TP.HCM kiến nghị gỡ khó chương trình giáo dục phổ thông mới

(PLO)- Để triển khai một cách có hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông 2018, TP.HCM kiến nghị hàng loạt vấn đề, trong đó đề xuất để TP thí điểm thực hiện một số chính sách.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 27-3, đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) do ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thường trực QH, làm trưởng đoàn, đã làm việc với TP.HCM về việc thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 và Nghị quyết 51/2017/QH14 của QH về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông 2018 trên địa bàn.

Đảm bảo học hai buổi/ngày còn nhiều khó khăn

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết TP luôn dành sự ưu tiên đầu tư cho giáo dục, có nhiều nỗ lực hoàn chỉnh mạng lưới trường lớp, tăng cường trang thiết bị hỗ trợ dạy - học tiên tiến, hiện đại, cơ bản đáp ứng yêu cầu chương trình mới.

Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn (trái) trò chuyện với giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn (trái) trò chuyện với giám đốc
Sở GD&ĐT TP.HCM. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Đến nay, tỉ lệ học hai buổi/ngày đối với tiểu học là 74,1%, đối với THCS là 63,2%, đối với THPT là 95,3%. Ngành giáo dục và các địa phương liên tục tuyển dụng giáo viên nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu thực tế.

TP.HCM cần phải thực hiện
ba giảm

TP.HCM luôn đi đầu trong việc triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa. TP.HCM là địa phương đầu tiên triển khai việc bồi dưỡng giáo viên dạy môn tích hợp tại bậc THCS. TP đã thể hiện được tính chủ động, trách nhiệm sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ và giáo dục TP luôn khẳng định được vị thế của mình. Để thực hiện chương trình mới có hiệu quả thì điều kiện tiên quyết chính là đảm bảo sĩ số học sinh/lớp theo quy định. Mặc dù TP còn nhiều khó khăn nhưng cần nỗ lực thực hiện ba giảm. Cụ thể giảm sĩ số học sinh/lớp, giảm số lớp học/trường, giảm học trái tuyến. Bên cạnh đó, TP cần chú trọng đến việc xây dựng mô hình trường chất lượng cao, trường chuẩn quốc gia.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT
NGUYỄN HỮU ĐỘ

Tuy nhiên, TP luôn đứng trước áp lực lớn khi dân số tăng cơ học hằng năm rất cao nhưng quy trình đầu tư công kéo dài, khả năng cân đối ngân sách hạn chế. Vì thế việc đáp ứng phòng học, đảm bảo sĩ số/lớp và tỉ lệ học hai buổi/ngày còn nhiều khó khăn.

Một bất cập khác là số dân sinh sống thực tế của TP luôn cao hơn so với số dân có hộ khẩu thường trú. Nhưng chính sách, chỉ tiêu đều được xây dựng dựa trên sổ hộ khẩu thường trú.

“Thống kê có hơn 20% học sinh đang học ở TP đến từ các địa phương khác. Do đó, TP kiến nghị trung ương xem xét khi bố trí nguồn lực, tính toán các chỉ tiêu cần dựa trên số dân thực tế của TP” - ông Đức nói thêm.

Hiện trên hệ thống quản lý, TP có hơn 10 triệu người nhưng thực tế có hơn 13 triệu người. Xét theo tiêu chuẩn ngành GD&ĐT, TP còn thiếu 5.000 phòng học nhưng nếu theo mục tiêu đạt 300 phòng học/10.000 dân vào năm 2025, TP còn thiếu tới 8.000 phòng học. Để xây dựng đạt con số này là điều không đơn giản.

“Quy hoạch, bố trí đất đai là thẩm quyền của TP nhưng luật, cơ chế, chính sách là phạm vi của Quốc hội, trung ương. Do đó những vấn đề này đòi hỏi phải tháo gỡ để có thể huy động các nguồn lực xã hội hóa vào việc xây dựng trường lớp” - ông Mãi nói.

Tập trung vào năm nhiệm vụ

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch thường trực QH Trần Thanh Mẫn cho biết đoàn giám sát ghi nhận và đánh giá cao TP.HCM đã chủ động sáng tạo trong việc triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới và đạt được những kết quả nổi bật.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên.

Phó Chủ tịch thường trực QH mong muốn TP.HCM tiếp tục rà soát mạng lưới cơ sở giáo dục trên địa bàn TP để xem xét điều chỉnh, đáp ứng nhu cầu của người học. Sắp tới, UBND TP sẽ thông qua kế hoạch về phát triển giáo dục trên địa bàn TP. Ngành GD&ĐT TP cần so sánh với các TP lớn như Singapore, Tokyo, Bắc Kinh, Thượng Hải... chứ không chỉ các TP trong nước, từ đó có mục tiêu phấn đấu vươn lên, nâng cao trình độ học vấn, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Thứ hai, cần tiếp tục nâng cao cải cách hành chính, công tác quản lý nhà nước, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tự chủ gắn với tự chịu trách nhiệm, tăng cường giám sát đối với các cơ sở giáo dục, đổi mới quản trị nhà trường theo hướng tinh gọn, hiện đại, minh bạch.

Thứ ba, cần mạnh dạn giao quyền tự chủ và cơ chế quản lý với đơn vị sự nghiệp công lập theo đúng tinh thần Nghị định 60, Nghị định 32 của Chính phủ. Tăng cường, mở rộng hợp tác với các đối tác quốc tế, tạo điều kiện cho giáo viên, chuyên gia nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giảng dạy tại các trường học trên địa bàn TP.

“Tôi hết sức hoan nghênh việc có nguồn vốn xã hội hóa và đề nghị UBND TP có cơ chế để làm sao thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư vào các trường ngoài công lập. Chúng ta phải tạo điều kiện mặt bằng, cơ chế, chính sách để các trường phát triển tốt” - ông Mẫn nói.

Ngoài ra, theo ông Mẫn, TP cần đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền để người dân hiểu và chia sẻ với những khó khăn của ngành giáo dục hiện nay.

Và cuối cùng, phải tiếp tục phát động phong trào thi đua, đổi mới sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập. Chương trình mới, giáo viên phải đổi mới, tránh đi theo lối mòn.•

Giao TP.HCM chủ động quyết định một số chính sách

Tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh TP.HCM luôn nhận thức sâu sắc, ý thức trách nhiệm cao trong công cuộc đổi mới căn bản toàn diện về GD&ĐT.

Bình quân mỗi năm TP tăng khoảng 200.000 dân, trong đó có 40.000 học sinh. TP.HCM không chỉ chăm lo cho người dân TP mà còn phải thực hiện sứ mệnh của mình. Thực tế đặt ra nhiều thách thức cho TP từ khâu xây dựng đội ngũ giáo dục cho đến trang bị cơ sở vật chất.

Từ những khó khăn trên, Bí thư Nên mong muốn QH xem xét, có thể giao cho TP chủ động quyết định một số chính sách, thí điểm thực hiện.

Loạt kiến nghị để chương trình giáo dục phổ thông 2018
triển khai hiệu quả

TP.HCM đề xuất sớm xây dựng cơ chế, chính sách cho giáo viên dạy hai buổi/ngày; cho phép nhà trường được hợp đồng với các vị trí việc làm không tuyển dụng được (còn trong chỉ tiêu định biên) và ngân sách cấp bù để chi trả lương cho đối tượng này khi thực hiện quy định không thu tiền học phí buổi hai đối với học sinh học chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Chính phủ chỉ đạo Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ điều chỉnh vị trí việc làm trong trường phổ thông, xây dựng cơ chế và chế độ riêng cho giáo viên tiếng Anh, tin học để thu hút và giữ chân đội ngũ này gắn bó với giáo dục tiểu học. Có thêm các chính sách ưu đãi cụ thể, đất đai, thủ tục hành chính để huy động thêm nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách nhà nước phát triển mạng lưới trường học. Bộ Nội vụ có cơ chế linh hoạt trong tuyển dụng giáo viên; nhà trường tổ chức tuyển dụng và thời gian tuyển dụng linh hoạt ngay khi có nhu cầu...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm