Sáng 15-10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020.
Mục tiêu tổng quát của chương trình là nhằm giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân. Đặc biệt là ở các địa bàn nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản.
Mục tiêu cụ thể là giảm tỉ lệ hộ nghèo bình quân cả nước 1%-1,5%/năm. Cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo, bảo đảm thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo cả nước cuối năm 2020 lên 1,5 lần so cuối năm 2015…
Bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, đã báo cáo hội nghị về chương trình giảm nghèo trong 23 năm vừa qua của TP. Cụ thể, từ năm 1992 đến cuối 2015, chương trình đã trải qua bốn giai đoạn với bảy lần điều chỉnh nâng mức chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo theo tiêu chí bình quân thu nhập đầu người phù hợp điều kiện kinh tế-xã hội của TP.HCM.
Bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, đánh giá kết quả giảm nghèo đô thị qua 23 năm tại TP.HCM. Ảnh: P.ĐIỀN
Qua các giai đoạn đã hỗ trợ hơn 150.000 hộ nghèo TP vượt được chuẩn nghèo bình quân thu nhập 16 triệu đồng/người/năm (chiếm khoảng 8% tổng số hộ dân TP), góp phần giảm dần chênh lệch về mức sống, điều kiện sống giữa các nhóm dân cư TP.
Bà Thu đánh giá tổng kết 23 năm thực hiện chương trình giảm nghèo của TP cho thấy những khó khăn, hạn chế chính của chương trình, đó là mức chuẩn nghèo TP tuy được nâng lên nhưng vẫn còn thấp so với mức sống tối thiểu của dân TP. Cạnh đó, tốc độ giảm nghèo của TP các giai đoạn tuy nhanh nhưng chưa thật sự căn cơ, bền vững, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tái nghèo.
Nguyên nhân chủ yếu được xác định là do chuẩn nghèo theo tiêu chí thu nhập bình quân đầu người đã phát sinh bất cập, chưa phù hợp với mức sống và điều kiện sống thực tế tại TP dẫn đến tình trạng nhận diện nghèo và phân loại đối tượng nghèo chưa chính xác, không đáp ứng được mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Khắc phục hạn chế này, từ năm 2009, TP đã bắt đầu nghiên cứu tiếp cận phương pháp đo lường nghèo đa chiều thông qua các dự án phối hợp với chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc. Trong giai đoạn 2014-2015, TP đã tiến hành thí điểm xây dựng công cụ đo lường, rà soát hộ nghèo, lập danh sách giảm nghèo theo hướng tiếp cận đa chiều tại bốn quận, huyện.
Giai đoạn 2016-2020, theo phương pháp tiếp cận đa chiều bao gồm tiêu chí thu nhập và sự thiếu hụt của năm chiều nghèo là các dịch vụ xã hội cơ bản gồm: Giáo dục và đào tạo, y tế, việc làm, bảo hiểm xã hội, điều kiện sống và tiếp cận thông tin, với 11 chỉ số đo lường, tổng là 100 điểm.
Trong đó hộ nghèo TP được xác định là những hộ dân TP có hộ khẩu thường trú và tạm trú KT3 và có một hoặc hai tiêu chí: Có thu nhập bình quân 21 triệu đồng/người/năm trở xuống; có tổng điểm thiếu hụt của năm chiều nghèo từ 40 điểm trở lên.
Hộ cận nghèo là những hộ dân TP có hộ khẩu thường trú và tạm trú KT3 và có một hoặc hai tiêu chí có thu nhập bình quân trên 21-28 triệu đồng/người/năm; có tổng điểm thiếu hụt của năm chiều nghèo dưới 40 điểm.
Do có đặc thù đô thị, theo bà Thu kiến nghị Thủ tướng cho phép TP tiếp tục giữ hai ban chỉ đạo, gồm: Ban Chỉ đạo của Thành ủy về Chương trình xây dựng xã nông thôn mới và Ban Chỉ đạo Chương trình giảm nghèo bền vững TP để làm cơ quan tham mưu cho Thành ủy và UBND TP.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương TP đã có sáng kiến, cách làm hay, tiếp cận nghèo đa chiều, qua đó giúp người nghèo, cận nghèo vươn lên trong cuộc sống. Đồng thời đã đồng ý cho TP tiếp tục giữ lại hai ban chỉ đạo để làm cơ quan tham mưu.