“Xe máy là kẻ chiếm đường của TP. Do đó không nên xem xe máy là phương tiện giao thông nữa, cần loại ra khỏi “danh bộ” các loại xe được chạy trên đường. Chúng ta đừng nói bằng mỹ từ kiểm soát xe máy nữa mà phải nói thẳng là cấm. Cấm. Cấm hẳn. Đừng sợ”.
PGS-TS Phạm Xuân Mai, nguyên Trưởng khoa Kỹ thuật giao thông, ĐH Bách khoa TP.HCM, nhấn mạnh như trên tại hội thảo “Kiểm soát nhu cầu sử dụng xe cá nhân trên địa bàn TP.HCM - Thực trạng và giải pháp” diễn ra sáng 20-4.
Xe máy là thủ phạm gây kẹt đường?
PGS-TS Phạm Xuân Mai nói thêm: “Thủ phạm chính gây ra tắc nghẽn giao thông là xe máy. Xe buýt cũng không thể hoạt động được là do xe máy quá đông đúc. Cạnh đó, xe máy hoạt động rất cá nhân, nghĩa là không tuân theo luật giao thông và hành xử y như một con ngựa sắt chạy rông”.
Tuy nhiên, PGS-TS Mai cũng nhìn nhận muốn cấm xe máy trước tiên phải phát triển xe buýt, bởi không thể hạn chế xe máy nếu người dân không có phương tiện để thay thế.
Theo nhận xét của đại diện Sở GTVT TP.HCM và PGS-TS Phạm Xuân Mai, hiện xe máy đang bùng phát mạnh về số lượng với gần 7,4 triệu chiếc. Xe máy đang xung đột sâu sắc với xe buýt. PGS-TS Phạm Xuân Mai cho hay lòng, lề đường đến vỉa hè của TP bị chiếm dụng tới 93% bởi xe máy.
PGS-TS Phạm Xuân Mai đề xuất cấm xe máy để hạn chế kẹt xe. Ảnh: LĐ
Hạn chế chứ không cấm
Ngược lại, ThS Lê Trung Tính, nguyên Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ, Sở GTVT, khẳng định không thể cấm xe máy.
Theo ông Tính, trong điều kiện hiện nay và tương lai, xe máy sẽ tiếp tục mang lại lợi ích kinh tế-xã hội cho từng cá nhân, cộng đồng. Điều đó càng thể hiện rõ trong bối cảnh xe buýt chưa phát triển như mong muốn; metro chưa hình thành hệ thống; BRT, tramway mới ở dạng dự án, ý tưởng…
ThS Tính cho rằng: “Để hạn chế xe máy, nên áp dụng các biện pháp kinh tế, tổ chức giao thông, kỹ thuật là chính. Ví dụ, nên áp dụng cho xe máy đi vào các tuyến đường theo ngày chẵn lẻ; theo biển số chẵn lẻ; thu phí xe cá nhân, xe máy vào các khu vực thường kẹt xe, khu vực trung tâm TP; thu phí đỗ xe thật cao ở khu vực trung tâm…”.
“Song song với hạn chế xe máy, xe cá nhân thì phải phát triển các loại hình vận tải hành khách công cộng. Thậm chí các loại hình này phải đi trước một bước rồi mới hạn chế xe máy, xe cá nhân… Cạnh đó, từ hạn chế đến cấm xe máy, xe cá nhân thì phải có thời gian 16-20 năm, thậm chí là lâu hơn nữa. Không thể xướng cấm thì mai cấm liền!” - ông Tính bày tỏ riêng với Pháp Luật TP.HCM.
Nhiều ý kiến khả thi Một số ý kiến của các nhà khoa học tại hội thảo này đã làm cho các nhà quản lý giao thông và vận tải “vỡ” ra về tư duy, “đánh” mạnh vào những nhận thức cũ về quản lý. Các ý kiến có tính khả thi, thực tế cao như thu phí vào trung tâm, cho xe đi ngày chẵn lẻ… sẽ được áp dụng ngay trong những ngày tới. Ông BÙI XUÂN CƯỜNG, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Ùn tắc không phải do xe máy Ba kỳ đại hội Đảng bộ TP vừa qua tôi đều được mời góp ý cho chương trình chống kẹt xe. Tôi nói khó mà dẹp được xe máy mà cần phải có lộ trình. Xe máy không gây ra tắc đường mà là quản lý giao thông và quản lý xây dựng, quản lý quy hoạch của chúng ta gây ra. Thế nên mới có chuyện anh chữa cháy thì mang bình nhỏ xíu đi xịt, còn anh bán xăng thì cứ mang can bự ra tưới, đổ… TS TRẦN DU LỊCH Bảy nhóm giải pháp hạn chế xe máy Cuối buổi hội thảo, thay mặt chủ tịch đoàn, ông Hà Ngọc Trường, Ủy viên Liên hiệp Các hội KH&KT TP.HCM, đưa ra bảy nhóm giải pháp đi từ hạn chế đến cấm xe máy, xe cá nhân. Trong đó có một giải pháp đáng chú ý như: • Tổ chức quản lý các loại xe máy đăng ký mới thông qua giấy chứng nhận quyền mua xe (COE) để hạn chế việc gia tăng phương tiện xe máy. • Hạn chế xe máy chạy theo giờ, theo ngày trên một số tuyến phố chính, khu vực đã có xe buýt, metro đáp ứng được nhu cầu đi lại của dân. • Cần đưa ra quy định niên hạn sử dụng xe máy và kiểm tra, loại bỏ những xe đã hết “date” mà vẫn lưu thông trên đường. • Ban hành lộ trình đến năm 2030 đi từ hạn chế đến cấm xe máy từ trung tâm lan ra đến ngoại ô để đến sau năm 2030 thì loại hẳn xe máy làm phương tiện đi lại ở TP… |