TP.HCM muốn làm đường ven sông Sài Gòn trước năm 2030

(PLO)- Hiện dự án đang được TP.HCM nghiên cứu để cập nhật vào quy hoạch làm tiền đề nghiên cứu dự án.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sở GTVT TP.HCM vừa thông báo kết luận của Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Lâm tại cuộc họp nghe báo cáo về nghiên cứu rà soát, đề xuất bổ sung quy hoạch đường ven sông Sài Gòn. Theo các chuyên gia đô thị, làm đường ven sông Sài Gòn sẽ tận dụng được cảnh quan khu vực, đồng thời phát huy tối đa tiềm năng sông chảy xuyên TP này. Tuy nhiên, kinh phí thực hiện dự án này là không nhỏ nên TP cần tính toán tới các phương thức kêu gọi đầu tư ngoài ngân sách.

Đường ven sông kéo dài đến các tỉnh

Hiện nay, Sở GTVT đang cùng các đơn vị có liên quan đang hoàn thiện phương án tuyến đường ven sông Sài Gòn. Trong đó, dự án đường ven sông Sài Gòn (từ ngã ba Mũi Đèn Đỏ, quận 7 đến hạ lưu đập Dầu Tiếng, Bình Dương) kéo dài thêm đến Bến Củi (Tây Ninh) với nhiều đoạn cong, khúc khuỷu. Do đó, tuyến đường ven sông không nhất thiết bám sát bờ sông.

Dự án sẽ tận dụng tối đa các tuyến đường hiện hữu chạy dọc sông Sài Gòn để hoạch định hướng tuyến quy hoạch một cách linh hoạt, phù hợp với hiện trạng, cảnh quan đô thị dọc sông, mục tiêu là hình thành trục đường ven sông Sài Gòn.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở GTVT, cho biết hiện nay đề án nghiên cứu tuyến đường ven sông mới được TP.HCM và các sở, ngành mang ra bàn bạc với mục đích là để cập nhật quy hoạch đường này vào quy hoạch chung, từ đó mới có cơ sở thực hiện.

Trước đó, ngày 19-7, Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Lâm đã chủ trì cuộc họp nghe báo cáo về một số nội dung nghiên cứu, rà soát đề xuất bổ sung, điều chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị, đường sắt kết nối vùng TP.HCM, đường trên cao, đường ven sông Sài Gòn. Qua đó, để cập nhật vào đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP đến năm 2040 và tầm nhìn đến năm 2060 và đồ án quy hoạch chung các tỉnh liên quan trong vùng Đông Nam Bộ.

Ông Lâm cho rằng việc nghiên cứu, cập nhật, bổ sung quy hoạch đường ven sông Sài Gòn là phù hợp và rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Phạm vi nghiên cứu đường ven sông Sài Gòn sẽ kéo dài đến giáp ranh giới tỉnh Tây Ninh và nghiên cứu giải pháp kết nối với mạng lưới giao thông tỉnh Tây Ninh để phát huy hiệu quả khai thác tuyến đường, tăng cường khả năng kết nối vùng.

Sở GTVT cũng đề nghị Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương hỗ trợ cung cấp thông tin tài liệu liên quan đến quy hoạch đường ven sông Sài Gòn trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Qua đó, nhằm hoàn thiện phương án quy hoạch đường ven sông Sài Gòn đảm bảo kết nối hài hòa giữa hai địa phương. Hiện nay, các đơn vị vẫn đang tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện để sớm hoàn chỉnh quy hoạch đường ven sông này.

Dự án đường ven sông Sài Gòn sẽ giúp TP.HCM khai thác được tiềm năng kinh tế ven sông. Ảnh: KC

Dự án đường ven sông Sài Gòn sẽ giúp TP.HCM khai thác được tiềm năng kinh tế ven sông. Ảnh: KC

Nhiều vấn đề cần tính toán kỹ khi làm dự án

Ủng hộ ý tưởng về dự án này, TS Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch đô thị Việt Nam, đánh giá nếu làm được đường ven sông Sài Gòn thì sẽ khai thác tốt cảnh quan hai bên dòng sông này. “Tuy nhiên, đặc điểm địa thế bờ sông Sài Gòn không đều nhau, có chỗ yếu, có nguy cơ sạt lở nên cần phải được tính toán kỹ” - TS Nguyên lưu ý.

Theo ông Nguyên, nếu khai thác sông, TP phải lưu ý cảnh quan cả hai bên bờ sông và kinh phí làm đường ven sông này cũng rất lớn nên ngoài ngân sách cũng cần tính tới các bài toán xã hội hóa khác và các phương thức đầu tư BT, BOT cũng cần được xem xét.

TS Nguyên cũng cho rằng làm tuyến đường ven sông là rất tốt nhưng hiện nay TP có rất nhiều dự án, đề án cần làm và đều cần rất nhiều kinh phí. Chẳng hạn như việc thực hiện các dự án di dời nhà trên và ven kênh rạch. Đây cũng là vấn đề cấp bách để cải tạo, chỉnh trang đô thị và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. “Dự án này TP đã quyết tâm thực hiện lâu nay nhưng chưa làm được, vì vậy cần cân nhắc có sự ưu tiên so với các dự án mới” - ông Nguyên nói.

TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM, cho rằng phạm vi đô thị hóa TP.HCM ngày càng mở rộng. Vì vậy, muốn khai thác tốt sông Sài Gòn thì hai bên bờ sông cần có con đường để giúp người dân tiếp cận được sông nước và khai thác tốt nguồn lực sông nước này.

“Việc làm đường là cần thiết và rất có ý nghĩa. TP hiện nay có lợi thế là trước đây cũng có quy định về hành lang an toàn, bảo vệ bờ sông (khoảng 50 m tính từ mép bờ cao). Nếu chúng ta mở đường trong phạm vi này thì có thể chi phí bồi thường giải tỏa cũng ít hơn, còn nếu mở rộng hơn thì cần có chính sách khai thác nguồn lực từ đất ven sông kèm theo” - ông Cương phân tích.

Theo ông Phan Công Bằng, hiện nay TP.HCM có một số đoạn đường ven sông đã được triển khai (đường hiện hữu ven sông) như một đoạn ở phường 13, quận Bình Thạnh. Bên cạnh đó, Sở GTVT cũng đã nghiên cứu về đường ven sông đoạn Tân Cảng, song lâu nay vẫn chưa thể triển khai được. Vì vậy, nghiên cứu cập nhật quy hoạch đợt này sẽ hoàn thiện và tiến tới làm đồng nhất, liền mạch.

“Tuyến đường ven sông kéo dài đến tỉnh Tây Ninh sẽ phát huy nhiều lợi thế về đường bộ, đường thủy và khai thác tiềm năng kinh tế ven sông. Sau khi hoàn chỉnh quy hoạch sẽ tiến hành triển khai, tuyến đường ven sông mang lại lợi thế rất lớn, vì vậy Sở GTVT TP mong muốn và kiến nghị sớm triển khai, dự kiến là trước năm 2030” - ông Bằng nói.•

Từng có đề xuất làm đại lộ ven sông Sài Gòn dài 64 km

Dự án đại lộ ven sông Sài Gòn là ý tưởng của một tập đoàn bất động sản đề xuất với UBND TP.HCM từ đầu năm 2017. Khi đó, tập đoàn này đã tiến hành khảo sát, xây dựng và đề xuất với TP.HCM xin làm chủ đầu tư dự án này.

Trong đó, đại lộ ven sông Sài Gòn có chiều dài khoảng 64 km, nối từ cầu Bến Súc (huyện Củ Chi) dọc theo sông Sài Gòn đi về điểm cuối là ngã ba Tôn Đức Thắng - Hàm Nghi, đi qua hai huyện Củ Chi, Hóc Môn và các quận 12, Bình Thạnh, 1. Kinh phí đầu tư thời gian đó nhà đầu tư này dự kiến khoảng 2,5 tỉ USD.•

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm