TP.HCM quyết tâm đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học

(PLO)- TP.HCM đang từng bước triển khai các giải pháp để đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 11-10, Sở GD&ĐT TP.HCM phối hợp với tổ chức giáo dục EMG Education tổ chức Hội thảo "Một số giải pháp đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học tại Việt Nam".

4 giải pháp

Theo Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu, kết luận số 91 của Bộ Chính trị đã chỉ đạo rõ việc đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học ở Việt Nam. Đây là một mục tiêu quan trọng, mang tính chiến lược, góp phần tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ hội nhập.

Tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học
Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM phát biểu tại hội thảo về một số giải pháp đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai sáng nay. Ảnh: SỞ GD&ĐT

Cũng theo ông Hiếu, trên thế giới, nhiều quốc gia đã và đang triển khai thành công mô hình giáo dục song ngữ, đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học. Các quốc gia này đã đạt được những thành tựu đáng kể trong việc nâng cao năng lực tiếng Anh cho học sinh, sinh viên, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập, nghiên cứu, làm việc và hội nhập quốc tế.

Từ kinh nghiệm của quốc tế, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM cho rằng có 4 giải pháp để đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học, đó là:

- Xây dựng môi trường học tập và sử dụng tiếng Anh thuận lợi, khuyến khích học sinh sử dụng tiếng Anh trong giao tiếp hàng ngày.

- Trường học đổi mới phương pháp dạy và học tiếng Anh, chú trọng phát triển năng lực giao tiếp, ứng dụng tiếng Anh trong thực tế.

- Ngoài ra, các đơn vị nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên tiếng Anh, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên các môn học có trình độ tiếng Anh đáp ứng yêu cầu dạy học trong môi trường hội nhập quốc tế.

DSC_6267.jpg
Toàn cảnh hội thảo về một số giải pháp đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai sáng nay. ẢNH: SỞ GD&ĐT

- Đặc biệt, ngành GD&ĐT tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục tiếng Anh, học tập kinh nghiệm tiên tiến từ các nước đã thực hiện thành công trong việc phát triển các chương trình giảng dạy tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai trong trường học và các nước có nền giáo dục phát triển.

Trong nhiều năm qua, TP.HCM đã và đang thực hiện nhiều chương trình, đề án mang tính đột phá như chương trình tăng cường tiếng Anh; chương trình Dạy và học Toán, Khoa học và Tiếng Anh tích hợp chương trình Anh và Việt Nam thuộc Đề án 5695; mô hình trường chất lượng cao Trường tiên tiến, hội nhập quốc tế.

Kết quả khả quan của Đề án 5695 cho thấy TP.HCM có thể triển khai thực hiện đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học theo cấp độ cao nhất của mô hình trên (triển khai một cách toàn diện) ở một số trường.

TP.HCM là đầu tàu dẫn dắt dạy và học tiếng Anh hiệu quả

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết Bộ GD&ĐT sẽ tham mưu cho Chính phủ sớm ban hành một đề án mang tầm quốc gia về đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học.

Trong đó sẽ có các giải pháp về nguồn lực, cơ chế chính sách, đào tạo bồi dưỡng giáo viên, tạo cơ hội cho giáo viên bản ngữ hợp tác, làm việc tại Việt Nam,...

tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại hội thảo. Ảnh: SỞ GD&ĐT

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết kinh nghiệm thực tiễn của TP.HCM về thực hiện Đề án 5695 của UBND TP.HCM cho thấy cần có một chiến lược, một kế hoạch cụ thể…

Chúng ta cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó xác định các giải pháp trước mắt, lâu dài và đột phá; khuyến khích các địa phương có đủ điều kiện như TP.HCM sẽ là đầu tàu dẫn dắt, định hướng việc dạy và học tiếng Anh hiệu quả.

"Đây là hội thảo quy mô đầu tiên được tổ chức kể từ khi có kết luận 91 của Bộ Chính Trị. Điều này cho thấy quyết tâm của TP.HCM trong việc tiên phong đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học" - ông Thưởng khẳng định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm