Khu Quản lý Giao thông đô thị số 1 (thuộc Sở GTVT TP.HCM) đang chuẩn bị khởi công dự án nâng cấp, cải tạo đường Nguyễn Huệ. Trong giai đoạn đầu, đoạn từ Lê Thánh Tôn đến vòng xoay Cây Liễu sẽ được điều chỉnh cốt nền, lát lại nền, trồng cây xanh… và tạm cho các phương tiện lưu thông bình thường.
Kết nối với ga ngầm metro
Tiếp đó, dự kiến trong tháng 9-2014 khu sẽ khởi công đoạn từ vòng xoay Cây Liễu đến đường Tôn Đức Thắng (Công viên Bạch Đằng). Khi hoàn thành, vỉa hè hai bên đường Nguyễn Huệ được mở rộng, hệ thống cáp điện, viễn thông được hạ ngầm; một số loại cây xanh đặc trưng của vùng bản địa được trồng hai bên đường và hệ thống chiếu sáng (gồm chiếu sáng công cộng và chiếu sáng nghệ thuật) được tổ chức lại.
Theo Sở GTVT, dự án sẽ mở rộng đường Nguyễn Huệ lên thành 64 m, có quảng trường ở giữa cùng nhiều hạng mục văn hóa, nghệ thuật phục vụ người đi bộ. Lúc này, phố đi bộ Nguyễn Huệ sẽ trở thành một không gian du lịch, vui chơi, giải trí, mua sắm hiện đại.
Năm nay, đường hoa sẽ được tổ chức trên đường Hàm Nghi để cải tạo đường Nguyễn Huệ thành phố đi bộ. Ảnh: HTD
Để phục vụ người đi bộ, Sở GTVT dự kiến bố trí hai làn đường cho vận tải hành khách công cộng (gần như trùng với hai làn xe hỗn hợp chạy hai chiều như hiện hữu - NV). Tuy nhiên, giai đoạn trước mắt vẫn chưa cấm hoàn toàn xe cá nhân lưu thông vào đường Nguyễn Huệ mà sẽ cấm tùy vào thời điểm. Khi người dân đã hình thành thói quen đi bộ, TP mới chuyển hoàn toàn tuyến đường này thành phố đi bộ.
Theo dự kiến, phố đi bộ Nguyễn Huệ cũng sẽ kết nối liên hoàn với khu vực ẩm thực chợ Bến Thành và khu vực mua sắm đường Đồng Khởi cũng như các trung tâm thương mại lân cận. Cuối tuyến phố đi bộ là khu vực công viên bờ sông Sài Gòn (bến Bạch Đằng).
“Đặc biệt, phố đi bộ Nguyễn Huệ sẽ được kết nối với nhà ga Nhà hát TP của tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên vừa được khởi công tại vòng xoay Cây Liễu về phía đường Lê Lợi” - đại diện Sở GTVT cho hay.
Lập mạng lưới phố đi bộ
Liên quan đến việc thành lập phố đi bộ, kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu Trường ĐH Bách khoa TP.HCM cho thấy: Trong 20 tuyến đường có khả năng lập phố đi bộ thì Nguyễn Huệ, Đồng Khởi, Lê Lợi là những tuyến đường dễ kết nối nhất để xây dựng thành mạng lưới đi bộ.
“Ngoài ra, khu vực nhà thờ Đức Bà dọc đường Lê Duẩn còn là nơi có tiềm năng để phát triển thành phố đi bộ vì khu vực này có nhiều công trình kiến trúc, văn hóa phục vụ người dân, đồng thời còn kết nối dễ dàng qua đường Đồng Khởi” - TS Văn Hồng Tấn, Trưởng nhóm nghiên cứu, cho hay.
Kết quả nghiên cứu trên khá phù hợp với đồ án quy hoạch phân khu (quy hoạch chi tiết 1/2.000) khu trung tâm hiện hữu TP.HCM vừa được công bố. Theo đó, TP.HCM xác định tổ chức đường Lê Lợi và đường Nguyễn Huệ thành phố thương mại, tạo thành một trục đi bộ từ khu Ba Son đến quảng trường trước chợ Bến Thành và Công viên 23-9. Tương tự, tuyến đường Đồng Khởi và một phần đường Huỳnh Thúc Kháng (đoạn giữa Nam Kỳ Khởi Nghĩa và Hàm Nghi) cũng được xác định sẽ hình thành phố đi bộ.
“Sau khi cải tạo đường Nguyễn Huệ thành tuyến phố đi bộ, TP nên mở tiếp phố đi bộ Đồng Khởi, sau đó lan ra Lê Lợi, Tôn Đức Thắng” - TS Tấn đề xuất tiến độ thực hiện.
MINH PHONG
Cấm xe cá nhân Theo quy hoạch, ở khu lõi trung tâm được giới hạn bởi các đường Tôn Đức Thắng, Lê Lai, Lê Thánh Tôn, Phạm Ngũ Lão và Hàm Nghi sẽ tập trung các công trình có chức năng thương mại, tài chính. Khu vực này sẽ được bố trí dành riêng cho người đi bộ sau khi xây các tuyến đường ngầm cho phương tiện lưu thông. Ở các khu vực lập phố đi bộ, TP.HCM sẽ từng bước hạn chế tiến tới cấm xe cá nhân và chỉ cho phép phương tiện công cộng phục vụ giao thông chuyển tiếp và người đi bộ. Theo Sở GTVT, trước mắt có thể tổ chức các khu vực dành riêng cho người đi bộ vào các ngày cuối tuần, ngày lễ. Khi người dân đã hình thành thói quen đi bộ, lúc đó sẽ chuyển hẳn thành phố đi bộ. |