TS-KTS Ngô Viết Nam Sơn: Thiếu phối hợp khiến càng chống càng ngập nặng

Tình trạng ngập lụt do mưa lớn và triều cường ở các tuyến tại TP.HCM ngày càng nghiêm trọng. Sau mỗi trận mưa lớn hoặc triều cường lên hàng chục tuyến đường lại bị nhấn chìm trong nước.

TP.HCM cần phát triển tứ phía

. Phóng viên: Có luồng ý kiến cho rằng suốt thời Pháp thuộc cho đến trước năm 1975, các nhà quy hoạch đều loại bỏ hướng phát triển Sài Gòn về phía đông, nam hoặc tây nam là các vùng trũng thấp, hứng nước cho cả TP, mà định hướng phát triển chính của TP là lên phía bắc, đất đai cao ráo. Nhưng sau này chúng ta quy hoạch hướng phát triển Sài Gòn về phía nam, khu vùng trũng và đầm lầy, đi ngược lại với vị trí địa lý dẫn đến tình trạng ngập ngày càng trầm trọng. Ông có đồng tình với ý kiến này?

+ KTS Ngô Viết Nam Sơn: TP.HCM ngày nay có quy mô và vai trò, nhu cầu phát triển cao gấp nhiều lần so với Sài Gòn trước kia. Dân số TP.HCM tăng lên gấp nhiều lần, từ dưới hai triệu dân lên đến gần 10 triệu. Do đó, quan điểm cho rằng TP.HCM chỉ nên phát triển về phía bắc, không nên phát triển về phía đông, nam hoặc tây nam là cách nhìn còn hạn hẹp, phiến diện. Đô thị hiện đại nói chung cần phải tạo điều kiện phát triển về các phía tính từ khu trung tâm, miễn là giải pháp quy hoạch cho mỗi phía phù hợp với hiện trạng và các tiền đề phát triển. Tại nhiều TP ở các nước tiên tiến, điển hình là London, Boston… các dự án đô thị mới vẫn phát triển về phía vùng đất thấp trũng khi cần thiết.

Trong thực tế, cách mà nhiều dự án đô thị phát triển về phía vùng đất thấp phía nam hoặc tây nam như trong thời gian qua quá thiên về tư duy mét vuông và bê tông hóa đô thị. Việc đa số đô thị vùng đất thấp hiện phát triển tự phát và kém bền vững, nguyên do chính là tầm nhìn hạn chế về quy hoạch thiết kế và yếu kém trong việc quản lý.

Chỉ chống ngập tốt cho mỗi Phú Mỹ Hưng

. Nói riêng về yếu kém trong việc quản lý, cụ thể là thế nào, thưa ông?

+ Nhiều dự án được quy hoạch tốt lại kém phát huy tác dụng và nhiều dự án cải tạo, chỉnh trang lại góp phần làm tăng ngập lụt và tăng ô nhiễm môi trường, kẹt xe cũng là do quản lý yếu kém.

Cụ thể, dự án Nam Sài Gòn được các nhà tư vấn Mỹ quy hoạch ban đầu như những ốc đảo, bao quanh bởi hệ thống sông hồ, kênh rạch, vừa làm mát cho đô thị vừa giúp điều hòa thủy văn cho khu vực, là cách làm tốt và phổ biến khi quy hoạch các vùng đất thấp trên thế giới. Nhưng khi áp dụng vào thực tế, chỉ có khu đô thị trung tâm Phú Mỹ Hưng là giữ được phát triển theo quy hoạch này và nhờ đó được Bộ Xây dựng công nhận như một khu đô thị kiểu mẫu của Việt Nam. Còn tại các khu đô thị lân cận tại Nam Sài Gòn, tình trạng lấp kênh và hồ nước thiếu kiểm soát, tình trạng xây dựng chen chúc và không phép, không theo quy hoạch, phát triển tự phát đã làm mất đi cơ cấu đô thị sông nước ban đầu, làm cho tính bền vững của quy hoạch ban đầu giảm đi rất nhiều.

. Ông từng cho rằng biện pháp căn cơ để TP.HCM chống ngập là phải làm thêm các mảng xanh, thảm cỏ trên lề đường, vỉa hè, đào lại các sông, kênh rạch đã bị lấp, tổ chức các khu vực tích nước tạm thời để thoát dần dần ra sông. Nhưng với tốc độ đô thị hóa hiện nay rất có thể chẳng còn đủ diện tích đất để làm các việc đó thì theo ông phải làm thế nào?

+ Chính quyền địa phương có trách nhiệm hướng dẫn phát triển xây dựng sao cho bền vững, đảm bảo lợi ích chung của cộng đồng và của TP thông qua hệ thống luật pháp và quản lý xây dựng.

Cần tận dụng cơ hội gia tăng diện tích cây xanh mặt nước khi thực hiện những dự án chỉnh trang lớn tại các khu dân cư thấp tầng gần trung tâm, ví dụ tại quận 4 và Bình Thạnh, để xây nhà cao tầng cho tái định cư tại chỗ.

Trong khi đó, dành 50% hoặc hơn diện tích đất chỉnh trang cho không gian xanh và hồ điều tiết, để bù lại cho việc bùng nổ xây dựng trong mấy chục năm qua đã không dành lại diện tích đất tương xứng cho không gian xanh.

Sau trận mưa, phố biến gần thành sông trên đường Lê Bình, quận Tân Bình. Ảnh: HTD

Cần chiến lược quy hoạch đồng bộ

. TP.HCM đang xây dựng tám cống thủy lợi và đê bao sẽ tốn kinh phí không dưới 40.000 tỉ đồng. Những giải pháp này nặng về mục tiêu thủy lợi, trong khi TP.HCM không chỉ ngập do triều mà một phần lớn ngập do mưa. Có ý kiến cho rằng bài toán bế tắc hiện nay là đường cống thoát nước mưa chứ không phải thiếu cửa ngăn triều. Ông nghĩ bài toán thoát nước mưa cần được giải như thế nào?

+ Hiện nay việc chống ngập chưa hiệu quả vì vẫn chưa thực hiện được hợp tác đa ngành giữa các sở và ban ngành mà chủ yếu chỉ giao công tác này cho Trung tâm Chống ngập. Do đó, ta thiếu sự nhất quán về xử lý cốt nền của toàn TP theo một kế hoạch thống nhất, đặc biệt là giữa cốt nền giao thông và hạ tầng với cốt nền xây dựng công trình đô thị, từ đó không đạt được hiệu quả kinh tế đô thị và sự ủng hộ của người dân.

Và như vậy, trong khi nhiều phương án chống ngập trở nên bất khả thi do cốt nền và sự phản đối mạnh mẽ của người dân, ví dụ phương án nâng nền toàn bộ đường Kinh Dương Vương thì một số chương trình chống ngập của TP lại làm ngập nặng hơn và bắt đầu xảy ra tình trạng ngập nặng không thể chấp nhận được tại các khu vực hạ tầng trọng điểm của TP như sân bay Tân Sơn Nhất.

Các cơ quan chức năng không nên quá chú tâm vào thực hiện những giải pháp cục bộ và đơn ngành mà phải cùng nhau hợp tác đưa ra một chiến lược quy hoạch không gian dành cho nước, kèm theo các phương án phối hợp để xử lý thoát nước và giải quyết vấn đề ngập lụt, lúc đó bài toán mới được giải tận gốc rễ.

Đưa hồ điều tiết vào luật là thiếu thực tế

. Có đề xuất phải đưa luật có hồ điều tiết vào từng dự án xây dựng, nghĩa là tính luôn chi phí tiềm ẩn hậu quả vào chung trong giá thành của từng dự án. Ông thấy đề xuất này có hợp lý và khả thi không?

+ Đề xuất phải đưa luật có hồ điều tiết vào từng dự án xây dựng có lẽ còn cứng nhắc và không thực tế vì không phải dự án xây dựng nào cũng phải xây dựng hồ điều tiết.

Nói chính xác hơn chỉ nên bắt buộc các dự án đầu tư lớn hoặc nhạy cảm về môi trường phải được thông qua trình duyệt giải pháp xử lý tác động môi trường theo tiêu chuẩn như nước ngoài. Trong đó, nhà đầu tư phải tính toán đưa chi phí này vào giá thành của dự án, có thể bao gồm chi phí xây hồ điều tiết như một hồ cảnh quan khi đó là hệ quả của dự án đô thị. Như vậy, nhà đầu tư buộc phải thu lợi ở mức hợp lý hơn và có trách nhiệm hơn đối với xã hội và với môi trường sống của mọi người.

. Xin cám ơn ông.

Làm đúng bài bản thì không sợ ngập phố ngầm 

Tôi ủng hộ dự án “Khu phố ngầm nhà ga trung tâm Bến Thành - nhà ga Nhà hát TP” tại trung tâm TP do một công ty Nhật Bản đề xuất với UBND TP hồi đầu năm nay. Nhiều người lo ngại rằng trong thực tế, công tác chống ngập trên mặt đất còn gặp khó khăn thì việc chống ngập ở các công trình ngầm chắc chắn càng phức tạp hơn nhiều.

Nhưng tôi cho rằng việc chống ngập cho công trình ngầm không có gì khó nếu biết áp dụng kinh nghiệm các khu đô thị ngầm trên thế giới như tại Tokyo và Montreal, với thiết kế có dự trù các tình huống xấu nhất. Nếu xảy ra ngập lụt, nước sẽ được thu về các bể chứa ngầm có dung lượng lớn, sau đó từ từ thoát ra sông.

Quy hoạch sư Nguyễn Thanh Việt:

Quản lý ngập theo tam quyền phân lập

TS-KTS Ngô Viết Nam Sơn: Thiếu phối hợp khiến càng chống càng ngập nặng ảnh 3

Là người đang tham gia vào một số dự án chống ngập tại London, quy hoạch sư Nguyễn Thanh Việt có cái nhìn đối chiếu quy hoạch đô thị chống ngập ở Anh với Việt Nam.

“Ở Anh, chủ đất hoặc chủ đầu tư khi muốn lập quy hoạch cho khu đất của mình, họ sẽ thuê đơn vị tư vấn có chuyên môn quy hoạch, kiến trúc, môi trường... khảo sát và lập hồ sơ quy hoạch. Tư vấn thay mặt mình mà làm việc với Sở QH-KT, với UBND, với cơ quan quản lý cấp thoát nước... để chuẩn bị và nộp hồ sơ dự án. Họ tổ chức và quản lý ngập theo tam quyền phân lập. Sở QH-KT, UBND và HĐND mỗi bên làm đúng chuyên môn, quyền hạn của mình và có sự kiểm soát lẫn nhau.

Trong hệ thống chống ngập của ta, cái thiếu lớn nhất đó là sự minh bạch. Chính quyền cần lập và công khai bản đồ ngập lụt để người dân biết khu vực mình quan tâm có nguy cơ ngập ít nhiều như thế nào. Nước dâng 1 m thì khu nào bị ảnh hưởng, dâng 3 m thì khu này thế nào... Đối với người dân thì thông tin này giúp họ lựa chọn nơi an cư lạc nghiệp, cũng như giúp điều chỉnh giá trị bất động sản. Hai căn nhà như nhau nhưng nếu một căn ở nơi không ngập thì phải có giá trị cao hơn. Ở Anh thì Environmental Agency là cơ quan cấp trung ương lập bản đồ nguy cơ cho ba nguồn gây ngập khác nhau: ngập do sông/biển, do hồ chứa và ngập do nước mặt. Người ta tổng hợp những dữ liệu này lại để tạo thành bản đồ nguy cơ ngập lụt theo ba cấp độ, tương ứng với đó là chức năng sử dụng đất phù hợp và mức độ chi tiết của khảo sát khi lập và phê duyệt dự án. UBND các địa phương dựa vào đó mà lập ra các quy hoạch chiến lược thích ứng với ngập lụt. Đến lượt từng dự án khi lập quy hoạch phải dựa vào quy định của trung ương và địa phương để khảo sát và đưa ra giải pháp cụ thể với khu đất đó.

