Tại buổi gặp gỡ nhiều DN nước ngoài đã nêu lên những khó khăn vướng mắc trong quá trình đầu tư tại Việt Nam và đề xuất về giải pháp hỗ trợ DN, tăng thu hút đầu tư cho TP.HCM.
đang trao đổi với đại diện các DN tại buổi gặp gỡ
Ông Herb Cochran, Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (Amcham) cho biết, Luật di trú của Việt Nam (VN) thay đổi từ 6-2014 quy định công dân Mỹ đến VN trong mỗi chuyến thăm ngắn hạn dù công việc hay công tác chỉ được cấp phép ba tháng. Dựa trên quan hệ có đi có lại, phía Mỹ cũng sẽ chỉ cấp Visa cho công dân VN ba tháng thay vì một năm như hiện nay. Điều này sẽ tác động tiêu cực lên đầu tư của Mỹ vào VN. Mỹ và Trung Quốc cấp tới 10 năm cho cả công dân hai quốc gia có hạn trong nhiều lần. Tạo thông thoáng đi lại cho công dân hai bên.
Ngoài ra, nhiều DN Mỹ vẫn gặp khó chưa nhận được được khoản tiền được hoàn thuế giá trị gia tăng.
Theo ông Võ Quang Huệ, đại diện phòng thương mại Châu Âu, việc cải thiện cơ sở hạ tầng tại TP.HCM là một nhiệm vụ cấp bách trong vấn đề thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Thông tin với các DN nước ngoài tại buổi gặp, ông Vũ Văn Hòa, Trưởng ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất tại TP.HCM, cho biết trong năm 2015, đối với lĩnh vực đầu tư, đối với dự án không phải thẩm tra Bộ, ngành Trung ương, sẽ giảm 50% thời gian giải quyết hồ sơ; dự án phải thẩm tra sẽ giảm 40% thời gian giải quyết. Trong lĩnh vực xây dựng, môi trường sẽ giảm thời gian giải quyết hồ sơ, cấp giấy phép từ 30-40%, số ngày làm việc cũng được rút ngắn.
Ông Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM cho biết, TP dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Tính đến 31-12-2014, trên địa bàn Thành phố có 5.310 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư kể cả cấp mới và tăng vốn là 36,3 tỉ USD. Hiện nay có khoảng 550.000 người làm việc trong các doanh nghiệp FDI. Như vậy các doanh nghiệp FDI đã tạo ra khoảng 22,5% chỗ làm cho lực lượng lao động tại Thành phố, góp phần không nhỏ vào việc tạo công ăn việc làm, nâng cao mức sống của người dân.
Khối doanh nghiệp FDI cũng là khu vực có đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước. Năm 2014, ước tính các doanh nghiệp trong khối này đã nộp ngân sách gần 1,74 tỉ USD, tăng 22,9% so với cùng kỳ, cao hơn mức đóng góp của khối doanh nghiệp nhà nước) và khối doanh nghiệp tư nhân. Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi số lượng doanh nghiệp FDI chỉ chiếm 2% tổng số doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế của Thành phố (khoảng gần 5000 doanh nghiệp FDI trong tổng số hơn 238.000 doanh nghiệp).
“TP.HCM mong muốn các doanh nghiệp tiếp tục nỗ lực hơn nữa để khắc phục các khó khăn, nâng cao năng lực, chất lượng và hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo sự phát triển cho doanh nghiệp, đồng thời tiếp tục đồng hành cùng Thành phố trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế Thành phố. Trong quá trình hoạt động, trường hợp gặp khó khăn, vướng mắc, tôi rất mong quý doanh nghiệp có phản hồi ngay đến lãnh đạo Thành phố, các sở ngành có liên quan kịp thời có biện pháp tháo gỡ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động ổn định” - Bí thư Lê Thanh Hải nói.