Xoay sở dạy và học chương trình mới lớp 10: Học sinh đổi lớp, chạy môn

(PLO)- Nhiều lớp học phi truyền thống đã xuất hiện tại một số trường THPT trên địa bàn TP.HCM khi áp dụng chương trình mới lớp 10.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

LTS: Chương trình giáo dục phổ thông 2018 lần đầu tiên được triển khai tại bậc THPT với lớp 10 từ năm học 2022-2023 có rất nhiều thay đổi. Sau hai tháng triển khai, cả thầy lẫn trò đang bị xáo trộn và phải tìm cách xoay sở cho phù hợp với chương trình học.

Chương trình mới lớp 10 chú trọng mục tiêu giáo dục định hướng nghề nghiệp, bao gồm tám môn học bắt buộc cùng hoạt động giáo dục bắt buộc và chín môn lựa chọn. Trong chín môn lựa chọn gồm địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, vật lý, hóa học, sinh học, công nghệ, tin học, âm nhạc, mỹ thuật, học sinh (HS) chỉ được chọn học bốn môn bất kỳ.

Đổi lớp học vì không phù hợp

Sau một thời gian chọn lớp tự nhiên (lý, hóa, sinh, nghệ thuật), Ngô Chi Thái Ngọc, HS lớp 10 Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu, huyện Hóc Môn, đã xin chuyển qua lớp xã hội (địa, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, nghệ thuật). Ngọc chia sẻ lúc đầu em tiếp thu bài khá tốt, tuy nhiên càng về sau, kiến thức ngày càng chuyên sâu khó nắm bắt hơn. Do đó em xin đổi lớp để có thời gian tập trung thêm cho ba môn sẽ thi đại học là toán, văn, tiếng Anh (khối D1).

“Chuyển lớp phải làm quen lại các môn từ đầu cũng khó khăn nhưng giờ em cảm thấy mọi việc ổn hơn. Việc học thoải mái, nhẹ nhàng, phù hợp với năng lực của em” - Ngọc bày tỏ.

Tình trạng HS dù được tư vấn trước nhưng vẫn đổi tổ hợp môn sau khi lựa chọn đã được các trường dự báo và có phương án đảm bảo được mọi quyền lợi cho các em.

Các trường tạo điều kiện cho học sinh được chuyển tổ hợp môn nếu thấy không phù hợp. Trong ảnh: Học sinh lớp 10 Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu, huyện Hóc Môn, TP.HCM trong một tiết học. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
Các trường tạo điều kiện cho học sinh được chuyển tổ hợp môn nếu thấy không phù hợp. Trong ảnh: Học sinh lớp 10 Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu, huyện Hóc Môn, TP.HCM trong một tiết học. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Ông Võ Nu, Phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu, cho biết trường có 14 lớp 10, sáu tổ hợp và HS được chọn hai nguyện vọng (NV). Trường đã giải quyết hơn 10 trường hợp xin đổi tổ hợp môn, thậm chí đến giữa kỳ nếu HS có nhu cầu thay đổi, trường vẫn tạo điều kiện. “Khi đó trường sẽ tổ chức cho các em học lại những nội dung còn thiếu và triển khai kiểm tra để đảm bảo điểm số theo quy định. Nếu muốn thay đổi, các em nên quyết định sớm để đỡ vất vả cho nhà trường và trong việc bù lại kiến thức” - ông Nu nói thêm.

Ông Đặng Đình Quý, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thái Bình, quận Tân Bình, nhận xét HS và phụ huynh chưa có sự am hiểu về chương trình mới ở lớp 10 dẫn đến đa số chọn lựa lúng túng. Theo ông Quý, ngay từ bậc THCS, HS phải được định hướng, phổ biến các môn học lớp 10. Như vậy khi lên cấp 3, các em sẽ không còn bỡ ngỡ, ít phải thay đổi giữa chừng. Theo ông Quý, hiện trường tổ chức ba loại lớp gồm lớp có khuynh hướng thiên về tự nhiên; lớp xã hội; lớp giao thoa tự nhiên và xã hội. Do đã được tư vấn kỹ nên HS đổi lớp không nhiều, chỉ giải quyết ba trường hợp.

“Mặc dù trường tạo điều kiện cho các em thay đổi tổ hợp môn nhưng nếu thay đổi trong thời gian đầu sẽ dễ dàng hơn, càng về sau sẽ càng khó khăn. Bởi theo nguyên tắc của chương trình mới, khi muốn thay đổi, HS phải có đủ lượng kiến thức các bộ môn muốn chuyển sang” - ông Quý nhấn mạnh.

Tại Trường THPT Bùi Thị Xuân, quận 1, đại diện trường cho biết dự kiến sẽ xây dựng một số lớp bổ sung kiến thức cho HS thay đổi NV. Tuy nhiên, trường chỉ cho phép đổi NV ở nửa học kỳ 1 vì lo ngại kéo dài sẽ khó có thể bù đắp được kiến thức thiếu hụt.

“Chạy đua” học môn tự chọn

Bên cạnh các lớp học cố định với những môn, hoạt động bắt buộc, nhằm đáp ứng mọi NV của HS, một số trường đã tổ chức các lớp học ghép ở các môn lựa chọn.

Lê Lâm Trường An, HS lớp 10A11 Trường THPT Bùi Thị Xuân, quận 1, bày tỏ thích thú với những tiết học ghép với nhóm lớp khác. Lớp của An là khối A1 (toán, lý, tiếng Anh). Nửa lớp chọn tổ hợp môn mỹ thuật, sinh và giáo dục kinh tế và pháp luật, nhóm còn lại chọn tổ hợp tin học, giáo dục kinh tế và pháp luật, mỹ thuật. Do đó, ngoài những giờ học cố định của các môn bắt buộc, em sẽ tham gia lớp ghép với môn tin học và sinh học. Khi học chung môn với các bạn khác lớp, An chia sẻ có thêm nhiều bạn mới.

Học chương trình mới lớp 10 được đánh giá ra sao?

Theo chương trình mới lớp 10, HS được kiểm tra, đánh giá theo Thông tư 22 của Bộ GD&ĐT bằng nhận xét kết quả học tập đối với các môn học: giáo dục thể chất, nghệ thuật, mỹ thuật, âm nhạc, mỹ thuật, nội dung giáo dục địa phương, hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp.

Kết quả học tập của môn học được đánh giá theo hai mức: Đạt hoặc chưa đạt. Các môn còn lại trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 được đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số. Kết quả học tập theo môn học được đánh giá bằng điểm số theo thang điểm 10, nếu sử dụng thang điểm khác phải quy đổi về thang điểm 10.

(Theo Sở GD&ĐT TP.HCM)

“Sau bài kiểm tra môn sinh vừa rồi, em thấy lớp bạn có thế mạnh về bộ môn này. HS ở hai lớp đã có dịp làm quen và gần gũi với nhau hơn, khác với mô hình lớp học truyền thống là chỉ lớp nào biết lớp đó. Vì thế, lớp em cần phải học hỏi và nỗ lực nhiều hơn nữa” - An nói.

Là giáo viên được phân công dạy lớp ghép trên, cô Nguyễn Thị Nguyệt thừa nhận việc dạy lớp ghép làm nảy sinh vấn đề chênh lệch trình độ giữa các lớp vì mục tiêu của mỗi lớp khác nhau, như học để thi đại học hay học chủ yếu cho đủ môn thì không cần đầu tư nhiều. Do đó, giáo viên cũng gặp khó khi giảng dạy và ra đề nâng cao, giao dự án, thuyết trình cho các em.

Mô hình này cũng đang được Trường THPT Gia Định, quận Bình Thạnh triển khai. Em Nguyễn Thị Mỹ Tâm, HS lớp 10, chia sẻ ban đầu em lo sẽ phải “chạy” để học các môn lựa chọn. Tuy nhiên, khi vào học chính thức, trường phân bố lịch học khá ổn.

“Vào chiều thứ Ba, thứ Tư, em sẽ đi qua lớp khác để học môn giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học. Việc học ghép giúp em làm quen với nhiều bạn mới và học hỏi thêm kiến thức. Tuy nhiên, do chưa hiểu nhau nên làm việc nhóm cũng hơi gặp bất tiện” - Mỹ Tâm chia sẻ.

Có trường tới 60 lớp ghép

Ông Nguyễn Hùng Khương, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân, quận 1, cho biết trường xây dựng 15 tổ hợp môn với hai NV nhưng có quá nhiều em chọn NV 1 dẫn đến khó đáp ứng. “Trường đã gọi hơn 200 cuộc điện thoại để thuyết phục phụ huynh chuyển qua NV 2 nhưng hầu hết không đồng ý. Do đó, trường thực hiện lớp ghép để đáp ứng mọi NV. Việc xếp lớp ghép HS của 3-4 lớp khác sẽ khiến trường khó khăn trong việc xếp thời khóa biểu cũng như quản lý, vào điểm cho HS” - ông Khương chia sẻ.

Tại Trường THPT Gia Định, quận Bình Thạnh, ông Tô Lâm Viễn Khoa, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cũng cho hay ngoài 22 lớp cố định, trường có khoảng 60 lớp ghép bao gồm cả chuyên đề học tập. Ở những lớp học ghép, sẽ có HS đến từ 2-3 lớp học khác. Lớp ghép được chia thành ba nhóm lớp gồm xã hội, chuyên tự nhiên, tự nhiên tích hợp. Trong cùng một nhóm lớp, thời khóa biểu của HS sẽ hoàn toàn giống nhau, tới giờ ghép, HS sẽ “chạy môn”. Các em được sắp xếp buổi sáng học lớp biên chế chính khóa, còn các chiều thứ Ba, Tư, Năm HS sẽ học lớp ghép theo các môn đã chọn.

Theo ông Khoa, khi tổ chức lớp ghép, nhân lực, cơ sở vật chất của trường còn hạn chế nên chưa đáp ứng 100% ở phạm vi 1-2 môn. Nhu cầu của HS đối với môn tin học rất lớn, tuy nhiên trường không thể đáp ứng hết 100% trong chương trình chính khóa. Vì thế trường đã tổ chức thêm chương trình tin học theo chuẩn quốc tế để hỗ trợ các em.

“Việc tổ chức lớp học phi truyền thống vất vả hơn. Tuy nhiên, mong muốn tạo điều kiện tối đa để HS có thể lựa chọn môn học mình yêu thích, phù hợp với định hướng nghề nghiệp của các em. Trong khả năng, nhà trường làm được tới đâu thì sẽ cố gắng hết sức tới đó” - ông Khoa bày tỏ.

Học sinh lớp 10A11 và 10A4 Trường THPT Bùi Thị Xuân, quận 1 học ghép môn sinh. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Học sinh lớp 10A11 và 10A4 Trường THPT Bùi Thị Xuân, quận 1 học ghép môn sinh. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm