Sáng 27-4, Bộ NN&PTNT và Chi cục Thú y TP.HCM họp báo công bố 80 con heo VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt) bị “dính” chất cấm. Lô heo nói trên đưa vào cơ sở của Công ty Vissan (TP.HCM) chuẩn bị giết mổ.
Không thừa nhận có chất cấm
Ngày 20-4, ông Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Nguyễn Trà (Long An), đưa 80 con heo vào Vissan để giết mổ. Chi cục Thú y TP.HCM và Vissan tiến hành phân tích tồn dư chất cấm trong nước tiểu của lô heo nói trên và phát hiện dương tính chất cấm. “Tuy nhiên, do ông Toàn không thừa nhận kết quả trên nên cơ quan thú y TP.HCM lấy mẫu nước tiểu heo để kiểm định chất cấm lần hai. Kết quả xét nghiệm lần này cũng ghi nhận heo dương tính tồn dư chất cấm gấp năm lần so với mức cho phép” - ông Tiến nói.
Ngày 25-4, Chi cục Thú y TP.HCM thông báo kết quả phân tích chất cấm lần thứ hai cho ông Toàn. Lần này ông Toàn thừa nhận hành vi sai phạm và ký vào biên bản làm việc. Ngay hôm sau (26-4), Thanh tra Bộ NN&PTNT, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (C49) cùng Chi cục Thú y TP.HCM tiếp tục làm việc với ông Toàn và lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính. Đến ngày 27-4, Thanh tra Bộ NN&PTNT ra quyết định phạt ông Toàn 25 triệu đồng và buộc tiêu hủy 80 con heo nhiễm chất cấm.
80 con heo “dính” chất cấm chờ tiêu hủy ở Công ty Vissan. Ảnh: TRẦN NGỌC
Heo VietGAP nhưng mua từ nhiều nguồn
Theo ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan, ông Toàn thường xuyên cung cấp heo cho Vissan. Căn cứ vào giấy chứng nhận kiểm dịch thì 80 con heo nhiễm chất cấm nói trên có nguồn gốc từ trang trại chăn nuôi ở Đồng Nai đã được cấp chứng nhận VietGAP.
Quy trình chăn nuôi chuẩn VietGap được cơ quan chức năng kiểm soát nghiêm ngặt nên heo không có dư lượng kháng sinh, chất cấm. Tuy nhiên, cơ quan chức năng ghi nhận 80 con heo nói trên được ông Toàn thu mua từ nhiều nguồn khác nhau, không chỉ ở một trang trại trong tỉnh Đồng Nai.
“Do vậy, Bộ NN&PTNT đang phối hợp C49 mở rộng phạm vi truy xuất nguồn gốc 80 con heo nhiễm chất cấm và sẽ thông báo khi có kết luận chính thức” - ông Nguyễn Văn Tiến cho biết.
Theo ông Tiến, Bộ NN&PTNT hiện đã kiểm soát được chất cấm nhập vào Việt Nam. Riêng số lượng chất cấm còn lưu thông ngoài thị trường, Bộ sẽ phối hợp C49 truy tìm và quyết tâm tìm cho bằng được. Hiện nay, hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính. Nhưng tới ngày 1-7, nếu còn phát hiện hành vi này (chưa xét hậu quả gây ra) thì người vi phạm sẽ bị xử lý hình sự.
Về hình thức tiêu hủy, ông Huỳnh Tấn Phát, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM, cho biết đàn heo nhiễm chất cấm sẽ bị chích điện chết, sau đó chuyển đến bãi rác Đông Thạnh, huyện Hóc Môn (thuộc Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TP.HCM) để đốt. “Chi phí tiêu hủy do ông Toàn thanh toán khoảng 100 triệu đồng” - ông Phát nói.
Ông Phát cho biết thêm Chi cục Thú y TP.HCM đã có công văn đề nghị Chi cục Thú y tỉnh Đồng Nai phối hợp truy xuất nguồn gốc đàn heo trên. Đồng thời, cơ quan chức năng của Bộ NN&PTNT và TP.HCM cũng sẽ làm việc với tỉnh Đồng Nai để có quyết định và sẽ thu hồi giấy chứng nhận VietGAP của trại nuôi heo bị nhiễm chất cấm.
Ngày 21-4, Thanh tra Bộ NN&PTNT cũng đã phối hợp với các cơ quan chức năng tỉnh Tiền Giang tiêu hủy đàn heo 11 con tại trại chăn nuôi của ông Nguyễn Ngọc Lực ở xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo. Đây là đàn heo đầu tiên trong cả nước bị tiêu hủy do nhiễm chất cấm (salbutamol). Theo Chi cục Thú y tỉnh Tiền Giang, trại chăn nuôi của ông Lực đã bị phát hiện sử dụng chất cấm đến lần thứ ba. Trước đó, sau khi kiểm tra đàn heo phát hiện có chất cấm, ông Lực đã bị Thanh tra Sở NN&PTNT phạt hai lần vào tháng 8 và tháng 12-2015, tổng số tiền phạt là 17,5 triệu đồng. __________________________________ Từ ngày 16-3 tới nay, Chi cục Thú y TP.HCM phát hiện hai trường hợp heo đưa vào cơ sở giết mổ nhiễm chất cấm buộc tiêu hủy. Vụ thứ nhất xảy ra ở quận Gò Vấp với năm con heo đưa vào cơ sở giết mổ không phép. Vụ thứ hai xảy ra tại cơ sở giết mổ Vissan với 80 con tồn dư chất cấm của ông Nguyễn Văn Toàn. Ông HUỲNH TẤN PHÁT, Phó |