Chương trình mới: Thiếu giáo viên tin học, tiếng Anh

(PLO)- Việc thiếu giáo viên tin học và tiếng Anh gây khó khăn cho các trường trong việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở lớp 3 trong năm học 2022-2023.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thực trạng trên được đề cập tại Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm học 2022-2023 của bậc tiểu học vào sáng 30-8.

Năm học 2022-2023, chương trình giáo dục phổ thông 2018 thực hiện ở lớp 3. Trong đó, tiếng Anh và tin học là hai môn bắt buộc nhưng hiện nay nhiều trường không thể tuyển dụng được giáo viên (GV) cho hai bộ môn này.

Hai nguyên nhân cơ bản

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM bên lề hội nghị, hiệu trưởng một trường tiểu học tại huyện Củ Chi cho biết trường hiện có hai GV tiếng Anh nhưng một người chuẩn bị nghỉ sinh. Để thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhà trường buộc phải ký hợp đồng thỉnh giảng với ba GV bên ngoài. “Điều này khiến trường bị động trong việc xây dựng kế hoạch học tập cũng như thời khóa biểu. Môn tin học cũng trong tình trạng tương tự. Đây là thực trạng đang diễn ra tại nhiều trường tiểu học trên địa bàn” - vị này nói thêm.

Một giờ học tiếng Anh tại Trường Tiểu học Thạnh An, huyện Cần Giờ. Ảnh: TA

Một giờ học tiếng Anh tại Trường Tiểu học Thạnh An, huyện Cần Giờ. Ảnh: TA

Nguyên nhân của tình trạng trên, theo Sở GD&ĐT TP, do số lượng GV ngoại ngữ, tin học đăng ký tuyển dụng để thực hiện chương trình mới theo yêu cầu còn hạn chế vì chưa đảm bảo được các quy định về bằng cấp và chứng chỉ. Bên cạnh đó, nhiều trường có nhu cầu tuyển dụng hai vị trí này nhưng không có ứng viên dự tuyển.

Để gỡ khó cho các trường, bà Lâm Hồng Lãm Thúy, Trưởng Phòng giáo dục tiểu học Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết ngành GD&ĐT đã chủ động liên kết với Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, Trường ĐH Sài Gòn mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng GV, đặt hàng tuyển dụng; các trường có thể hợp đồng tuyển dụng bên ngoài. Ngoài ra, các phòng GD&ĐT thực hiện tham mưu với UBND quận, huyện để xây dựng kế hoạch tuyển dụng cho năm học.

Bà Thúy cũng cho biết thêm dù năm học mới đã cận kề nhưng nhiều trường vẫn chưa có đủ thiết bị dạy học. Những đơn vị này cần nhanh chóng làm việc với phòng và quận để được cấp kinh phí mua sắm. Các trường phải có kế hoạch dự báo về đội ngũ nhân sự cũng như cơ sở vật chất trong năm năm tới để đảm bảo chất lượng dạy và học.

Tiếp tục khảo sát ở lớp 3

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết năm học vừa qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên học sinh không thể đến trường. Tuy nhiên, với nỗ lực của thầy cô và cán bộ quản lý, các em vẫn không ngừng học và đã hoàn thành được mục tiêu giáo dục. Đến thời điểm này, các trường đều đã sẵn sàng cho năm học mới.

“Triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, trường học hiện gặp không ít khó khăn về cơ sở vật chất cũng như nguồn nhân lực. Trước thực tế này, các trường phải đề ra kế hoạch dài hơi để có sự chuẩn bị tốt về đội ngũ cũng như nhân sự, tránh bị động. Riêng về việc thiếu GV tin học và tiếng Anh, sở đã làm việc với UBND TP tìm hướng tháo gỡ cũng như có hướng đề xuất với các cấp có thẩm quyền để thu hút và hỗ trợ thêm GV tiểu học” - ông Quốc nói.

Cảnh báo cận thị và cong vẹo cột sống

Tình trạng cận thị và cong vẹo cột sống ngày càng tăng ở bậc tiểu học. Tôi đề nghị hiệu trưởng các trường cũng như GV cần quan tâm đến vấn đề này để làm sao chúng ta giảm bớt tình trạng trên.

Các trường tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động phụ huynh cho trẻ tiêm vaccine để tăng miễn dịch cộng đồng, tạo sự an toàn khi trẻ đến trường.

LÂM HỒNG LÃM THÚY, Trưởng Phòng giáo dục tiểu học Sở GD&ĐT TP.HCM

Cũng theo ông Quốc, đâu đó vẫn có nhiều GV chưa chịu đổi mới. Với chương trình giáo dục phổ thông 2018, một chương trình nhiều sách giáo khoa đòi hỏi sự linh hoạt, chủ động trong cách tiếp cận của mỗi GV. Trong quá trình sử dụng sách giáo khoa, nếu thấy ngữ liệu bộ sách đang sử dụng không phù hợp, GV có quyền sử dụng ngữ liệu bộ sách khác. Sách giáo khoa chỉ là tư liệu dạy học, chương trình mới quan trọng. GV cũng phải thay đổi cách kiểm tra, đánh giá sao cho phù hợp.

“Năm học này, Sở GD&ĐT sẽ tiếp tục thực hiện khảo sát ở lớp 3. Việc khảo sát sẽ giúp chúng ta đánh giá được kết quả của việc thực hiện chương trình mới, những mặt mạnh và hạn chế, từ đó các trường sẽ có sự điều chỉnh phù hợp. Bên cạnh đó, các quận, huyện cũng cần phải quan tâm xây dựng mạng lưới cơ sở vật chất để làm sao đáp ứng được việc dạy học hai buổi/ngày” - ông Quốc nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm