Phiên chất vấn này về công tác quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng, kiến trúc đô thị, hạ tầng kỹ thuật đô thị. Việc hướng dẫn, kiểm tra, quản lý sử dụng đất xây dựng đô thị theo quy hoạch và kế hoạch phát triển gắn với giao thông đô thị.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong là người quản lý địa phương, liên quan đến nhiều vấn đề về ùn tắc giao thông, ngập nước nên được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị chia sẻ với Bộ trưởng Bộ Xây dựng.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại phiên chất vấn. Ảnh: TÁ LÂM
Ông Nguyễn Thành Phong cho biết đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2025 đã được Thủ tướng phê duyệt, đây là cơ sở để cho TP triển khai công tác kết nối giao thông để phát triển vùng ven ngoại thành, phát triển các khu đô thị mới.
Tuy nhiên, hiện nay có bất cập theo quy hoạch chung này là sự tăng nhanh của dân số khiến cho TP.HCM chịu rất nhiều áp lực. Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho biết dự báo dân số TP đến năm 2025 là 10 triệu người, nhưng thực tế năm 2017 đã đạt đến con số 13 triệu người đang sinh sống trên địa bàn (con số thống kê hơn 8 triệu).
Từ việc tăng dân số đang làm cho TP.HCM chịu áp lực rất lớn lên phát triển hạ tầng giao thông. Hiện nay, TP.HCM có 7,6 triệu xe máy và 700.000 ô tô. Mỗi tháng có 30.000 phương tiện đăng ký mới, tức mỗi ngày có 1.000 phương tiện đăng ký mới, trong khi đường giao thông rất khó mở rộng.
“Cho nên ùn tắc giao thông ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của TP, là một trong những thách thức của TP. Dân số đã đã tạo nên một áp lực rất lớn lên hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật của TP” – ông Phong nói và cho biết hàng năm có 130.000 người đến cư trú ở TP.
TP.HCM có 7,6 triệu xe máy và 700.000 ô tô. Mỗi ngày TP.HCM có đến 1.000 phương tiện đăng ký mới. Ảnh: HOÀNG GIANG
Trước tình trạng đó, ông Nguyễn Thành Phong cho biết TP đang xây dựng các tuyến đường Vành đai 2, Vành đai 3, các tuyến đường trên cao và các tuyến đường sắt đô thị. “Chúng tôi thấy rằng chỉ có thể giảm ùn tắc giao thông khi phát triển mạnh hệ thống giao thông công cộng và TP đang thực hiện 8 tuyến metro. Nhưng các tuyến metro đang gặp khó khăn trong nguồn vốn. Vừa qua, TP phải tạm ứng ngân sách để trả cho nhà đầu tư nếu không họ giản công” – ông Phong nói.
Một giải pháp để giảm ùn tắc giao thông, ông Phong cho biết TP đã chủ động giãn dân ra các vùng ngoại thành. “Một mặt phát triển giao thông công cộng, mặt khác TP quản lý chặt chẽ quy hoạch. Dứt khoát không mềm lòng trước các vi phạm quy hoạch” – ông Phong nói.
Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cũng cho biết hiện nay trên địa bàn TP có 37 điểm thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông. “Bên cạnh triển khai các dự án giao thông, chúng tôi phối hợp với các lực lượng dân phòng, thanh niên xung phong để phân luồng giải quyết ùn tắc. Ùn tắc giao thông không thể không xảy ra nhưng TP xác định có những dự án cần phải triển khai ngay để giảm ùn tắc” – ông Phong nói và cho biết thời gian qua đã tập trung làm các dự án giao thông để giảm ùn tắc cho hai khu vực xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất và cảng Cát Lái.
Về chống ngập, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong khẳng định TP.HCM ngập do nhiều nguyên nhân. Trước hết ngập do triều cường, lũ lụt và mưa. “Gần đây, lượng mưa rất dày. Ngập còn một phần do lún, do quản lý của chúng ta yếu kém và do ý thức kém của một bộ phận người dân” – ông Phong đánh giá.
“Muốn giải quyết được ngập nước phải chẩn đoán được nguyên nhân gây bệnh” – ông Phong ví von và cho biết để giải quyết ngập nước trên địa bàn, TP.HCM đã triển khai nhiều dự án mang tính chất công trình như dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng được xây dựng tại các quận 1, 4, 7, 8, huyện Bình Chánh và Nhà Bè. Dự án khởi công tháng 12-2016, dự kiến hoàn thành trong ba năm.
“Nhưng chỉ giải quyết được một phần ngập, TP còn phải sử dụng các giải pháp phi công trình, các giải pháp nâng cao ý thức người dân không xả rác và các giải pháp xây các hồ điều tiết” – ông Phong nói và cho biết ông đã giao cho các phó chủ tịch UBND TP và bản thân ông cũng xuống tận các địa phương để kiểm tra và có những giải pháp chống ngập.