TP.HCM phát sinh 6 điểm ùn tắc giao thông mới

(PLO)- Một số khu vực có chiều hướng gia tăng lượng phương tiện trở lại như khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, Cát Lái, Quốc lộ 1…
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Video: TP.HCM phát sinh 6 điểm ùn tắc giao thông mới

TP.HCM vẫn còn nhiều điểm đen về tai nạn giao thông, phát sinh một số khu vực ùn tắc mới. Đó là những thông tin đáng chú ý tại Hội nghị tổng kết công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông năm 2022 và triển khai thực hiện nhiệm vụ Năm an toàn giao thông 2023 tổ chức ngày 22-3. Một trong những giải pháp được đưa ra để hạn chế tình trạng trên là đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm.

Phát sinh điểm ùn tắc giao thông

Ông Nguyễn Thành Lợi, Phó Ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP, đánh giá trong năm 2022, TP đã tích cực ứng dụng công nghệ trong quản lý, điều hành hoạt động giao thông vận tải, xử lý vi phạm qua hình ảnh. Đặc biệt là việc dừng, đỗ sai quy định.

TP.HCM phát sinh điểm ùn tắc mới ở ngã tư Hàng Xanh. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

TP.HCM phát sinh điểm ùn tắc mới ở ngã tư Hàng Xanh. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

Ngoài ra, công tác duy tu, bảo dưỡng hệ thống giao thông đường bộ, các lĩnh vực cầu đường bộ, chiếu sáng công cộng, các dự án trọng điểm cũng được quan tâm đúng mức. Đặc biệt, việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật cũng được các đơn vị quan tâm, triển khai bằng nhiều hình thức.

Tuy nhiên, ông Lợi cho biết hiện TP vẫn còn bảy điểm đen về giao thông. Bao gồm các giao lộ Thoại Ngọc Hầu - Lũy Bán Bích (quận Tân Phú), Võ Trần Chí - Trần Văn Giàu (quận Bình Tân); các tuyến đường Ba Tháng Hai (quận 11), Võ Trần Chí - đường dẫn vào cao tốc Bình Thuận - Chợ Đệm, Quốc lộ 1K - đường số 8 (TP Thủ Đức); các cây cầu Thủ Thiêm 2 (TP Thủ Đức), Nguyễn Tri Phương (quận 5).

Về các điểm ùn tắc giao thông, TP có 18 điểm, đáng lưu ý là trong số này có sáu điểm ùn tắc mới phát sinh. Đó là ngã tư Hàng Xanh, các giao lộ Phạm Văn Đồng - Phan Văn Trị, Nguyễn Thái Sơn - Phạm Ngũ Lão, Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyện, Nguyễn Văn Linh - Phạm Hùng, cầu Xáng.

Ông Lợi thông tin thêm hiện nay số khu vực có chiều hướng gia tăng lưu lượng phương tiện trở lại như khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, Cát Lái, Quốc lộ 1, các cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, TP.HCM - Trung Lương...

Ngoài ra, trên địa bàn TP có một số dự án tạm ngưng thi công đã gây ùn ứ như cầu Tăng Long, cầu Nam Lý, Võ Văn Ngân, Lương Định Của (TP Thủ Đức)...

Đẩy nhanh các công trình trọng điểm

Một trong những giải pháp để kéo giảm ùn tắc, xóa các điểm đen về tai nạn giao thông theo cơ quan chức năng là cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giao thông trọng điểm.

Ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở GTVT, cho biết thời gian qua sở này đã triển khai ba đề án về phát triển giao thông trên địa bàn TP. Sở GTVT phối hợp với các địa phương đẩy nhanh các dự án trọng điểm, tham mưu trình UBND TP ban hành danh mục các dự án trọng điểm để cùng theo dõi và đánh giá.

Sở này cùng các đơn vị có liên quan cũng đã thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư các dự án liên vùng như các đường vành đai 2, 3, 4, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, cầu Cần Giờ, cầu Thủ Thiêm 4, cầu vượt Bình Tiên... Đặc biệt, dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 3 dự kiến sẽ khởi công trong tháng 6 tới.

Ông Bằng cho biết năm 2022, TP đã đưa vào sử dụng 15 dự án, gói thầu. Cùng với đó là khởi công 12 dự án lớn như đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, Quốc lộ 50, nút giao An Phú…

“Tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè diễn ra ở nhiều nơi gây mất trật tự giao thông, mỹ quan đô thị. Tình hình giao thông còn diễn biến phức tạp, số vụ, số người chết do tai nạn giao thông tiềm ẩn nguy cơ tăng cao.”

Ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM

“Tuy nhiên, tốc độ phát triển của kết cấu hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được nhu cầu giao thông hằng ngày. Nguyên nhân là do nguồn vốn còn hạn chế, nguồn vốn bố trí chỉ đạt được gần 20%, vướng giải phóng mặt bằng dẫn đến chậm tiến độ...” - ông Bằng nói.

Theo ông Bằng, năm 2023, TP sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm là các tuyến metro số 1, 2. Bên cạnh đó, đẩy nhanh công tác chuẩn bị của các dự án trọng điểm khác như cầu Cần Giờ, cầu Thủ Thiêm 4, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, cầu Bình Tiên, đường trên cao số 1, số 5…

Ngoài việc thúc đẩy tiến độ các dự án trọng điểm, ngành giao thông TP cũng thực hiện nhiều giải pháp khác để góp phần kéo giảm ùn tắc giao thông. Cụ thể như việc chuyển đổi số, mở rộng mạng lưới camera, hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân, phát triển vận tải hành khách công cộng, xử lý nạn xe dù, bến cóc...

Phó Chủ tịch UBND TP Bùi Xuân Cường đánh giá tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè diễn ra ở nhiều nơi gây mất trật tự, giao thông, mỹ quan đô thị. Tình hình giao thông còn diễn biến phức tạp, số vụ, số người chết do tai nạn giao thông tiềm ẩn nguy cơ tăng cao.

Ông Cường yêu cầu các đơn vị có liên quan phải tiếp tục bảo đảm trật tự an toàn giao thông, kéo giảm tai nạn và giảm ùn tắc giao thông. “Đây là một trong những nhiệm vụ tập trung ưu tiên trong các chương trình hành động, các nhiệm vụ, giải pháp triển khai trong năm 2023” - ông Cường nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch UBND TP chỉ đạo các đơn vị quán triệt đến 100% cán bộ, viên chức không điều khiển phương tiện giao thông sau khi đã uống rượu bia, không vi phạm liên quan đến rượu bia, chất kích thích, không can thiệp vào các vụ việc xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông của các lực lượng chức năng.

Ông Cường giao Công an TP theo dõi, ghi nhận tình hình này, nếu có vi phạm thì báo về cho cơ quan quản lý của các đối tượng này.•

Xử lý không có vùng cấm

Thượng tá Nguyễn Đình Dương, Trưởng phòng PC08, cho biết PC08 đã yêu cầu toàn bộ lực lượng tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các vi phạm giao thông.

Trong đó, PC08 chú trọng kiểm soát vi phạm nồng độ cồn, người dân đã uống rượu bia thì không điều khiển xe. Đặc biệt, CSGT xử lý không có vùng cấm, không có ngoại lệ đối với mọi trường hợp vi phạm giao thông.

Trường hợp cán bộ vi phạm có dấu hiệu cản trở xử phạt thì lực lượng CSGT sẽ gửi thông báo đến cơ quan nơi cán bộ này đang công tác.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm