“Trong bối cảnh hạ tầng giao thông của TP đang trong quá trình đầu tư mà tốc độ gia tăng dân số và phương tiện giao thông cá nhân như hiện nay thì hạ tầng sẽ không đáp ứng nổi. Do đó, Sở GTVT đang soạn thảo đề án kiểm soát xe cá nhân và phát triển phương tiện giao thông công cộng”.
Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết như trên tại cuộc họp kinh tế-xã hội TP.HCM tháng 4 và bốn tháng đầu năm 2017, ngày 27-4.
TP mong người dân chia sẻ
Giám đốc Sở GTVT cho biết TP đang quản lý hơn tám triệu phương tiện giao thông, trong đó có hơn bảy triệu xe máy. Hiện nay mỗi ngày TP có 169 ô tô và hơn 800 xe máy đăng ký mới. Ông Cường cho rằng với đà này, nếu không nhanh chóng phát triển phương tiện vận tải công cộng và có giải pháp kiểm soát xe máy thì tình hình giao thông tại TP tới đây sẽ rất đáng lo ngại.
“Vừa rồi Sở GTVT phối hợp với Hội Liên hiệp khoa học kỹ thuật TP.HCM tổ chức hội thảo kiểm soát nhu cầu sử dụng xe cá nhân trên địa bàn TP và đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp. Hiện nay, TP cũng đã giao cho chúng tôi chủ trì soạn thảo đề án phát triển phương tiện vận tải công cộng và kiểm soát xe cá nhân. Dự kiến sau khi nghiên cứu và tham khảo ý kiến từ các nhà khoa học, các cấp, các ngành và người dân, chúng tôi sẽ trình UBND TP xem xét” - ông Cường cho hay.
Theo Chánh Văn phòng UBND TP Võ Văn Hoan - người phát ngôn của UBND TP, việc kiểm soát xe máy phải có lộ trình và có thời gian cho cả người dân cũng như cơ quan quản lý nhà nước chuẩn bị.
“Đây là vấn đề phải có sự tham gia của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân chứ không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước. Do đó khi thực thi chính sách này, người dân cũng cần phải chia sẻ với chính quyền TP. Đã đến lúc chúng ta thấm thía bài học về ùn tắc giao thông, 10 năm trước vấn đề này đã từng được đặt ra, đến giờ này đã thấy được sự ảnh hưởng như thế nào” - ông Hoan nói.
Nếu không nhanh chóng phát triển phương tiện vận tải công cộng và có giải pháp kiểm soát xe máy thì tình hình giao thông tại TP tới đây sẽ rất đáng lo ngại. Ảnh: HTD
Vỉa hè đang bị tái chiếm
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Trưởng ban An toàn giao thông TP, cho biết sau một thời gian toàn TP quyết liệt ra quân tổ chức lại vỉa hè, các tuyến đường trên địa bàn TP đã thông thoáng hơn. Tuy nhiên, đến thời điểm này đã có dấu hiệu chững lại. “Một số địa phương như quận 1, Củ Chi, Bình Tân, quận 12 duy trì khá tốt, còn các quận khác vỉa hè đang bị tái chiếm” - ông Tường cho hay.
Ông Tường cũng cho biết TP đang thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra, giám sát về công tác lập lại trật tự vỉa hè, lòng, lề đường cũng như việc duy trì các kết quả đã đạt được. Đồng thời, Ban cũng đang lên kế hoạch vận động người dân đi bộ trên vỉa hè hoặc các hình thức tổ chức lại vỉa hè để tránh bị tái chiếm. “TP phải khen thưởng cũng như phê bình, kiểm điểm trách nhiệm các địa phương làm tốt hoặc chưa tốt thì tình hình mới chuyển biến tốt được” - ông Tường kiến nghị.
Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong khẳng định TP sẽ rất kiên trì và quyết liệt để không xảy ra hiện tượng tái chiếm vỉa hè.
“Việc tổ chức cho người dân buôn bán ở vỉa hè hay chợ phiên tại sao chỉ có quận 1 làm? Các quận khác không có nhu cầu hay sao? Có phải quận 1 là trung tâm nên mới có tình trạng buôn bán hàng rong lấn chiếm vỉa hè, còn các quận khác thì không?” - ông Phong đặt câu hỏi và cho biết TP sẽ có cuộc họp với 24 quận, huyện để nghe lại vấn đề này nhằm có giải pháp chấn chỉnh trong tháng tới.
Không để xảy ra sự việc như Đồng Tâm
Tại buổi họp báo, khi được đề nghị cho biết quan điểm của TP đối với các vụ khiếu kiện kéo dài về đất đai tại đây nhìn từ sự việc tại xã Đồng Tâm (Mỹ Đức, Hà Nội), ông Võ Văn Hoan nhận định rằng “đó là bài học không chỉ của Hà Nội mà còn cả của TP.HCM”.
Ông Hoan cho biết TP đang diễn ra quá trình đô thị hóa rất nhanh, do đó số lượng các công trình, dự án rất nhiều và với quy mô lớn, vì thế đã ảnh hưởng đến số đông người dân. “Trong 10 năm qua, riêng dự án cải tạo các con kênh đã khiến hàng ngàn người bị ảnh hưởng trực tiếp, chưa kể gián tiếp. Nhưng có thể khẳng định là từ trước đến nay TP chưa từng xảy ra sự việc tương tự ở Đồng Tâm và dứt khoát là không thể để xảy ra sự việc như vậy” - ông Hoan khẳng định.
Theo ông Hoan, TP giải quyết vấn đề không phải bằng mệnh lệnh hành chính mà nền tảng là xây dựng được cơ chế, chính sách hợp lý để giải quyết cho người dân. Thực tế cho thấy trong quá trình thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, rất nhiều người ủng hộ, đã có không ít người dân đổi đời và đa số có cuộc sống tốt hơn.
Ông Hoan cho biết kinh nghiệm của TP là giải quyết công khai, có tình có lý, đồng thời vận dụng chính sách có lợi nhất cho người dân. Tất nhiên là ở TP cũng không tránh khỏi tình trạng khiếu kiện nhưng đa phần chỉ xoay quanh vấn đề thủ tục pháp lý. “Chính quyền phải có tinh thần lắng nghe, chia sẻ để đạt được sự thống nhất với người dân. Khi số đông ủng hộ rồi thì chúng ta tìm các giải pháp tiếp theo để thuyết phục” - ông Hoan chia sẻ.
Vì sao đề nghị xem xét các ca khúc trước năm 1975? Tại buổi họp báo, ông Trần Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP, cho biết sở này có văn bản gửi Cục Nghệ thuật biểu diễn đề nghị xem xét lại nội dung chứ không đề xuất ngưng phổ biến các ca khúc trước năm 1975. Theo Sở, các ca khúc Cánh thiệp đầu xuân, Hoa trinh nữ, Con đường xưa em đi… khi phát hành đã nhận rất nhiều ý kiến phản hồi bày tỏ không đồng tình nên Sở đã đề xuất Cục xem xét lại. Liên quan đến việc này, ông Võ Văn Hoan, Chánh Văn phòng UBND TP, nhìn nhận Sở Văn hóa và Thể thao đã không làm hết trách nhiệm. “Đáng lý khi có sự việc như vậy thì Sở phải thông tin chứ không thể im im như vậy được. Khi kiến nghị với Cục thì đã vội thông báo cho các nhà xuất bản, những người sản xuất chương trình để tạm ngưng. Nhưng khi Bộ đã có ý kiến rõ như vậy, người ta hỏi lại thì không trả lời” - ông Hoan nói. Báo cáo tình hình kinh tế bốn tháng đầu năm 2017, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Hoàng Minh cho biết kinh tế TP tiếp tục tăng trưởng. Về thu ngân sách nhà nước, bốn tháng đầu năm ước thực hiện 124.427 tỉ đồng, đạt gần 36% dự toán, tăng hơn 22% so cùng kỳ. |