TP.HCM sẽ chi 1.600 tỉ làm dự án 1A của vành đai 3

UBND TP.HCM vừa có văn bản gửi Bộ KH&ĐT để tổng hợp, thẩm định các vấn đề liên quan đến chi phí giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án 1A (đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch) của đường vành đai 3 qua TP.HCM.

Điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án

Cụ thể, Sở KH&ĐT TP.HCM cho biết tổng mức đầu tư đoạn 1A được điều chỉnh từ 5.329 tỉ lên 6.955 tỉ đồng (tăng hơn 1.600 tỉ đồng). Nguyên nhân dự án phải điều chỉnh mức vốn đầu tư là do chi phí GPMB tăng, từ hơn 624 tỉ lên 2.250 tỉ đồng. Theo đó, dự án sẽ điều chỉnh tăng nguồn vốn đối ứng từ 1.149 tỉ lên 2.779 tỉ đồng.

Về vấn đề này, Sở GTVT TP.HCM cũng cho biết nội dung điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án thành phần 1A của đường vành đai 3 liên quan đến việc tăng tổng mức đầu tư, cơ cấu nguồn vốn và chi phí GPMB.

Sở GTVT cũng cho rằng việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án thành phần 1A của đường vành đai 3 là cần thiết để triển khai các công việc tiếp theo và phù hợp với đề nghị của UBND TP.HCM.

Dự án thành phần 1A (Tân Vạn - Nhơn Trạch), vành đai 3 sẽ tiếp nối đoạn Mỹ Phước - Tân Vạn qua Bình Dương (đang khai thác). Ảnh: VÕ NGUYÊN

Liên quan đến vấn đề điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án thành phần 1A, Sở KH&ĐT cho biết dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư. Nay Sở GTVT chỉ đề nghị điều chỉnh nội dung liên quan đến tổng mức đầu tư và cơ cấu nguồn vốn đầu tư.

Do đó, Sở KH&ĐT kiến nghị UBND TP.HCM có ý kiến gửi Bộ KH&ĐT về các nội dung liên quan đến nguồn vốn và khả năng cân đối vốn của TP cho công tác bồi thường GPMB dự án.

Dự án sẽ khởi công vào năm 2022

Quyết tâm thúc đẩy đầu tư dự án thành phần 1A, UBND TP.HCM đã có văn bản gửi Bộ KH&ĐT. Theo đó, TP.HCM sẽ bố trí khoảng 1.600 tỉ đồng chi phí GPMB cho dự án để chuẩn bị khởi công vào năm 2022. UBND TP cũng đã có văn bản gửi Bộ GTVT về nội dung này.

Đồng thời, tại kỳ họp thứ ba, HĐND TP.HCM đã quyết định thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 bằng nguồn vốn ngân sách của TP. Trong đó, TP đã dự kiến bố trí đủ vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025 để thực hiện công tác bồi thường GPMB cho dự án thành phần 1A của đường vành đai 3 (khoảng 1.600 tỉ đồng).

Ban quản lý dự án Mỹ Thuận (thuộc Bộ GTVT) thông tin thêm hồ sơ thiết kế dự án đã được phê duyệt và đang chờ nhà tài trợ xem xét. Dự kiến dự án sẽ khởi công vào quý I-2022.

Kỳ vọng vào dự án vành đai 3 đoạn qua TP.HCM, Sở GTVT TP.HCM cho biết đây là dự án có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tạo điều kiện phát triển dịch vụ vận tải liên vùng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của TP nói riêng và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung.

Hiện nay, Chính phủ, Bộ GTVT và UBND TP đang chỉ đạo đẩy nhanh thực hiện các công việc liên quan để sớm đầu tư xây dựng đường vành đai 3 qua TP.HCM, trong đó có dự án thành phần 1A. Do đó, Sở GTVT đề nghị Sở KH&ĐT rà soát nguồn vốn ngân sách TP, đề xuất UBND TP.HCM ưu tiên bố trí vốn cho công tác bồi thường GPMB của dự án thành phần 1A, đảm bảo tiến độ thực hiện dự án theo chỉ đạo của Chính phủ.

Ngày 19-12, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia quy hoạch đô thị, nhấn mạnh TP.HCM và các địa phương lân cận cần sớm khép kín vành đai 3, vành đai 2 và các tuyến cao tốc liên vùng.

Theo ông Sơn, hiện nay quy hoạch các dự án đã có, song khó khăn gặp phải là nguồn vốn và vấn đề GPMB. Các khó khăn này phải được sớm gỡ vướng, bởi nếu chúng ta tiếp tục chậm trễ thì dự án tiếp tục đội vốn. Việc phải điều chỉnh nguồn vốn dự án vành đai 3 qua TP.HCM lên hơn 1.600 tỉ đồng như vừa qua là một ví dụ điển hình.

Chính vì vậy, ông Sơn cho rằng ngay từ bây giờ, Nhà nước cần huy động từ nguồn xã hội hóa để sớm khép kín đường vành đai 3 TP.HCM thay vì cứ trông chờ vào ngân sách từ trung ương. Đồng thời, chúng ta cũng cần tập trung có trọng điểm, tránh dàn trải mà không mang lại hiệu quả.

 “Nếu các dự án vành đai tiếp tục chậm trễ thì sẽ gây tổn thất về kinh tế, kìm hãm sự phát triển cho các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam” - ông Sơn nhấn mạnh.•

Vành đai 3 đội vốn sau nhiều năm trễ hẹn

 Tại thời điểm năm 2016, kinh phí đầu tư cho dự án 1A, thuộc đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch của đường vành đai 3 là hơn 5.300 tỉ đồng từ vốn vay ODA Hàn Quốc và vốn đối ứng của Việt Nam.

Phần GPMB tách thành dự án riêng do Đồng Nai và TP Thủ Đức thực hiện. Lúc này, chi phí GPMB của TP.HCM chỉ gần 149 tỉ đồng và Đồng Nai gần 476 tỉ đồng. Sau khi cập nhật, phía TP.HCM tăng lên gần 1.600 tỉ đồng và Đồng Nai khoảng 651 tỉ đồng.

Những đoạn còn lại của dự án đường vành đai 3 hiện được ngành giao thông nghiên cứu đầu tư giai đoạn 1 với tổng vốn hơn 83.000 tỉ đồng.

Do khó khăn nguồn vốn, vừa qua cả bốn địa phương là TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An cùng kiến nghị trung ương bố trí ngân sách từ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội để đầu tư dự án.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm