TP.HCM 'sốt ruột' với 2 ga đường sắt ở TP Thủ Đức

(PLO)- Dự án ga Bình Triệu “treo” gần 20 năm, hàng ngàn hộ dân sống thấp thỏm trong khu quy hoạch, còn khu đất quy hoạch ga Thủ Thiêm hiện cũng chỉ là bãi đất trống.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sở GTVT TP.HCM vừa có văn bản gửi Bộ GTVT về việc thực hiện hai dự án ga Bình Triệu và ga Thủ Thiêm. Đây là hai dự án ga quan trọng trên địa bàn TP.HCM đã được Bộ GTVT chỉ đạo thực hiện từ tháng 3-2021 nhưng đến nay công việc này vẫn “giậm chân tại chỗ”.

Ga đìu hiu, tàu bỏ không

“Ga này có làm hay không, chúng tôi đâu có biết. Chắc là bỏ lâu rồi. Tôi ở đây từ năm 1991 tới nay thấy vẫn y nguyên như vậy” - anh Thanh Tâm, chủ quán cà phê ở khu phố 2, khu vực ga Bình Triệu (phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức), cho biết.

Theo anh Tâm, người dân ở khu vực này dần quen rồi dần quên việc có quy hoạch ga Bình Triệu. Người dân vẫn buôn bán, sinh sống bình thường vì câu chuyện làm ga hay không làm đã diễn ra từ quá lâu.

Ghi nhận tại ga Bình Triệu, khu vực giao với quốc lộ 13 và đường Phạm Văn Đồng cho thấy trong khu đất có đường sắt chạy qua này có cả những toa tàu cũ kỹ và cả nhà dân trong khu vực sát đường ray. Thậm chí trong khu vực đất trống gần các toa tàu cũ, người dân còn tận dụng làm những ô trồng rau.

Cạnh đó là con đường gồ ghề đá xanh dẫn vào khu dân cư khu phố 2, 6, 7 thuộc phường Hiệp Bình Chánh và nhiều ngôi nhà lụp xụp. “Tôi nghe nói quy hoạch từ lâu rồi, mà giờ không biết có làm không. Còn người dân ở đây thì sống thấp thỏm vì nhà không được sửa chữa hay xây mới do đất có quy hoạch xưa giờ” - anh Anh Vũ (người dân tại đây) cho biết thêm.

Từ năm 2002, dự án ga Bình Triệu được phê duyệt chi tiết sử dụng đất tỉ lệ 1/2000 khu đầu mối giao thông và dân cư Bình Triệu. Đến tháng 4-2013, Thủ tướng đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch GTVT TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 tại Quyết định 568. Theo đó, Thủ tướng đồng ý xây dựng mới các ga, bao gồm ga khách trung tâm là ga Sài Gòn với diện tích 6,14 ha và ga khách kỹ thuật phía bắc là ga Bình Triệu với diện tích 41 ha.

Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chưa được triển khai khiến hàng ngàn hộ dân tại khu vực sống bất an. “Anh thấy đó, một bên là quy hoạch ga chưa triển khai, một bên là quy hoạch mở rộng quốc lộ 13 nhiều năm nay cũng chưa làm. Trong khi đó, có mỗi con đường độc đạo gồ ghề đá xanh dẫn vào khu dân cư khiến người dân rất vất vả” - anh Vũ nói thêm.

khu vực quy hoạch ga Bình Triệu (phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức, TP.HCM). Ảnh: HUY VŨ

khu vực quy hoạch ga Bình Triệu (phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức, TP.HCM).
Ảnh: HUY VŨ

Tương tự, một dự án ga khác trong TP Thủ Đức là ga Thủ Thiêm (phường An Phú) hiện cũng đang “đứng bánh” tại chỗ. Theo ghi nhận, tại khu đất giao giữa đường Mai Chí Thọ, đường Lương Định Của và rạch Cá Trê chỉ là bãi đất trống, cỏ cây um tùm, trong đó có các bãi giữ xe, người dân buôn ve chai sống tạm bợ.

Theo quy hoạch, dự án ga Thủ Thiêm (ga đầu mối bao gồm tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, tuyến đường sắt nhẹ TP.HCM - sân bay Long Thành; tuyến metro số 2, BRT số 1) được Chính phủ phê duyệt từ năm 2013. Hiện TP đã cập nhật phạm vi nhà ga Thủ Thiêm vào đồ án điều chỉnh quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2000 khu đô thị chỉnh trang kế cận khu đô thị mới Thủ Thiêm, diện tích nhà ga là 14,7163 ha.

Chỉ đạo từ tháng 3-2021 nhưng chưa triển khai

“Ngày 19-10-2021, Thủ tướng đã ban hành Quyết định 1769 về phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó ga Bình Triệu, ga Thủ Thiêm được xác định là ga đầu mối hành khách, kết nối cảng hàng không” - văn bản do ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, ký gửi Bộ GTVT cho biết.

Theo Sở GTVT TP, ngày 26-3-2021, tại cuộc họp ở TP.HCM, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn đã có kết luận và chỉ đạo về hai ga này.

Thứ nhất, về công tác giải phóng mặt bằng ga Bình Triệu: Bộ GTVT ghi nhận các nội dung kiến nghị của UBND và sẽ nghiên cứu kế hoạch triển khai thực hiện công tác bồi thường, tái định cư đối với các tổ chức, cá nhân nằm trong ranh quy hoạch ga Bình Triệu trong giai đoạn 2021-2025.

Các kiến nghị trên nhằm sớm ổn định đời sống của người dân cũng như xúc tiến kế hoạch đầu tư triển khai xây dựng ga Bình Triệu theo quy hoạch. Bộ GTVT giao Cục Đường sắt Việt Nam nghiên cứu cụ thể và báo cáo về bộ.

Thứ hai, về quy hoạch chi tiết 1/500 khu vực ga đầu mối Thủ Thiêm: Bộ GTVT sẽ chủ trì nghiên cứu quy hoạch chi tiết khu vực ga đầu mối Thủ Thiêm để có cơ sở quản lý quy hoạch, thống nhất triển khai các dự án đầu tư với TP.HCM. Bộ GTVT giao Vụ Kế hoạch - Đầu tư tham mưu cụ thể, báo cáo về bộ.

“Do đó, Sở GTVT TP kính đề nghị Bộ GTVT sớm triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư đối với ga Bình Triệu và công tác quy hoạch chi tiết 1/500 đối với ga Thủ Thiêm theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt và ý kiến chỉ đạo nêu trên” - văn bản của Sở GTVT TP nêu.

Đồng thời, Sở GTVT TP cũng kiến nghị Bộ GTVT có thông tin về tình hình triển khai thực hiện các công tác này đến UBND TP.HCM để có cơ sở triển khai các công việc có liên quan đến vị trí hai nhà ga nêu trên.•

Thống nhất phương án làm đường sắt

Thủ Thiêm - Long Thành

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa yêu cầu Bộ GTVT thống nhất với các địa phương và các đơn vị liên quan về phương án đầu tư tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành.

Theo đó, tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành có chiều dài khoảng 37,5 km. Điểm đầu: Ga Thủ Thiêm (TP Thủ Đức, TP.HCM), điểm cuối: Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Đồng Nai). Quy mô đề xuất thực hiện: Đường đôi, khổ 1.435 mm, chỉ phục vụ hành khách. Tổng mức đầu tư khoảng 40.566 tỉ đồng, theo phương thức PPP.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm