Sáng 15-7, Chính phủ đã tổ chức hội nghị trực tuyến về việc thi hành Luật Quy hoạch.
Thứ trưởng Công thương Đặng Hoàng An cho hay vướng mắc lớn nhất khi thực hiện Luật Quy hoạch liên quan đến điểm c khoản 1 Điều 59 về quy định chuyển tiếp và quy định không cho phép điều chỉnh các quy hoạch. “Thậm chí nếu bây giờ có cho phép điều chỉnh cũng không thực hiện được, vì các luật chuyên ngành đã được sửa đổi, không còn hiệu lực”- ông An bình luận.
“Khoảng trống” khi chưa có quy hoạch tổng thể quốc gia
Chính phủ tổ chức Hội nghị triển khai thi hành Luật Quy hoạch.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, Bộ này đang vướng mắc nhất ở ba lĩnh vực: điện, khoáng sản và năng lượng. “Hiện có 369 dự án điện đều đang tắc vì Luật Quy hoạch”- ông nói và cho biết, có nhiều dự án mang tính cấp bách, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, xã hội.
Ông An dẫn chứng về dự án làm đoạn đường dây 30 cây số ở Lai Châu để giải tỏa công suất thủy điện. Tất cả văn bản của dự án này đã nằm trên bàn Thủ tướng nhưng không thể phê duyệt được. Các tỉnh gặp Bộ Công Thương liên tục hỏi bao giờ được điều chỉnh nhưng Bộ không trả lời được.
Liên quan tới lĩnh vực năng lượng, Thứ trưởng Công Thương cho hay có nhiều dự án hóa dầu rất lớn nhưng chưa có quy hoạch. “Nếu để lỡ các dự án hóa dầu giá trị hàng tỉ đô la thì rất đáng tiếc”.
Trong lĩnh vực khoáng sản, theo ông An, thực tiễn trong quá trình thăm dò cũng phát sinh nhiều vấn đề. “Thăm dò xong thấy nó vênh so với quy hoạch trước nhưng lại không được điều chỉnh, rất vướng”- Thứ trưởng Công Thương dẫn chứng và mong muốn có nghị quyết của Quốc hội hoặc của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho phép có giai đoạn chuyển tiếp.
Ông phân tích, theo kế hoạch, năm 2021 mới có quy hoạch tổng thể quốc gia. Nếu không có giải pháp thì trong thời điểm “trống” này các quy hoạch bên dưới đều “tắc” cả, bởi theo quy định, quy hoạch cấp trên là cơ sở cho quy hoạch cấp dưới. Ông cũng đề nghị cần sớm xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia nếu không rất khó có thể thực hiện.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng sau đó thừa nhận việc thực hiện điều chỉnh quy hoạch đang là vướng mắc rất lớn, luật chưa bao quát được hết các trường hợp phải điều chỉnh quy hoạch cục bộ.
“Làm sao để điều chỉnh quy hoạch cục bộ khi các luật chuyên ngành đã hết hiệu lực và Luật Quy hoạch mới yêu cầu 5 năm mới được điều chỉnh một lần?”- ông nêu vấn đề và cho rằng “không ai có thể nói quy hoạch của chúng ta hôm nay là tốt nhất”.
Phó Thủ tướng sau đó khẳng định, điều chỉnh quy hoạch là nhiệm vụ trong hoạt động quy hoạch, đồng thời cũng là nhiệm vụ trong quá trình thưc hiện quy hoạch.
Cơ bản hoàn thành các quy hoạch trong 2020 để phê duyệt
Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan phản ánh, việc phải bãi bỏ một số quy hoạch ngành, lĩnh vực trong khi chưa có quy hoạch mới theo quy định của Luật Quy hoạch, đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động đầu tư, khuyến khích và huy động các nguồn lực cho phát triển của TP. Vì vậy, TP.HCM kiến nghị Trung ương cho phép Thành phố được tiếp tục thực hiện những nội dung đã có trong quy hoạch được duyệt. Khi nào có quy hoạch chung và quy hoạch chuyên ngành được phê duyệt sẽ tiến hành bãi bỏ các quy hoạch cũ.
Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Bình Nguyễn Xuân Quang cho hay, hồi tháng 3 vừa qua, đơn vị tư vấn cho tỉnh đã trình dự thảo lần cuối về quy hoạch của tỉnh này đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050. Ông băn khoăn hỏi trong khi quy hoạch tổng thể quốc gia và quy hoạch vùng chưa được xây dựng, Quảng Bình có được xây dựng và thẩm định, phê duyệt quy hoạch của tỉnh trước hay không?
“Đề nghị của tỉnh là được triển khai sớm để phục vụ Đại hội Đảng bộ tỉnh sắp tới”- ông nói.
Theo Chủ tịch UBND Quảng Ninh Nguyễn Văn Thắng, Chính phủ đang cho phép các địa phương triển khai lập quy hoạch tỉnh song song với lập quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia.
“Quảng Ninh dự kiến triển khai rất quyết liệt, nhưng khi triển khai song song đòi hỏi quy hoạch tỉnh Quảng Ninh phải làm thế nào để phù hợp với 39 quy hoạch cấp quốc gia? Triển khai song song mà bảo phù hợp thì sẽ khó, nếu không phù hợp phải điều chỉnh lại sẽ gây tốn kém về thời gian, kinh phí”- ông Thắng cho biết.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, theo quy định của Luật, Chính phủ phải xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia trình Quốc hội phê duyệt; các Bộ, ngành xây dựng Quy hoạch ngành quốc gia; các địa phương xây dựng Quy hoạch tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
“Đây là những quy hoạch mới, lần đầu tiên xây dựng, đồng thời yêu cầu tích hợp rất cao (bỏ các quy hoạch sản phẩm cụ thể) do đó rất khó triển khai”- ông nói, đồng thời thừa nhận việc tổ chức thực hiện Luật Quy hoạch vừa qua còn nhiều lúng túng, ngay cả ở Trung ương, dẫn đến chậm, ảnh hưởng đến xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội trong thời gian tới.
Phó Thủ tướng sau đó yêu cầu Bộ Kế hoạch-Đầu tư chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành sớm trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn một số điều liên quan đến Luật Quy hoạch.
“Trình tự lập quy hoạch theo hướng phải thực hiện đồng bộ, đồng thời, song song nhưng không máy móc. Trong năm 2020 phải cơ bản xong để phê duyệt”- Phó Thủ tướng nói.
Liên quan đến việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép cơ quan có thẩm quyền quyết định thực hiện các dự án đầu tư cấp thiết cho phát triển kinh tế- xã hội, sau đó cập nhật vào Quy hoạch mới.
Với các quy hoạch đã lập, đã tổ chức thẩm định nhưng chưa phê duyệt như kiến nghị của một số địa phương, ông cho biết Chính phủ sẽ kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép phê duyệt theo Luật Quy hoạch mới, nhưng không hồi tố các thủ tục trước đây…