TP.HCM: Mức phạt giao thông có thể tăng gấp đôi

Sáng 4-12, phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 6 HĐND TP.HCM khóa IX (nhiệm kỳ 2016-2021), Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết thời gian qua kinh tế của TP.HCM tăng trưởng cao hơn cùng kỳ, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt yêu cầu đề ra, môi trường kinh doanh được cải thiện. Tuy nhiên, bà Quyết Tâm cũng nhìn nhận có một thực tế là tình trạng ngập nước, ùn tắc giao thông, bạo hành trẻ em… vẫn đang gây bức xúc trong xã hội.

Tăng thuế rượu bia, thuốc lá

Theo bà Quyết Tâm, kỳ họp này HĐND TP sẽ tổ chức thực hiện các nghị quyết, trong đó có Nghị quyết 54 của Quốc hội (QH) cho TP.HCM thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù. Theo nghị quyết này, HĐND TP được phân cấp, phân quyền quyết định nhiều vấn đề quan trọng với mong muốn thúc đẩy sự phát triển của TP cao hơn, đóng góp nhiều hơn, lớn hơn về nguồn lực, kinh nghiệm và cơ chế cho đất nước.

Phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cũng dành nhiều thời gian nói về cơ chế, chính sách đặc thù mà QH vừa cho TP.HCM được thí điểm. Theo ông Nhân, ngày 15-1-2018 tới, Nghị quyết 54 của QH sẽ có hiệu lực, do đó HĐND TP phải làm nhiều việc. Trong đó có việc xem xét bổ sung các loại phí mới hoặc mức phí mà TP thực hiện trên địa bàn để điều tiết hành vi của người tiêu dùng và góp phần tăng thu. Đồng thời xem xét tăng thuế tiêu thụ đặc biệt ở một số mặt hàng như rượu bia, thuốc lá, thuế môi trường.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm trao đổi với các đại biểu bên lề kỳ họp. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

“Đây là những việc QH cho làm nên TP phải chuẩn bị kỹ, chứ nếu trong ba năm có điều kiện tăng thu các loại thuế, phí mà năm đầu tiên TP không chuẩn bị tốt, không điều chỉnh gì thì không có hiệu quả” - ông Nhân nói và đề nghị UBND TP trước tháng 6-2018 phải trình một số đề xuất liên quan đến thuế, phí để HĐND TP thông qua và giữa năm 2018 áp dụng gắn với quá trình lấy ý kiến của chuyên gia, nhân dân để thực hiện việc này.

Đã có dự thảo tăng mức phạt

Nêu ý kiến tại phiên thảo luận tổ vào chiều cùng ngày, đại biểu Lê Nguyễn Minh Quang, Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, cho rằng mức xử phạt vi phạm giao thông hiện nay quá thấp nên nhiều người cố tình vi phạm. “Vào các giờ tan tầm, xe cộ chạy rất lộn xộn. Các phương tiện chạy lên lề đường, lấn tuyến và chạy ngược chiều nhưng CSGT cũng không giải quyết nổi. Do đó, với cơ chế đặc thù này cần phải nâng mức phạt để xử nghiêm những người vi phạm giao thông” - ông Quang đề xuất.

Về vấn đề này, Giám đốc Sở GTVT Bùi Xuân Cường cho biết HĐND TP có thể xem xét tăng mức phạt vi phạm giao thông ở khu vực nội thành lên gấp đôi so với hiện nay. “Điều này đã được cho phép trong Luật Xử lý vi phạm hành chính và không cần phải áp dụng cơ chế đặc thù, TP vẫn có thể quyết định” - ông Cường nói và cho biết sở này đã có dự thảo văn bản về  vấn đề này và UBND TP đang giao Sở Tư pháp và Công an TP góp ý.

Có người được mời lương gấp 20 lần

Vấn đề con người, chính sách thu hút người tài vào bộ máy rất quan trọng. Nếu không có con người giỏi thì không thể thực hiện các chính sách.

Tôi rất lo lắng về thu nhập cho anh em trong sở. Có người được mời ra ngoài làm với mức lương cao gấp 10 lần, thậm chí 20 lần. Trong năm 2018 cần phải triển khai cơ chế, chính sách để giữ được người đang có, đồng thời bổ sung được người tài vào bộ máy.

Ông DƯƠNG ANH ĐỨC, Giám đốc Sở TT&TT

Cũng liên quan đến việc áp dụng cơ chế đặc thù vào việc giảm ùn tắc giao thông, ông Cường cho biết nhu cầu vốn thực tế cho lĩnh vực giao thông giai đoạn 2016-2020 hơn 500.000 tỉ đồng, sau khi TP tính toán thì số tiền có thể cân đối được là 122.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, thực tế vốn cho ngành giao thông từ năm 2016 đến 2020 TP mới cân đối được 61.000 tỉ đồng. “Như vậy nguồn lực của TP rất thấp so với nhu cầu thực tế” - ông Cường nói và cho biết điều này dẫn đến nhiều mục tiêu trong chương trình giảm ùn tắc và tai nạn giao thông như số kilomet đường mới, số lượng các cây cầu mới, quỹ đất dành cho giao thông… cũng bị ảnh hưởng, không thể đạt được.

Do đó, khi thực Nghị quyết 54 của QH thì TP sẽ có thêm nguồn lực triển khai các công trình giao thông. Theo đó, TP sẽ có thêm nguồn thu từ việc bán đất công (được hưởng 50%), thu từ cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp.

Theo ông Cường, hai dự án cần được ưu tiên đầu tư khi có vốn là đường Vành đai 2 và 3 vì đây là hai tuyến đường huyết mạch của mạng lưới giao thông TP. Trong đó, theo nghị quyết kỳ họp trước của HĐND TP, trước năm 2020 phải hoàn thành đường Vành đai 2 và một phần đường Vành đai 3.

Đặt hàng của Bí thư Nguyễn Thiện Nhân

Phát biểu tại phiên khai mạc, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đã đưa ba nội dung đặt hàng cho các đại biểu HĐND TP giám sát trong năm 2018. Một là việc khiếu nại liên quan bồi thường giải phóng mặt bằng ở Thủ Thiêm và Khu công nghệ cao TP. Hai là việc công khai hóa kết luận thanh tra của TP, sở, ngành, quận, huyện. Ba là sự hài lòng của người dân với chất lượng phục vụ của hệ thống công quyền.

Trước chỉ đạo của Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết HĐND TP sẽ họp bất thường vào quý I-2018 để bàn về cải cách hành chính, nâng cao sự hài lòng của người dân, kết hợp nội dung nghị quyết về cơ chế đặc thù mà QH đã ban hành. “Ngay trong năm 2018, HĐND TP sẽ giám sát chuyên đề là việc giải quyết khiếu nại và kiến nghị của cử tri” - bà Tâm nói và cho biết với chỉ đạo của Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, HĐND TP sẽ tập trung vào khu Thủ Thiêm và Khu công nghệ cao trong chuyên đề giám sát lần này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới