Hồi tháng 10-2016, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Văn Khoa yêu cầu giám đốc Sở GTVT chỉ đạo chánh Thanh tra Sở phối hợp với các lực lượng chức năng thuộc các quận, huyện tổ chức kiểm tra, dẹp ngay các điểm xe “dù”, bến “cóc” trước 31-12-2016.
Không có, sao dẹp được (!?)
Theo báo cáo mới đây của Sở GTVT, trên địa bàn TP hoàn toàn không có nạn xe “dù”, bến “cóc” theo nghĩa hiểu thông thường lâu nay (là loại xe không có giấy phép kinh doanh vận tải, bến mở không theo quy hoạch, mở ra rồi “nhảy cóc” khi có lực lượng chức năng kiểm tra…). Đến đầu tháng 1-2017, trên địa bàn TP có 85 điểm kinh doanh vận tải có hoạt động đón, trả khách. Những điểm này do các doanh nghiệp (DN) mở ra đều có đầy đủ giấy phép đăng ký kinh doanh xe chạy hợp đồng và du lịch.
Ngay các chi nhánh, văn phòng đại diện của các DN trên cũng đều có giấy phép thành lập do Sở KH&ĐT TP hoặc UBND các quận, huyện cấp. Họ cũng có đầy đủ giấy phép kinh doanh vận tải theo hình thức hợp đồng, du lịch hoặc liên tỉnh cố định do Sở GTVT TP hoặc các tỉnh, thành khác cấp.
“Sai phạm” chính ở 85 điểm đón, trả khách trên là về trật tự an toàn giao thông, lấn chiếm lòng, lề đường… Cụ thể, có 22/85 điểm thực hiện đón, trả khách trong khuôn viên trụ sở, văn phòng, chi nhánh. Trong đó, có 15/22 điểm đang hoạt động trên tuyến đường có biển báo cấm dừng hoặc đỗ xe khách, biển báo cấm dừng, đỗ xe theo giờ, theo ngày chẵn lẻ. Ngoài ra là các “sai phạm” như mở điểm đón, trả khách đi xe liên tỉnh cố định (lẽ ra là phải từ các bến xe theo quy định) trước trụ sở, văn phòng, chi nhánh nơi không có các loại biển báo cấm nêu trên.
Thanh tra GTVT kiểm tra, xử phạt hành vi dừng, đậu xe đón khách không đúng nơi quy định. Ảnh: LĐ
Lúng túng về giải pháp
Ông Lê Hoàng Minh, Phó Giám đốc Sở GTVT TP, cho biết: “Theo quy định hiện hành, DN được dùng các văn phòng, trụ sở, chi nhánh làm điểm đón, trả khách đi xe theo hình thức hợp đồng, du lịch nhưng khi họ lách sang thành điểm đón, trả khách đi theo tuyến cố định thì rất khó phát hiện, xử lý”.
Ông Lê Hồng Việt, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT, nói thêm: “Mới đây, Sở GTVT cho cắm biển báo cấm cả dừng và đỗ xe ở nhiều điểm, tuyến đường. Việc này nhằm xử lý các hãng chuyên chiếm dụng lòng, lề đường để đón, trả khách đi xe hợp đồng, du lịch và cả đi xe tuyến cố định nhưng lại ảnh hưởng đến những loại xe chở người không kinh doanh vận tải”.
Theo ông Việt, hiện lực lượng chức năng chỉ được xử phạt người lái dừng, đỗ xe nơi có biển báo cấm. Sở đang nghiên cứu đề xuất TP đưa ra quy định khi xe của DN dừng, đỗ đón khách ở nơi cấm từ ba lần trở lên thì xử phạt, rút giấy phép kinh doanh du lịch, hợp đồng, liên tỉnh của DN. Cạnh đó, do thanh tra GTVT không có thẩm quyền kiểm tra, xử phạt xe đang đậu trong trụ sở, văn phòng của DN để lên xuống khách nên có thể giao việc kiểm tra sử dụng công năng nhà ở, văn phòng, điều kiện về an toàn cháy nổ cho ngành xây dựng và cảnh sát phòng cháy chữa cháy. “Tuy nhiên, đây mới chỉ là ý tưởng, còn phải nghiên cứu thêm về tính pháp lý trước khi có đề xuất chính thức” - ông Việt nói.
Không thể hóa trang để xử phạt Theo ông Lê Hoàng Minh, bốn tổ công tác (gồm Sở GTVT TP, Ban An toàn giao thông TP, Công an TP và các sở, ngành, chính quyền địa phương) đã được thành lập để kiểm tra hoạt động thực chất của các công ty, chi nhánh tại 85 điểm đón, trả khách nêu trên trước tết Đinh Dậu. Việc kiểm tra sẽ được duy trì thường xuyên. Có ý kiến đề xuất để nắm được thực chất hoạt động của 85 điểm trên thì nên cho phép cảnh sát hình sự, cảnh sát kinh tế hóa trang thành hành khách để lật tẩy việc DN, hãng xe lập ra các bản hợp đồng khống nhằm chạy xe liên tỉnh. Tuy nhiên, ý tưởng này bị phản đối bởi các hành vi trên chỉ là vi phạm hành chính trong lĩnh vực vận tải, không phải là hành vi hoặc có dấu hiệu vi phạm hình sự, kinh tế nên cảnh sát hình sự, kinh tế không được phép dùng các biện pháp nghiệp vụ như hóa trang. |