TP.HCM rà soát, hệ thống hóa 2.635 văn bản quy phạm pháp luật

(PLO)- Dù gặp không ít khó khăn tuy nhiên TP.HCM đã thực hiện rà soát, hệ thống hóa 2.635 văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND các cấp trên địa bàn TP.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Nam

Ngày 5-11, tại Hội nghị tổng kết nhiệm vụ hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trong cả nước kỳ 2019-2023 và công bố Bộ pháp điển Việt Nam, bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM cho biết TP.HCM rà soát, hệ thống hóa 2.635 văn bản quy phạm pháp luật.

Công tác hệ thống hóa văn bản pháp luật được thực hiện 5 năm một lần. Tại TP.HCM, Sở Tư pháp đã thực hiện hướng dẫn, đôn đốc, trao đổi với các đơn vị nhằm đảm bảo công tác hệ thống hóa được chính xác, đầy đủ, đúng nội dung yêu cầu và thời hạn thực hiện.

Hệ thống hóa.jpg
Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM

Với sự hỗ trợ của Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Sở Tư pháp TP đã tổ chức tập huấn về công tác rà soát, hệ thống hóa. Qua đó, cán bộ, công chức của TP được nâng cao kỹ năng thực hiện công tác rà soát, hệ thống hóa, góp phần lớn vào việc hoàn thành nhiệm vụ.

Sở Tư pháp tham mưu cho Chủ tịch UBND TP.HCM ban hành quyết định công bố kết quả hệ thống hóa văn bản với 1.178 văn bản thuộc đối tượng hệ thống hóa được phân vào 4 danh mục gồm: văn bản còn hiệu lực (868 văn bản); văn bản cần đình chỉ thi hành, ngưng hiệu lực, sửa đổi bổ sung, thay thế, bãi bỏ (190 văn bản); văn bản hết hiệu lực, ngưng hiệu lực toàn bộ (310 văn bản), văn bản hết hiệu lực, ngưng hiệu lực một phần (96 văn bản).

UBND Thủ Đức và UBND 21 quận, huyện cũng đã công bố kết quả hệ thống hóa với 1.319 văn bản. UBND 312 phường, xã, thị trấn trên địa bàn TP.HCM công bố kết quả hệ thống hóa với 138 văn bản được phân theo 4 danh mục như trên.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, với số lượng 2.635 văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND các cấp trên địa bàn TP, việc rà soát, hệ thống hóa gặp không ít khó khăn vì số lượng văn bản lớn.

Tuy nhiên, trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ, các địa phương trong đó có TP.HCM kịp thời chuẩn bị nguồn lực, bố trí kinh phí và các điều kiện khác để triển khai công tác hệ thống hóa. Cùng với đó, việc triển khai công tác cũng có sự quan tâm, chỉ đạo của Bộ Tư pháp, UBND TP.HCM, Chủ tịch UBND các cấp.

Việc UBND TP giao trách nhiệm cho Sở Tư pháp là cơ quan đầu mối giúp cho việc hướng dẫn được thống nhất, kịp thời, đảm bảo nội dung và thời hạn quy định. Nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện đều được tổng hợp đầy đủ để hướng dẫn kịp thời cho các cơ quan, đơn vị thực hiện thống nhất, đồng bộ.

Thông tin thêm, Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM cho biết do các văn bản quy phạm pháp luật của TP thuộc nhiều lĩnh vực, nhiều ngành nên cần sự phối hợp chặt chẽ, đầy đủ của các sở, ban, ngành và phòng tư pháp các quận, huyện. Trên cơ sở phối hợp với các đơn vị, việc hệ thống hóa được đầy đủ, kịp thời và báo cáo kết quả thực hiện gửi cho Bộ Tư pháp.

Về các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác hệ thống hóa cho các kỳ tiếp theo, bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh đề nghị quan tâm đến nguồn lực để đảm bảo cơ chế cho cán bộ tham gia.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm