Cùng với việc công Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), hôm nay, 9-5, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng đồng thời công bố báo cáo Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI).
Ngoài PCI là chỉ số đã quen thuộc 19 năm qua, thì PGI là báo cáo thường niên lần năm thứ hai được công bố, sau phiên bản thử nghiệm lần đầu, tháng 4-2023.
PGI - Chỉ số Xanh cấp tỉnh được thiết kế nhằm truyền tải "tiếng nói" từ thực tiễn kinh doanh, góp phần hỗ trợ chính quyền các tỉnh, thành phố đánh giá, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản trị môi trường tại các địa phương.
PGI bao gồm bốn chỉ số thành phần hợp thành từ 46 chỉ tiêu đánh giá chất lượng môi trường và hiệu quả quản trị môi trường của các tỉnh, thành phố. Một tỉnh, thành phố được coi là có chất lượng quản trị môi trường tốt khi có những nỗ lực phòng ngừa và giảm thiểu ô nhiễm môi trường và rủi ro thiên tai.
Bên cạnh đó, xây dựng và thực thi các quy định và biện pháp hợp lý để đảm bảo việc tuân thủ các quy định pháp luật về môi trường mà không tạo thêm gánh nặng quá lớn cho doanh nghiệp. Ngoài ra là hướng dẫn, phổ biến đầy đủ về các thực hành xanh và chú trọng mua sắm xanh.
Và cuối cùng, khuyến khích “xanh hóa” mô hình sản xuất kinh doanh thông qua các chính sách và chương trình hỗ trợ doanh nghiệp cụ thể.
Từ các chỉ tiêu này, PGI 2023 được công bố hôm nay xếp TP.HCM trong nhóm 5 địa phương dẫn đầu cả nước, cùng với Quảng Ninh, Đà Nẵng, Đồng Nai và Hưng Yên. Chỉ số Xanh của TP.HCM xét theo cả 4 tiêu chí đánh giá đều đạt ngưỡng cao và có xu hướng năm sau cao hơn năm trước.
Cụ thể, năm 2023, tiêu chí giảm thiểu ô nhiễm và thiên tai của TP.HCM đạt 7,49 điểm (năm 2022 là 3,12 điểm), tiêu chí đảm bảo tuân thủ đạt 6,37 điểm (4,94 điểm), tiêu chí thúc đẩy thực hành xanh đạt 5,92 điểm (4,09 điểm) và tiêu chí khuyến khích dịch vụ hỗ trợ đạt 4,43 điểm (1,87 điểm).
Phân tích của báo cáo Chỉ số Xanh PGI 2023 cho thấy điểm số PGI cao tương ứng với chất lượng môi trường và khả năng ứng phó, chống chịu thiên tai, biến đổi khí hậu tốt hơn tại các địa phương.
Tuy nhiên, chính quyền nhiều tỉnh, thành phố hiện vẫn gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm, triển khai các sáng kiến, giải pháp về môi trường tại địa phương, thiếu nguồn lực và năng lực chuyên môn, khả năng phối hợp trong xử lý các vấn đề vùng - liên vùng, hoặc doanh nghiệp chưa có đủ nhận thức và động lực thay đổi.
Quảng Ninh dẫn đầu cả nước Chỉ số PCI và Chỉ số PGI năm 2023
Sau 6 năm liên tiếp dẫn đầu Chỉ số PCI (2017-2022), năm 2023, Quảng Ninh tiếp tục là quán quân PCI, nối dài thành tích đứng đầu lên năm thứ 7. Đồng thời, Quảng Ninh cũng dẫn đầu cả nước ở Chỉ số Xanh PGI 2023.
Tại Quảng Ninh, các nhà đầu tư, doanh nghiệp tiếp tục đánh giá cao tỉnh khi vẫn giữ được đà cải cách. Công tác hỗ trợ doanh nghiệp có chuyển biến tích cực; gánh nặng chi phí không chính thức tiếp tục được giảm bớt cho các doanh nghiệp; các thủ tục gia nhập thị trường đã thuận lợi hơn và cải cách thủ tục hành chính đạt kết quả tích cực.
Quảng Ninh cũng tạo đột phá về tốc độ phát triển các hạ tầng chiến lược; có nhiều giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng. Đồng thời, chú trọng tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, công khai, minh bạch, cạnh tranh công bằng, bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực, đặc biệt là đất đai, lao động giữa các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, các thành phần kinh tế, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Cũng từ khía cạnh môi trường này, Đồng Tháp 16 năm liền là địa phương thuộc top 5 điều hành kinh tế xuất sắc. Chia sẻ với PV, ông Phạm Thiện Nghĩa – Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, trong nhiều năm qua, tỉnh Đồng Tháp lựa chọn phương pháp đồng hành cùng doanh nghiệp từ vấn đề nhỏ nhất. Luôn tạo môi trường bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế vươn lên đổi mới.
Chính điều này đã giúp Đồng Tháp từ tỉnh nghèo, vùng sâu vùng xa, vươn lên thành tỉnh tiên phong trong nhiều sáng kiến đổi mới được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao.