Ngày 24-5, Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM và Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn tổ chức hội thảo khoa học "Tiềm năng phát triển kinh tế tuần hoàn tại TP.HCM: Lựa chọn lĩnh vực ưu tiên và giải pháp trọng tâm".
TP chưa khai thác hết nguồn năng lượng tiềm năng
Tại hội thảo, ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, chia sẻ: TP.HCM là một trong 10 TP chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu. Hiện nay trên địa bàn TP.HCM, nhiều nguồn tài nguyên có thể khai thác thành nguồn năng lượng nhưng chúng ta chưa khai thác có hiệu quả.
Cụ thể, TP có khoảng 14.210 hệ thống điện mặt trời mái nhà với tổng công suất 358,38 MWp. Tiềm năng lắp đặt các hệ thống điện mặt trời mái nhà đạt khoảng 5.081MWp nhưng hiện chỉ chiếm khoảng 7% công suất trung bình toàn hệ thống điện. Điều này cho thấy TP chưa khai thác đúng tiềm năng.
Bên cạnh đó là lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trung bình 9.700-10.000 tấn/ngày. TP có nhiều lợi thế, tiềm năng trong phát triển nguồn năng lượng điện từ rác thải sinh hoạt nếu năm dự án chuyển đổi công nghệ xử lý rác bằng công nghệ chôn lấp sang đốt phát điện vận hành. Thế nhưng, hiện các dự án đều chậm so với kế hoạch.
Ngoài ra, TP.HCM có bờ biển dài 23km, tốc độ gió tại Cần Giờ khoảng 6-7m/s, tiềm năng phát triển năng lượng điện gió ngoài khơi rất lớn nhưng hiện TP chỉ có hai đề xuất dự án điện gió tại vùng biển ngoài khơi huyện Cần Giờ với công suất 1.000MW và 6.000MW.
"Một trong những điểm yếu mà TP.HCM đang gặp phải là nhận thức của người dân và doanh nghiệp về kinh tế tuần hoàn vẫn còn hạn chế, khuôn khổ pháp lý và chính sách chưa hoàn thiện. Cạnh đó là tính liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất công nghiệp còn hạn chế và việc tiếp cận các nguồn lực tài chính còn khó khăn"- ông Phạm Bình An chia sẻ.
Cần định hướng rõ cho các ngành công nghiệp
Ông Nguyễn Minh Tú, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn cũng đã đưa ra những định hướng phát triển các ngành công nghiệp ở TP.HCM.
Cụ thể, với ngành sản xuất lương thực, thực phẩm, đối với nhóm doanh nghiệp lớn có tiềm lực cần khuyến khích phát huy tính tiên phong trong phát triển xanh, giảm thải carbon bằng các tiêu chí được quy định cụ thể, hướng đến phát triển bền vững.
Nhóm doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ cần được hỗ trợ trong việc giảm thiểu rủi ro môi trường và khí hậu, tăng hiệu quả tài nguyên và tính toàn diện của các mô hình kinh doanh, với các tiêu chí phù hợp năng lực và tiệm cận tiêu chuẩn cơ bản.
Với ngành nhựa, cao su, hóa dược cần định hướng phát triển cao su kỹ thuật và nhựa kỹ thuật, có giá trị gia tăng cao, đòi hỏi công nghệ cao, ít gây ô nhiễm môi trường.
Bên cạnh đó, cần tăng cường sử dụng nguyên liệu tái chế, tiếp tục phát huy vị thế dẫn đầu của các doanh nghiệp TP trong việc sử dụng nguyên liệu tái chế và tổ chức tái chế.
Ngành điện tử cần ưu tiên thu hút các công nghệ hiện đại, sản xuất phần cứng một số linh phụ kiện điện tử chất lượng cao ngành công nghệ thông tin và truyền thông, ngành công nghiệp điện tử - viễn thông, ngành công nghiệp sản xuất robot, ô tô, thiết bị tích hợp vận hành tự động, điều khiển từ xa... để gắn kết vào chuỗi sản xuất, cung ứng quốc tế...