TP.HCM kiến nghị cơ chế đặc thù trong thu hồi tài sản tham nhũng

(PLO)- TP.HCM kiến nghị quy định cơ chế đặc thù về thu hồi tài sản ngay trong quá trình điều tra, xét xử để tránh tình trạng tẩu tán, làm thất thoát tài sản tham nhũng, kinh tế.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

UBND TP.HCM vừa gửi Bộ Tư pháp báo cáo kết quả thực hiện kiến nghị sau giám sát của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.

Theo báo cáo, UBND TP.HCM cho biết có nhiều khó khăn, vướng mắc về thể chế khi thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng.

TP.HCM kiến nghị cơ chế đặc thù trong thu hồi tài sản tham nhũng
TP.HCM có nhiều kiến nghị về thu hồi tài sản tham nhũng. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

Cụ thể, theo quy định, trong quá trình điều tra chỉ cho phép kê biên tài sản có giá trị tương ứng với giá trị phạm tội và thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra. Trong khi đó mức độ và giá trị tài sản phải thu hồi trong các vụ án tham nhũng phải được xác định đầy đủ, cụ thể khi bản án có hiệu lực thi hành.

Vì vậy, việc thu hồi tài sản tham nhũng phần lớn không được đầy đủ do giá trị tài sản đã kê biên trong quá trình điều tra thường thấp hơn giá trị tài sản phải thu hồi. Cùng với đó, những tài sản khác không được kê biên trong quá trình điều tra rất dễ phát sinh tẩu tán.

Hiện nay, Điều 128 và 129 của Bộ luật Tố tụng hình sự quy định về việc kê biên tài sản và phong tỏa tài khoản được thực hiện sau khi có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can. "Điều này dẫn đến việc thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát chậm, gặp nhiều khó khăn do các đối tượng vi phạm tìm cách đối phó, hợp pháp hóa các giấy tờ tài liệu hoặc chuyển quyền sở hữu tài sản cho các đối tượng khác" - UBND TP nhận định.

Bên cạnh đó, Bộ luật Tố tụng Hình sự cũng quy định, chỉ kê biên phần tài sản tương ứng với mức có thể bị phạt tiền, tịch thu hoặc bồi thường thiệt hại. Do đó, những vụ án mà giá trị tài sản thường là bất động sản lại có giá trị lớn hơn nên không thể kê biên toàn bộ hoặc tách ra một phần.

UBND TP.HCM nhìn nhận, hiện nay cơ quan thi hành án thụ lý nhiều vụ việc liên quan đến tài sản hình thành trong tương lai nhưng pháp luật thi hành án dân sự còn thiếu các quy định cần thiết vấn đề này. Tài sản tương lai cũng chưa thành hình nên khó để thẩm định giá, bán đấu giá tài sản để thi hành án.

Ngoài ra, đã xuất hiện tình trạng một số doanh nghiệp hoạt động kinh doanh thiếu lành mạnh, huy động vốn rồi ôm tiền bỏ trốn. Việc này cũng có nguyên nhân từ việc quy định thành lập doanh nghiệp quá dễ dàng như không cần vốn pháp định. Vốn điều lệ chỉ cam kết đóng và không có các quy định cũng như chế tài hậu kiểm tra việc góp vốn này. Trong khi đó, quy định về doanh nghiệp bỏ trốn trong pháp luật hiện hành nói chung và Luật Doanh nghiệp nói riêng đang bị bỏ ngõ.

Theo UBND TP.HCM, công tác thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế trên địa bàn TP có những chuyển biến tích cực trong 10 tháng năm 2023.

Trong đó, tổng số phải thi hành là hơn 74.080 tỉ đồng và đã thi hành xong hơn 17.650 tỉ đồng, đạt 39%.

Trước thực trạng nêu trên, UBND TP.HCM đã đề xuất Chính phủ có kiến nghị sửa đổi quy định pháp luật về tố tụng. Theo đó, cho phép cơ quan điều tra áp dụng biện pháp ngăn chặn như phong tỏa tài khoản, ngăn chặn chuyển nhượng tất cả tài sản của người có hành vi phạm tội tham nhũng, kinh tế để việc thu hồi tài sản có hiệu quả.

"Cho phép cơ quan điều tra áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời kê biên, phong tỏa tài sản ngay từ giai đoạn xác minh, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố khi phát hiện có dấu hiệu tẩu tán tài sản. Đồng thời, bổ sung quy định được kê biên tài sản có giá trị lớn hơn mức mà bị can, bị cáo có thể bị phạt tiền, tịch thu, bồi thường"- UBND TP kiến nghị.

Đối với tài sản bị phong toả, kê biên trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử, nhất là bất động sản, các dự án cần có cơ chế cho phép khai thác, sử dụng hoặc tiếp tục triển khai dự án, tránh lãng phí, thiệt hại cho Nhà nước và người dân.

Ngoài ra, TP.HCM kiến nghị quy định cơ chế đặc thù thu hồi tài sản ngay trong quá trình điều tra, xét xử để tránh tình trạng tẩu tán, làm thất thoát tài sản tham nhũng, kinh tế.

UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Tư pháp quan tâm, chỉ đạo ngay từ đầu đối với các vụ án lớn, có tính chất phức tạp, liên quan đến nhiều cấp nhiều ngành. Qua đó, để giải quyết các vấn đề phát sinh trong tổ chức thi hành án, tránh phát sinh thêm các tình tiết phức tạp và khiếu nại, tố cáo bức xúc, kéo dài.

Chẳng hạn như vụ Huỳnh Thị Huyền Như, cCng ty cho thuê tài chính II, vụ Phạm Công Danh, Hứa Thị Phấn…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm