờ dẫn đến ùn tắc. Tuy nhiên, hiện TP.HCM đang giãn cách để phòng dịch COVID-19 nên không có nhiều xe máy, ô tô con qua lại, tình trạng ùn tắc không nghiêm trọng.

Theo quan sát, mặt đường Đồng Văn Cống dẫn vào cảng Cát Lái chỉ rộng 10-12 m, làn dành cho xe máy rất nhỏ. Đồng thời tuyến đường này có nhiều điểm giao cắt với các đường ngang khu dân cư.

Ngoài ra, nhiều năm nay, hai tuyến đường độc đạo vào cảng Cát Lái liên tục xảy ra các vụ tai nạn giao thông (TNGT). Theo người dân, nguyên nhân xảy ra nhiều vụ TNGT ở khu vực này là do tài xế xe container đi nhanh, chạy ẩu để tranh thủ vào cảng nhận hàng.

Cùng ngày 7-7, trao đổi với PV, bà Võ Thị Thu (ngụ trên đường Đồng Văn Cống) cho hay từ 21 giờ hôm trước kéo dài đến sáng hôm sau là thời điểm nguy hiểm nhất, vì thời điểm này xe ra vào cảng rất nhiều. Tận dụng thời điểm lực lượng chức năng ít tuần tra, kiểm soát, nhiều tài xế chạy ẩu và bất chấp nguy hiểm.

“Đã vậy, đường sá khu vực này quá tải, nhiều công trình chưa làm xong. Giờ thì đang giãn cách nên không ùn tắc nhưng hết giãn cách thì chắc chắn rất mệt mỏi. Tôi thấy lực lượng chức năng nên tận dụng thời điểm giãn cách này để lắp đặt các biển cảnh báo để đảm bảo an toàn. Hết dịch thì người dân lưu thông ổn định, không phải lóng ngóng” - bà Thu chia sẻ.

Theo đại diện UBND phường Cát Lái, TP Thủ Đức, trước đây trên đường Nguyễn Thị Định có tình trạng bán hàng rong nên tài xế hay dừng để mua đồ. Đây cũng là nguyên nhân gây kẹt xe, tiềm ẩn TNGT. Hiện đang ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên tình hình này đã giảm bớt.

Tăng cường xử phạt “nguội”

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư các công trình giao thông TP.HCM, cho biết hiện nay các luồng giao thông độc đạo dẫn vào cảng Cát Lái thường xuyên xảy ra ùn tắc kéo dài. Tình hình này ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển kinh tế của TP. Tại khu vực này luôn tiềm ẩn nguy cơ TNGT và ảnh hưởng đến vấn đề an sinh xã hội. Do đó, ngành giao thông đang gấp rút đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông khu vực này.

Đại diện Sở GTVT TP.HCM cho biết nhằm hạn chế ùn tắc kéo dài và TNGT, Sở GTVT đã đề xuất, bổ sung hệ thống camera, tăng cường xử phạt “nguội”. Đồng thời Sở GTVT tăng cường xử phạt dừng, đỗ không đúng quy định; xử lý dứt điểm tình trạng buôn bán, lấn chiếm lòng, lề đường trên các tuyến đường độc đạo vào cảng.

Ngoài ra, việc làm nhanh các tuyến đường kết nối từ cảng Cát Lái ra tuyến Võ Chí Công nhằm kéo giảm áp lực giao thông cho tuyến đường độc đạo Nguyễn Thị Định, Đồng Văn Cống là rất cần thiết. Sở GTVT cũng đang đẩy nhanh các giải pháp công trình, đặc biệt là đường vành đai 2.

Bên cạnh đó, Sở GTVT tiếp tục nghiên cứu thành lập trung tâm điều tiết giao thông thông minh thứ hai (khu vực cảng Cát Lái) để điều tiết giao thông, giảm kẹt xe cho khu vực cảng này.

Còn Đội CSGT Cát Lái (Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, Công an TP.HCM) cho biết trong sáu tháng đầu năm, Đội CSGT Cát Lái đã xử phạt 13 ô tô các loại dừng, đỗ sai quy định trên đường Nguyễn Thị Định. Tại nút giao từ vòng xoay Mỹ Thủy đến Cát Lái, đơn vị cũng xử phạt ba trường hợp không chấp hành tín hiệu đèn giao thông.

Vị đại diện cũng cho rằng để giao thông khu vực ngoài cảng thông thoáng, phía cảng Cát Lái cũng cần tăng cường việc kiểm soát, điều hành tại các cảng trung chuyển, đảm bảo đẩy nhanh tiến độ giao nhận hàng hóa tại các cảng cạn - ICD.•

Theo thống kê từ Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an TP.HCM, năm 2020 khu vực Cảng Cát Lái xảy ra 66 vụ TNGT, trong đó 52 người chết và tám người bị thương. So với các năm trước, số người tử vong đã giảm sâu. 
 

Thu phí cảng biển hoàn thiện hạ tầng

Dự kiến tháng 10-2021, TP.HCM sẽ tiến hành thu phí hạ tầng cảng biển. Theo đó, toàn bộ số tiền thu được sẽ nộp vào ngân sách. Số tiền trích lại cho đơn vị tổ chức thu phí tối đa không quá 1,5%.

Việc thu phí nhằm tạo nguồn thu hoàn thiện đường xung quanh cảng, giảm ùn tắc, TNGT; tăng năng lực vận chuyển hàng hóa, góp phần phát triển kinh tế TP.

Đối tượng nộp phí là các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa tạm nhập - tái xuất, hàng chuyển khẩu, hàng gửi kho ngoại quan, hàng quá cảnh sử dụng công trình kết cấu hạ tầng khu vực cửa khẩu cảng biển TP; các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu sử dụng công trình kết cấu hạ tầng khu vực cửa khẩu cảng biển TP (bao gồm tổ chức, cá nhân mở tờ khai hải quan tại TP và ngoài TP). 

Trước đó, theo tính toán của TP, nếu thực hiện thu phí hạ tầng cảng biển từ ngày 1-7 thì số thu dự kiến trong ba tháng (từ ngày 1-7 đến 30-9) là 723 tỉ đồng. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới