TP.HCM: Số ca đau mắt đỏ tăng, nguy cơ thành dịch

(PLO)- Hiện bệnh đau mắt đỏ đang gia tăng ở TP.HCM, có nguy cơ lây lan nhanh thành dịch, nhất là khi học sinh bắt đầu đi học lại.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 6-9, Sở Y tế TP.HCM thông tin sở vừa chỉ đạo Bệnh viện (BV) Mắt TP.HCM, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) phối hợp với Đơn vị nghiên cứu lâm sàng của ĐH Oxford (OUCRU) khẩn trương nghiên cứu tìm tác nhân gây bệnh đau mắt đỏ trên địa bàn TP.

Bệnh nhi đến khám đau mắt đỏ tại BV Nhi đồng 2. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Bệnh nhi đến khám đau mắt đỏ tại BV Nhi đồng 2. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Ca mắc tăng, tìm nguyên nhân gây bệnh

Vừa được bác sĩ (BS) BV Mắt TP.HCM khám xong, chị NTN (35 tuổi, ngụ quận 12) cho biết BS chẩn đoán chị bị đau mắt đỏ, kê đơn thuốc để uống và nhỏ mắt. Chị kể cách đây một ngày, sáng ngủ dậy thấy một mắt bị đỏ, sưng to và chảy ghèn, đến chiều thì mắt còn lại xuất hiện các triệu chứng trên nên đến BV khám.

Đưa con gái ba tuổi đi khám mắt tại BV Nhi đồng 2, ông NĐA (42 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) cho biết tối hôm trước bé nói bị khó chịu và đau, ngứa ở mắt. Thấy mắt con hơi đỏ, ông nhỏ nước muối sinh lý cho con. “Sáng hôm sau tôi thấy mắt con vẫn sưng đỏ, khó chịu, có biểu hiện không muốn nhìn. Con đến trường một lúc thì cô giáo cho về. Đi khám xong, BS cho thuốc, dặn nhỏ mắt sáu lần mỗi ngày kèm uống kháng sinh, kháng viêm” - ông A vừa nói vừa chìa ra túi thuốc.

Từ tháng 8 đến tháng 11 hằng năm là giai đoạn dịch đau mắt đỏ, nguyên nhân thường do siêu vi, có trường hợp do các virus herpes, thủy đậu, poxvirus nhưng chủ yếu vẫn do adenovirus.

Con trai tám tuổi của chị ĐTN (34 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) cũng bị đau mắt đỏ cách đây một ngày. Theo chị N, vài hôm trước con chị có chơi cùng bạn hàng xóm cũng vừa bị đau mắt đỏ. Lúc đó chị có nhắc con nhưng không nghĩ bệnh lây nhanh vậy.

“Tối về con kêu mắt bị chảy ghèn khó chịu, mắt phải cảm giác đau, lâu lâu ngứa. Sáng thấy con đỏ mắt nhiều nên tôi xin phép cô cho con nghỉ học để đi BV khám. BS khám xong nói con bị đau mắt đỏ, cho thuốc nhỏ mắt và thuốc uống, dặn cách phòng ngừa lây bệnh cho những người xung quanh. Tôi đọc báo, xem tivi thấy nói TP.HCM có nhiều người bị đau mắt đỏ, cần cẩn thận phòng ngừa, nhất là trong trường học” - chị N chia sẻ.

Khám trễ sẽ chuyển qua viêm giác mạc

Khi phát hiện mắt sưng đỏ, người bệnh nên đến BV khám để phân biệt đau mắt đỏ do viêm kết mạc cấp hay do những nguyên nhân khác, có lan sang giác mạc hay chưa để được BS theo dõi kỹ hơn. Viêm kết mạc cấp có biểu hiện rõ nhất là rỉ ghèn, ngủ dậy khó mở mắt. Những trường hợp đau mắt khác thường sẽ có biểu hiện đỏ và nhức mắt.

BS CKII NGUYỄN THỊ

DIỆU THƠ, BV Mắt TP.HCM

Có nguy cơ thành dịch

Hiện mỗi ngày khoa Mắt BV Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức) tiếp nhận hơn 100 bệnh nhân đến khám, điều trị các bệnh lý về mắt. Riêng bệnh lý đau mắt đỏ có dấu hiệu tăng từ giữa tháng 8.

BS Huỳnh Thị Bích Liễu, Phó khoa Mắt, cho biết từ giữa tháng 8 đến nay, tỉ lệ bệnh nhân đau mắt đỏ đến khám tăng khoảng 35%-40% so với trước. Trong đó, trẻ em dưới 18 tuổi chiếm khoảng 70%. “Hầu hết bệnh nhân đến khám đều có người nhà cũng bị đau mắt đỏ. Hiện trẻ đã đi học lại, khó tránh bệnh sẽ lây lan nhanh” - BS Liễu nói, đồng thời cho hay BV có tiếp nhận một vài ca bệnh trong tình trạng nặng do khám trễ, bệnh đã chuyển sang viêm giác mạc.

BV Nhi đồng 2 trong tuần cuối của tháng 8 đã thăm khám 188 ca bệnh đau mắt đỏ. BS Nguyễn Đình Trung Chính, chuyên khoa mắt thuộc khoa Liên chuyên khoa, cho biết tuần qua, mỗi ngày phòng khám mắt của BV tiếp nhận khoảng 40 ca, tăng nhẹ so với những tuần trước đó. BS Chính dự đoán hiện trẻ đã bắt đầu đi học lại, bệnh đau mắt đỏ có thể lây lan nhanh và nhiều hơn.

Còn tại BV Mắt TP.HCM, mỗi ngày khám hơn 3.000 trường hợp, ghi nhận khoảng 60-70 ca bệnh đau mắt đỏ. BS CKII Nguyễn Thị Diệu Thơ, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, thông tin khoảng một tuần nay, số ca đến khám đau mắt đỏ tăng.

“Từ tháng 8 đến tháng 11 hằng năm là giai đoạn dịch đau mắt đỏ. Nguyên nhân thường do siêu vi, có trường hợp do các virus herpes, thủy đậu, poxvirus… nhưng chủ yếu vẫn do adenovirus (chiếm 70%-75%). Đây là virus có thể gây viêm kết mạc hầu họng, tấn công lên mắt. Bệnh này lây lan qua giọt bắn hầu họng, nước mắt” - BS Thơ nhận định.

BS Thơ cũng thông tin thêm hiện chưa có thuốc đặc hiệu để điều trị bệnh do adenovirus nên phần lớn trường hợp vẫn theo dõi, dùng nước mắt nhân tạo để dễ chịu, sử dụng kháng sinh để phòng ngừa bội nhiễm vi khuẩn.•

Lưu ý bệnh đau mắt đỏ ở trẻ

Bệnh đau mắt đỏ ở trẻ thường xảy ra vào thời điểm chuyển giao mùa, do thay đổi thời tiết, virus và vi khuẩn gây bệnh. Đường lây chủ yếu do tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết của mắt, mũi, miệng. Triệu chứng thường gặp bao gồm mắt đỏ do xung huyết kết mạc, cộm xốn mắt như có cát trong mắt, kích thích chảy nước mắt, sáng ngủ dậy khó mở mắt, mắt có nhiều ghèn rỉ. Cạnh đó có thể kèm viêm mũi họng, viêm đường hô hấp, sốt nhẹ, xuất hiện giả mạc (lớp màng trắng, mỏng phủ lên trên kết mạc) gây chảy máu.

Chủ động phòng ngừa bệnh đau mắt đỏ cho trẻ bằng cách hạn chế dụi tay vào mắt, mũi, miệng; rửa tay thường xuyên; sử dụng nước muối sinh lý (NaCl 0,9%) để rửa mắt khi đi bên ngoài về; khi có dấu hiệu của bệnh cần đến cơ sở y tế để sớm được thăm khám. Người bị bệnh cần hạn chế đến chỗ đông người.

BS CKII NGUYỄN THỊ BẠCH TUYẾT, chuyên khoa mắt thuộc khoa Liên chuyên khoa, BV Nhi đồng 2

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm