Thông tin được đưa ra tại Hội thảo bố trí giáo viên và xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, do Bộ GD-ĐT tổ chức, ngày 25-10.
Theo đó, bậc mầm non thiếu nhiều nhất với 44.000 GV, kế đến là bậc tiểu học thiếu gần 33.000 GV, THCS thiếu trên 18.000 GV, THPT thiếu gần 12.000 GV.
Cô trò Trường Tiểu học Nguyễn Trực, quận 8 trong 1 tiết học. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN |
Nguyên nhân của tình trạng trên là do từ năm 2015 trở về trước, nhiều địa phương có tỷ lệ GV/lớp thấp do chỉ tiêu biên chế được giao chưa đủ định mức, bậc tiểu học triển khai chương trình dạy học 1 buổi/ngày nên giao biên chế 1,2 GV/lớp.
Bắt đầu từ năm 2015, thực hiện chủ trương dạy học 2 buổi/ngày ở bậc tiểu học, định mức nâng lên 1,5 GV/lớp nhưng biên chế không tăng thêm. Mặt khác, học sinh tăng đều mỗi năm, đặc biệt tại các TP lớn. Bên cạnh đó, chính sách tuyển dụng và thu nhập chưa tương xưng ở những môn như tiếng Anh, Tin học nên khó thu hút.
Trước thực tế trên, ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục đề nghị các địa phương tập trung giải quyết. Cụ thể, đặt hàng các trường sư phạm đào tạo, bồi dưỡng GV; sắp xếp lại hệ thống trường lớp, giảm trường học có quy mô nhỏ, xây dựng trường nhiều cấp học; xã hội hóa giáo dục ở những nơi đủ điều kiện, đẩy mạnh bố trí GV liên trường, liên cấp nhằm tháo gỡ khó khăn về đội ngũ. Song song đó, mỗi cơ sở giáo dục cần đẩy mạnh cơ chế tự chủ, khẩn trương tuyển dụng GV còn thiếu so với biên chế được giao.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD&ĐT cho rằng trước đây khi triển khai chương trình giáo dục theo Quyết định 16/2006 đã xảy ra tình trạng thiếu GV. Đến nay, khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 với các môn học mới khiến nhân sự càng khó khăn hơn. Trong đó, các môn học không thay đổi tên gọi so với chương trình cũ đều giữ nguyên hoặc giảm nhẹ số tiết nên không xáo trộn về nhân sự. Cơ cấu GV biến động ở các môn học mới đòi hỏi sự chủ động rà soát, bố trí đội ngũ tại mỗi đơn vị.