Triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, thiếu đủ thứ

(PLO)- Thiếu giáo viên, vướng khâu in ấn tài liệu giáo dục địa phương, gặp khó khi mua sắm thiết bị giáo dục... là tình hình khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 năm học 2022-2023. 
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 13-12, Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị đánh giá tình hình triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 trong năm học 2022-2023.

Trong phiên thảo luận sáng nay của các địa phương tại miền Nam, các đại biểu đề cập nhiều đến vấn đề gặp khó khăn khi triển khai giảng dạy chương trình mới.

Có kinh phí nhưng khó mua sắm thiết bị

Tại hội nghị, đại biểu Sở GD&ĐT các tỉnh cho biết việc mua sắm trang thiết bị không gặp khó khăn về kinh phí nhưng các văn bản về thẩm định giá cũng như lựa chọn đơn vị để thực hiện mua sắm chưa rõ ràng, có sự chồng chéo.

"Tại khoản 2 điều 4 của Thông tư 14 về xây dựng thẩm định, ban hành định mức về kinh tế kỹ thuật và xây dựng phương pháp giá dịch vụ khối giáo dục sử dụng, thẩm quyền ban hành định mức là UBND tỉnh nhưng khoản 2, điều 8 thì quy định Chủ tịch UBND tỉnh. Vậy cuối cùng thẩm quyền là Chủ tịch hay UBND tỉnh. Sở GD&ĐT Cà Mau có gửi 3 văn bản về Bộ GD&ĐT nhưng không nhận được phản hồi" - ông Lê Hoàng Dự, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Cà Mau trình bày.

Tương tự, đại diện Sở GD&ĐT Bình Phước nêu mặc dù HĐND tỉnh đã thông qua phân bổ kinh phí 400 tỉ để mua sắm thiết bị dạy học nhưng các Thông tư 37, 38, 39 cũng như Nghị định 40 quy định về việc này còn có sự chồng chéo nên Sở chưa triển khai mua sắm được.

Thiếu giáo viên dạy chương trình mới

Ông Lê Hoàng Dự, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Cà Mau cho biết UBND tỉnh rất quan tâm và đầu tư lộ trình đến năm 2025 để phục vụ triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.

triển khai chương trình mới

Ông Lê Hoàng Dự, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Cà Mau phát biểu tại phiên thảo luận sáng nay. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Tuy nhiên, tỉnh đang gặp tình trạng thiếu giáo viên. Hiện nay tỉnh còn thiếu 787 giáo viên. Để khắc phục, Sở GD&ĐT chỉ đạo, các quận, huyện TP khẩn trương tuyển dụng biên chế đến tháng 1-2023. Nếu đơn vị nào không thực hiện nghiêm túc, lãnh đạo sẽ bị kiểm điểm. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đặt hàng các đơn vị đào tạo.

Bên cạnh đó, từ năm học 2022-2023, chương trình giáo dục phổ thông 2018 thực hiện ở lớp 3 với 2 môn bắt buộc là tin học, ngoại ngữ. Tuy nhiên, tỉnh còn thiếu 258 giáo viên của 2 môn này. Sở cũng chỉ đạo các trường gỡ khó bằng nhiều giải pháp như thỉnh giảng, tăng giờ, thậm chí cử giáo viên cấp 3 xuống dạy tiểu học để đảm bảo 100% học sinh được học bộ môn trên.

Tương tự, bà Trần Thị Ngọc Châu, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng cho biết sở gặp khó trong việc tuyển dụng giáo viên thực hiện chương trình mới vì không có nguồn tuyển.

triển khai chương trình mới

Bà Trần Thị Ngọc Châu, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu tại phiên thảo luận sáng nay. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Liên quan đến vấn đề thiếu giáo viên, ông Phạm Ngọc Hải, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Tây Ninh chia sẻ, đến nay ngành GD&ĐT còn thiếu trên 1.100 giáo viên, nhiều nhất ở cấp mầm non. Những vùng khó khăn, biên giới thì lại càng khó tuyển được giáo viên.

Tại tỉnh Bình Dương, ông Nguyễn Văn Phong, Phó giám đốc Sở GD&ĐT cho biết dù đã thực hiện tuyển dụng nhưng Sở còn thiếu 2.000 giáo viên, một số trường không có kế toán nhiều năm liền.

Tại TP.HCM, dù đã triển khai dạy học ngoại ngữ theo mô hình tự chọn từ năm 1995 nhưng vẫn gặp khó khăn do thiếu giáo viên khi triển khai dạy ngoại ngữ bắt buộc. “Đến nay, Sở còn thiếu 170 giáo viên tin học, ngoại ngữ. Nhiều giải pháp như thỉnh giảng, tăng giờ dạy được áp dụng để đảm bảo học sinh được học” - ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM chia sẻ.

triển khai chương trình mới

Các địa phương gặp khó trong việc tuyển dụng giáo viên tin học và tiếng Anh. Trong ảnh là học sinh Trường Tiểu học Thạnh An trong giờ học tin học. Ảnh: TT

Vướng in ấn tài liệu giáo dục địa phương

Một vấn đề nữa được các Sở đề cập tại phiên thảo luận là việc vướng trong khâu in ấn và phát hành tài liệu giáo dục địa phương. Vì vậy, hiện nay nhiều địa phương vẫn chưa thể triển khai dạy nội dung này trong học kỳ 1. Nhiều nơi đang cho học sinh học qua file PDF.

Ông Châu Tuấn Hồng, Giám đốc Sở GD&ĐT Sóc Trăng cho biết tỉnh đã rất chủ động trong khâu biên soạn nội dung giáo dục địa phương từ lớp 1 đến lớp 12. Tuy nhiên, Sở đang vướng trong khâu in ấn tài liệu vì không biết sẽ thực hiện đấu thầu ra sao. “Chúng tôi có trao đổi vấn đề này với Sở Tài chính nhưng không có hướng ra, họp HĐND cũng đề cập nhưng chưa có hướng giải quyết. Vừa rồi, Bộ GD&ĐT có văn bản liên quan nhưng đọc cũng chung chung. Do đó, hiện nay chúng tôi vẫn phải chuyển file PDF để giáo viên dạy cho học sinh” - vị này bày tỏ.

Cũng gặp khó khăn trong vấn đề trên, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM đề xuất Bộ GD&ĐT có văn bản cho phép các địa phương sử dụng bản quyền đấu giá cho các nhà xuất bản đấu thầu để in ấn, phát hành. Hoặc Bộ GD&ĐT sẽ có văn bản điều chỉnh lại thông tư biên soạn tài liệu giáo dục địa phương, tức là xã hội hoá ngay từ lúc đầu việc biên soạn, việc xây dựng khung chương trình sẽ do UBND TP.HCM ban hành. Các nhà xuất bản sẽ biên soạn nội dung trình UBND TP thẩm định, Bộ GD&ĐT phê duyệt. Với cách làm này, việc in ấn tài liệu giáo dục địa phương sẽ không còn vướng nữa.

Ông Hiếu cũng cho biết, qua nắm thông tin trên báo chí, Bộ GD&ĐT đang có kiến nghị với Chính phủ tăng phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên. Theo ông Hiếu, đây là điều nên làm, đặc biệt cần phải tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non và giáo viên ở vùng sâu vùng xa. Nếu được, nên tăng phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên mầm non lên 100%, giáo viên tiểu học 50%, giáo viên THCS và THPT 40%.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm