Tại BV Nhi đồng 2, gần cửa ngõ các tỉnh Đông Nam Bộ, BS Lê Công Thiên, Phó khoa Khám bệnh của BV cho hay trong đợt cao điểm nắng nóng, số bệnh nhi đến BV khám bệnh tiêu hóa đang tăng từ 10-15% so với các tháng trước khiến Khoa Tiêu hóa có thời điểm bị quá tải. Đối với những bệnh tiêu hóa không cần chăm sóc chuyên sâu, bệnh viện phải bố trí cho bệnh nhân nằm điều trị ở khoa khác.
Theo BS Thiên, số bệnh nhi khám tiêu hóa thường gặp là tiêu chảy cấp, tiêu chảy do nhiễm trùng, rối loạn tiêu hóa, đau bụng, ói.
Lý giải mùa nắng nóng số ca khám tiêu hóa tăng, BS Thiên cho hay mùa nắng nóng thức ăn dễ ôi thiu, tạo môi trường cho vi khuẩn xâm nhập gây ra rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thức ăn. Ngoài ra, mùa nóng trẻ dễ khát nước và khi được bù nước nếu không đảm bảo vệ sinh cũng dễ gây ra bệnh.
Các bệnh nhi khám tiêu hóa tại BV Nhi đồng 2. Ảnh: HL
Tại BV Nhi đồng 1, số ca khám tiêu hóa trong những ngày nắng nóng cũng tăng đáng kể. BS Phạm Văn Hoàng, Trưởng khoa Khám bệnh BV Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết dưới tác động của nắng nóng và tia cực tím, sức đề kháng của trẻ em giảm. Đầu tiên bé dễ thiếu nước dẫn đến rối loạn điện giải do bài tiết mồ hôi nhiều hơn, đặc biệt là dễ mắc các bệnh lý hô hấp như viêm phổi.
Chăm sóc bé VVT (3 tuổi) tại BV, anh Phan Văn Đức (ngụ quận 7, TP.HCM) cho biết bé bị ho hai ngày đầu, đi mua thuốc uống không đỡ. Đến ngày thứ ba bé sốt cao, thở mạnh nên nhập viện và được chẩn đoán viêm phổi, phải dùng kháng sinh nay được bảy ngày.
Anh Đức cho hay: “Trời nắng nóng quá nên tôi cũng hạn chế cho bé ra ngoài trời. Tuy nhiên, ở nhà bật máy lạnh thì bé hay ho, sổ mũi, còn không bật thì bé đổ mồ hôi, nóng bừng người ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe”.
Ngoài trẻ em, người già có sức đề kháng kém cũng dễ mắc các bệnh tiêu hóa, hô hấp, đột quỵ. Tại BV Thống Nhất, BS Chuyên khoa 2 Vũ Thị Minh Phương, Trưởng khoa Khám bệnh của BV cho hay người già có đặc điểm không uống nhiều nước cũng không có cảm giác khát nên dẫn đến không bổ sung nước đầy đủ. Có những trường hợp thiếu nước dẫn đến rối loạn điện giải, tụt huyết áp, nhẹ thì chóng mặt, hoa mắt, đỏ bừng mặt, vã mồ hôi. Nặng hơn có thể gây xuất huyết não đột quỵ. Đặc biệt, vào mùa nóng số ca đột quỵ não có xu hướng tăng.
Nắng nóng khiến gia tăng các bệnh tiêu hóa, hô hấp. Ảnh: HL
Các bác sĩ khuyến cáo trẻ em và người già rất hay bị viêm nhiễm đường tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm do có sức đề kháng và hệ tiêu hóa yếu. Do đó, thức ăn khi chế biến phải đảm bảo tươi mới, cần thực hiện ăn chín, uống sôi. Chú ý rửa tay thường xuyên trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, trước khi chăm sóc trẻ.
Ngoài chế độ ăn hợp lí, cần giữ vệ sinh thân thể, quần áo thoáng mát. Tránh dùng thức ăn đồ uống quá lạnh và sử dụng máy lạnh. Quạt hợp lý cũng giúp chống được nhiều bệnh tật cho trẻ em cũng như cho cả gia đình. Những bệnh nào đã có thuốc chủng ngừa thì nên dùng cho trẻ để chủ động phòng tránh trước.