Chính quyền cần công khai các tài liệu liên quan đến dự án kể từ thời điểm nộp hồ sơ xin phép. Ở Anh thì nó gồm tất cả hồ sơ khảo sát, báo cáo, bản vẽ, ý kiến của chuyên gia, người dân, cuối cùng là quyết định của HĐND có phê duyệt hay không. Những thông tin này có thể truy cập dễ dàng trên website của chính quyền. Lưu ý là công dân Anh có quyền bình luận đồng thuận hay phản đối với tư cách cá nhân, không cần tổ chức hay đảng phái đại diện lên tiếng, miễn là bình luận với ngôn từ văn minh và danh tính, địa chỉ rõ ràng.

Cho dù việc dựng một bản đồ ngập lụt là một vấn đề thiên về tính kỹ thuật, có thể làm trước mà vẫn tránh được những chủ đề nhạy cảm, nó vẫn chỉ là một bước rất nhỏ trong những điều cần làm”.

Kiến trúc sư TRẦN ĐÌNH NAM, Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM:

Chuyện dễ nhất còn làm không xong!

TS-KTS Ngô Viết Nam Sơn: Thiếu phối hợp khiến càng chống càng ngập nặng ảnh 4

Kiến trúc truyền thống ở Việt Nam như kinh thành Huế hoặc nội đô Hà Nội đã để lại nhiều kinh nghiệm chống ngập. Thường trong kiến trúc xưa người ta đào nhiều hồ, mở rộng các dòng kênh rồi lấy đất ở đó đắp lên phần đất xây dựng. Nước sau đó sẽ tự chảy xuống hồ, xuống các dòng kênh và tự thấm. Không phải bỗng dưng khu lăng tẩm có những chiếc hồ rất đẹp. Nhưng lâu nay vùng đất trũng ở phía nam TP người ta tham lấy đất xây dựng, xây cốt sao cho được nhiều nhà. Thay vì đào kênh, đào hồ, người ta lại lấp sạch hết kênh, hồ. Cái sai này cũng có ở những khu vực đất cao của TP nhưng những khu vực này ít ngập hơn chẳng qua bởi nước đã tràn xuống vùng đất thấp.

Giải pháp ngập đến đâu nâng đường lên đến đó như hiện nay ta đang làm dĩ nhiên là hết sức manh mún, tạm bợ, khiến ngập càng nặng hơn. Trước kia, khi TP chưa có hệ thống cống thì mỗi nhà có hầm tự thấm. Mưa lớn tràn vào đất nhà sẽ rút hết xuống cái hầm này. Hiện nay đất chật người đông, nhà be bé nhưng ta vẫn có thể đào hầm tự thấm dưới móng nhà nếu muốn. Đây cũng là giải pháp tạm thời, chứ nhà nằm trong khu vực ngập nặng thì cũng chẳng ăn thua. Khi đó cần tìm nơi trũng nhất của khu vực để đào cái hồ có chức năng tự thấm. Hoặc nơi nào có sẵn kênh rạch, ao hồ thì đào sâu xuống, rộng ra. Làm được điều này sẽ thoát được một lượng đáng kể nước mặt. Hoặc dễ nhất là nạo vét các kênh rạch có sẵn, đừng để kênh rạch bị rác lấp đầy như nhiều kênh rạch ở quận 6 hiện nay. Chuyện dễ nhất mà người ta còn làm không xong thì hô hào chống ngập kiểu gì?

Để sửa cái sai quy hoạch chống ngập cho TP.HCM trên tổng thể, theo tôi, cái khó không phải là nguồn kinh phí như người ta đổ lỗi mà chính là trình độ chuyên môn đồng bộ của cả một đội ngũ thuộc về hạ tầng quy hoạch, từ ông thiết kế, ông thẩm định, ông xây dựng, ông kỹ thuật cống ngầm… Chứ đổ tiền ra mà mạnh ai nấy làm, chẳng ai chịu nghe ai hoặc sửa tầm bậy thì ngập vẫn hoàn ngập thôi.

Thế giới chống ngập như thế nào?

Tokyo (Nhật): Xây bể điều tiết khổng lồ

Tháng 9-1958, cơn bão Kanogawa gây thiệt hại nặng nề ở khu vực quanh lưu vực sông Kanda với hơn 38.000 ngôi nhà bị ngập trong nước, gây thiệt hại lớn về người và của.

Trước tình trạng này, chính quyền TP Tokyo quyết định xây dựng một bể điều tiết nước lũ dưới lòng đất gồm hai giai đoạn với tổng thời gian thi công 20 năm và chi phí xây dựng 101 tỉ yen (khoảng 839 triệu USD).

Công trình này được đặt tên là sông Kanda hay bể nước điều tiết dưới lòng đất số 7, bao gồm một đường ống ngầm dài 4,5 km có đường kính bên trong 12,5 m. Nó có khả năng dự trữ lên đến 540.000 m3 nước lũ từ ba con sông chính ở TP Tokyo trong mùa mưa lũ gồm sông Kanda, sông Myoshoji và sông Zenpukuji.

Đường ống thứ nhất của công trình dài 2 km bắt đầu hoạt động vào tháng 4-1997 và đường ống thứ hai, thông với đường ống thứ nhất, dài 2,5 km hoạt động vào tháng 9-2005. Công trình này đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc ngăn chặn các thiệt hại do lũ lụt gây ra ở TP Tokyo.

Bangkok (Thái Lan): Xây bể chứa nước và kênh tháo lũ rộng hàng ngàn hecta

Ngay sau cơn lũ lịch sử ở thủ đô Bangkok vào năm 2011 khiến gần 700 người chết, hàng triệu người bị ảnh hưởng và thiệt hại lên đến 15 tỉ USD, thủ tướng Thái Lan thời điểm đó là bà Yingluck Shinawatra công bố một kế hoạch trị giá 9,4 tỉ USD để thực hiện các dự án quản lý và kiểm soát mưa lũ nhằm ngăn chặn những thiệt hại do mưa lũ gây ra trong tương lai.

Các dự án này bao gồm việc trồng cây và xây dựng những con đập dọc các nhánh thượng lưu của sông Chao Praya, trong đó có việc khởi công xây dựng bể chứa nước ở các lưu vực sông nơi hình thành lũ, xây dựng các kênh tháo lũ ở một khu vực rộng gần 324.000 ha đất nông nghiệp cộng với các hệ thống tưới tiêu, các dự án làm sạch kênh rạch và xây dựng một hệ thống dữ liệu quản lý nước...

Siem Reap (Campuchia): Xây đập lớn, đập nhỏ ngăn lũ

Siem Reap hầu như bị ảnh hưởng bởi lũ lụt mỗi năm, cả ở đô thị lẫn nông thôn. Năm 2011, có gần 18.000 gia đình ở 12 quận và 66 xã của tỉnh Siem Reap bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, hơn 5.000 người được di chuyển để tránh lũ.

Một chiến lược xây đập nước đã được chính quyền tỉnh thực hiện vào năm 2012. Trong khi đó, người dân ở vùng quê Siem Reap xây móng nhà cao hơn, xây các con đập nhỏ để ngăn dòng lũ và xây lại đường sá trong làng để ngăn lũ.

Nhờ đó đến nay không xảy ra ngập lụt ở Siem Reap.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm