TP.HCM: phát triển đồng bộ giao thông công cộng 10 năm tới

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp với kiểm soát xe cơ giới cá nhân trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2020-2030 (mới được TP phê duyệt), Sở GTVT TP.HCM đưa ra các nhóm chiến lược cho từng loại hình giao thông công cộng nhằm phát triển đồng bộ mạng lưới giao thông này.

 Tổng kinh phí thực hiện đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp với kiểm soát xe cơ giới cá nhân trên địa bàn TP giai đoạn 2020-2030 dự kiến gần 393.800 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước hơn 47.600 tỉ đồng, còn lại là các nguồn lực từ xã hội hóa hoặc vốn ODA.

Phát triển nhiều loại hình giao thông công cộng

Theo Sở GTVT TP.HCM, TP sẽ phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đến năm 2030 nhằm hình thành mạng lưới tuyến buýt hoạt động hiệu quả.

Cụ thể, từ nay đến năm 2025, TP phát triển bình quân 8-12 tuyến xe buýt/năm, nâng tổng số tuyến lên 172-192 tuyến với khoảng 2.800-3.100 xe. Giai đoạn 2026-2030, tối ưu hóa mạng lưới tuyến, phát triển mở mới bình quân 10-15 tuyến/năm; đến năm 2030 có 222-267 tuyến với 3.600-4.200 xe.

TP sẽ mở rộng mạng lưới tuyến xe buýt kết nối đến khu vực có nhu cầu đi lại lớn như khu đô thị mới Tây Bắc Củ Chi, Thủ Thiêm, Khu công nghiệp Hiệp Phước - Nhà Bè, Khu công nghệ cao - quận 9. Ngoài ra, tổ chức các tuyến buýt kết nối với cảng hàng không Tân Sơn Nhất đến các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu.

Trước mắt, năm 2022, TP sẽ thí điểm mở mới 3-5 tuyến vận tải cỡ nhỏ xe 12-17 chỗ, xe dưới 12 chỗ (mini-bus), số lượng 30-55 xe. Giai đoạn đến năm 2025, mở mới 10-12 tuyến với 100-130 xe.

Giai đoạn 2022-2025, hệ thống vé cho vận tải bằng xe buýt sẽ tích hợp khả năng thanh toán với hệ thống metro và một số loại hình vận tải hành khách công cộng khác.

Giai đoạn từ nay đến năm 2030, TP.HCM sẽ phát triển đồng bộ mạng lưới
xe buýt. Ảnh: LINH PHƯƠNG

Đáng chú ý, những năm tới, TP ưu tiên mạnh mẽ nguồn lực đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ, đưa vào khai thác ba tuyến metro số 1, 2, 5 (metro số 1 vào năm 2022; metro số 2 năm 2026; metro số 5 năm 2027) và hoàn thành 3-4 tuyến xe buýt nhanh BRT giai đoạn 2026-2030.

Về giao thông thủy, TP phát triển đa dạng hóa các loại hình vận tải thủy như taxi, buýt... để phục vụ vận tải hành khách đô thị và du lịch trên các tuyến sông như Vàm Thuật, Soài Rạp; kênh Tàu Hủ - Lò Gốm, kênh Đôi…

Ngoài những kế hoạch phát triển trên, TP.HCM cũng đầu tư các bến bãi xe buýt, phát triển các đầu mối trung chuyển xe buýt. Từ đó, tạo các điểm thu hút và hình thành các khu nhà chờ kết hợp bãi đỗ xe để kết nối vận tải hành khách công cộng với giao thông cá nhân. Cạnh đó, TP còn có kế hoạch đầu tư theo hình thức xã hội hóa hệ thống xe đạp công cộng, xe máy điện công cộng.

Xương sống giao thông công cộng vẫn nên là xe buýt

Theo Sở GTVT, đến năm 2030, mục tiêu của hệ thống vận tải hành khách đô thị phải đạt được 25,48% nhu cầu giao thông đô thị. Trong đó, việc lựa chọn xe buýt là phương thức vận tải chủ đạo giải quyết các vấn đề về giao thông đô thị đến năm 2030 là phương án phù hợp nhất.

Góp ý cho kế hoạch phát triển giao thông công cộng TP.HCM, PGS-TS Nguyễn Minh Hòa nhận định TP có gần chục triệu dân, nhu cầu đi lại rất lớn thì nên triển khai xe buýt mini cùng kết hợp gom khách đến các tuyến xe lớn trên 40 chỗ. Để giải được bài toán này, TP phải tính toán đến đồng bộ các tuyến xe buýt, không nên chạy rời rạc, người dân sẽ khó tiếp cận. TP cần quy định xe nào đường dài, xe nào đường trung và quy định điểm đậu cách xa nhau.

“Trong định hướng 10 năm TP phát triển xe buýt mini 17 chỗ là vẫn còn lớn, cần nghiên cứu đưa vào sử dụng xe khoảng 10 chỗ, thậm chí là 6-7 chỗ để có thể đi vào hầu hết các hẻm, đường nhỏ để đón khách. Ở Thái Lan, loại hình này phát triển rất hiệu quả như xe tuk tuk, có thể đảm nhận 60% nhu cầu sử dụng xe công cộng” - PGS-TS Nguyễn Minh Hòa góp ý.

TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM, cho rằng việc phát triển giao thông công cộng từ nay đến năm 2030 TP vẫn nên lấy xương sống là hệ thống xe buýt. Tuy nhiên, TP.HCM phần lớn có cấu trúc đường hẻm, không phù hợp cho giao thông công cộng mà phù hợp với xe máy.

“Do đó, TP phải thay đổi thiết kế đô thị, không gian đô thị như phải có đường đi bộ, đi xe đạp thì mới phát huy được hiệu quả giao thông công cộng. Một trong những giải pháp quan trọng để phát triển giao thông công cộng là quan tâm đến mối quan hệ giữa giao thông, nhu cầu đi lại và quy hoạch không gian, sử dụng đất” - ông Cương góp ý.

Ông Cương nhận định sau khi các dự án metro hoàn thành, đưa vào sử dụng thì hệ thống xe buýt sẽ đóng vai trò là trục kết nối với các phương tiện vận tải này. Do đó, nếu TP.HCM không phát triển được giao thông công cộng, không giải tỏa được ùn tắc, kẹt xe thì không thể phát triển thành hình mẫu đô thị.•

 

Kinh nghiệm từ Singapore

Từ năm 2002, Singapore đã đầu tư vào hệ thống giao thông công cộng hơn 17 tỉ đô la Singapore. Chính phủ nước này đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng như đường hầm tàu điện ngầm, các ga đường sắt, hệ thống báo hiệu tàu hỏa, trạm xe buýt…

Chính phủ Singapore cũng đưa ra nhiều kế hoạch trợ giá vé cho học sinh, sinh viên, người dân có thu nhập thấp, người khuyết tật…, đồng thời cũng có các biện pháp giúp họ thích nghi với việc tăng giá vé.

Sự hỗ trợ về mặt tài chính của nước này đã góp phần giữ mức giá vé giao thông công cộng ở mức chấp nhận được. Các công ty khai thác vận tải công cộng chịu chi phí hoạt động trong việc vận hành hệ thống và những chi phí này được thu hồi chủ yếu từ việc bán vé.

Nhờ đó, hệ thống vận tải hành khách công cộng đã đóng vai trò chủ đạo trong hệ thống giao thông đô thị của Singapore. Cụ thể, đường sắt đô thị đảm nhận 3,4 triệu chuyến đi/ngày đêm; xe buýt đảm nhận 4,3 triệu chuyến đi/ngày đêm, đảm nhận 52% nhu cầu về giao thông đô thị.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm