TP.HCM khát vọng trở thành trung tâm tài chính quốc tế

Sáng nay (18-10), UBND TP.HCM chủ trì tổ chức Diễn đàn Kinh tế TP.HCM (HEF) với chủ đề “Phát triển TP.HCM thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế”.

HEF lần này có sự tham gia các diễn giả trong và ngoài nước, cùng với 800 đại biểu nhằm tạo ra diễn đàn trao đổi để xác định tầm nhìn và đưa ra thông điệp của TP về định hướng xây dựng, phát triển TP.HCM trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế. 

Theo ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, để trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, trước hết TP.HCM phải trở thành trung tâm tài chính của Việt Nam. Để làm được điều đó, cần phải đảm bảo các nguồn lực và các điều kiện tiền đề quan trọng như chính sách quốc gia phù hợp; tư duy, tầm nhìn và chiến lược để đưa TP trở thành trung tâm phát triển dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ tài chính.

Ngay từ năm 2001, thị trường tài chính đã được xác định là một trong chín ngành dịch vụ chủ yếu của TP và từ năm 1998, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM đã được thành lập tại TP.

Trong số 400.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trên địa bàn, có hơn 98% doanh nghiệp vừa và nhỏ, đồng thời bình quân cứ năm năm dân số TP tăng thêm 1 triệu người, trong khi mật độ đường giao thông, nhà ở không theo kịp.

Thách thức của vùng kinh tế động lực TP.HCM tỉ lệ ngân sách được giữ lại ngày càng giảm làm giảm động lực phát triển của địa phương và thực tế cho thấy vai trò và vị thế của các đô thị lớn như TP.HCM ngày càng giảm.

Ngoài ra, quá trình tái cơ cấu thị trường tài chính còn chậm, quy mô thị trường chứng khoán còn nhỏ so với các đô thị trong khu vực. Tỉ trọng vốn hóa của thị trường chứng khoán trên GDP của TP còn thấp, mới đạt 52%, trong khi tại Singapore là 243%, tại Kuala Lumpur là 143%, tại Bangkok là 120%…

Những yếu tố này cùng nhau làm giảm sức hấp dẫn của TP.HCM, tác động tiêu cực đến triển vọng phát triển TP trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, những hạn chế đó không làm TP chùn bước mà càng thôi thúc TP mơ ước và khát vọng cao hơn, đó là khát vọng mãnh liệt để TP phát triển nhanh và bền vững hơn.

Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh - giám đốc Trường Chính sách công và quản lý Fulbright (Đại học Fulbright VN), nêu ý kiến tại Diễn đàn Kinh tế TP.HCM năm 2019 tổ chức ngày 18-10

Theo các chuyên gia, TP.HCM là đầu tàu kinh tế, trung tâm thương mại và trung tâm tài chính, cửa ngõ giao lưu quốc tế của cả nước. Khát vọng của TP không chỉ là duy trì được vị trí dẫn đầu cả nước, mà còn thu hẹp và tiến tới bắt kịp các TP thành công trong khu vực Đông Nam Á và châu Á nói chung.

Trong thời đại toàn cầu hóa toàn diện về thương mại, đầu tư, tài chính và công nghệ ngày nay, một cách để đạt được khát vọng này là TP bắt nhịp với xu thế của thời đại, biến mình trở thành trung tâm tài chính của khu vực và từng bước tiến lên phạm vi toàn cầu.

HEF 2019 sẽ xoay quanh bốn chủ đề chính gồm: TP.HCM hướng tới trung tâm tài chính khu vực và quốc tế: Hiện trạng - mục tiêu và lộ trình thực hiện; Bài học kinh nghiệm trong việc xây dựng và hình thành một số trung tâm tài chính quốc tế; Hệ sinh thái cho sự phát triển bền vững của một trung tâm tài chính quốc tế; Định hướng chính sách quốc gia và vai trò của chính quyền TP để phát triển TP.HCM thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm