TP.HCM về đích đầu tiên trong số hóa 12,8 triệu hồ sơ hộ tịch

(PLO)- TP.HCM sẽ nghiên cứu giải pháp, cơ chế hình thành một Trung tâm nghiên cứu và triển khai chính quyền số, thực thi chiến lược dữ liệu, nền tảng số. 
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 29-12, Bộ Nội vụ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm 2022 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2023 ngành Nội vụ.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến dự hội nghị tại đầu cầu Hà Nội. Hội nghị được tổ chức trực tuyến đến 63 tỉnh, thành.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức chủ trì tại đầu cầu TP.HCM. Ảnh: THANH TUYỀN

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức chủ trì tại đầu cầu TP.HCM. Ảnh: THANH TUYỀN

TP.HCM là địa phương đầu tiên số hóa 4 loại sổ hộ tịch trên cả nước

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho hay, trong năm 2022, chính quyền TP tập trung cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn, khó khăn của doanh nghiệp và người dân, cũng như khơi thông và phát huy nguồn lực xã hội để phát triển TP.

UBND TP triển khai các nhóm giải pháp chuyển đổi số trọng tâm trong năm 2022. Đầu tiên là nâng cao nhận thức và năng lực về chuyển đổi số trong đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức TP.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức phát biểu tại hội nghị. Ảnh: THANH TUYỀN

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức phát biểu tại hội nghị. Ảnh: THANH TUYỀN

TP cũng triển khai Cổng thông tin chuyển đổi số của TP, phát huy tinh thần trách nhiệm, chủ động, sáng tạo của người đứng đầu trong chuyển đổi số.

TP cũng phát triển kho dữ liệu dùng chung, tập trung vào cơ sở dữ liệu hộ tịch, y tế, giáo dục, doanh nghiệp, người nộp thuế và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai.

“Riêng về cơ sở dữ liệu hộ tịch, TP.HCM là địa phương đầu tiên trong cả nước hoàn thành vấn đề số hóa 4 loại sổ hộ tịch gồm sổ đăng ký kết hôn, sổ đăng ký khai sinh, sổ đăng ký khai tử và sổ đăng ký nhận cha, mẹ, con, với tổng số trên 12,8 triệu hồ sơ”- ông Đức thông tin và cho biết, tất cả dữ liệu số hóa sổ hộ tịch của TP đã được đồng bộ với cơ sở dữ liệu hộ tịch của Bộ Tư pháp.

Từ ngày 15-6, TP.HCM thực hiện cấp bản sao trích lục kết hôn, khai sinh, khai tử, đăng ký nhận cha, mẹ, con từ dữ liệu số hóa sổ hộ tịch tại kho dữ liệu dùng chung TP cho người dân mà không phụ thuộc vào nơi đã đăng ký, nơi lưu trữ sổ hộ tịch và nơi cư trú.

TP.HCM cũng triển khai nền tảng số, hạ tầng số; phát triển các ứng dụng, dịch vụ công nghệ thông tin phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan nhà nước.

Trong lĩnh vực y tế, TP tiến hành tạo lập hồ sơ sức khỏe điện tử của từng người dân; hướng đến mục tiêu mỗi người dân TP khi đi khám chữa bệnh chỉ cần một mã QR có thể có đầy đủ thông tin về hồ sơ sức khỏe, bệnh án điện tử.

Triển khai kho dữ liệu ngành giáo dục đào tạo; chia sẻ dữ liệu và liên thông giải quyết hồ sơ nhà đất trên địa bàn; chia sẻ dữ liệu đất đai phục vụ cho công tác công chứng...

Từ đó, kết quả triển khai Chuyển đổi số đã có những chuyển biến tích cực.

Kết quả đánh giá chỉ số chuyển đổi số (DTI) năm 2021 cho thấy, TP xếp hạng 3/63 tỉnh thành, tăng 2 hạng so với năm 2020. Tỉ lệ đóng góp của kinh tế số cho GRDP năm 2022 của TP ước đạt 15,38%.

Xây dựng cơ chế của trung tâm nghiên cứu, triển khai chính quyền số TP

Ông Đức cho hay, dù đạt được một số kết quả quan trọng, TP vẫn còn đang rất nhiều việc cần phải làm so với yêu cầu đặt ra, nhất là so với thực tiễn của đời sống người dân và khối lượng công việc của một đô thị như TP.HCM.

Năm 2023, TP.HCM sẽ tập trung vào các hoạt động phát triển, kết nối, chia sẻ, khai thác, phân tích dữ liệu phục vụ xây dựng đô thị thông minh và thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

TP sẽ tiếp tục đưa vào vận hành thống nhất, hoàn thiện theo kế hoạch Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính TP, kết nối với cùng cổng dịch vụ công quốc gia; hệ thống xác thực định danh, cơ sở dữ liệu dân cư của Bộ Công an cũng như cơ sở dữ liệu quốc gia, của các bộ, ngành…

Triển khai số hóa hồ sơ, kết quả thủ tục hành chính trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính; triển khai kết nối, khai thác dữ liệu từ kho dữ liệu của TP.

Tiếp tục hoàn thiện và vận hành năm nền tảng phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành của TP: Hệ thống theo dõi các chỉ tiêu kinh tế - xã hội theo thời gian thực; hệ thống giám sát việc xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân thông qua Cổng thông tin 1022; hệ thống theo dõi chỉ số năng lực cạnh tranh của các sở, ngành, địa phương - DCCI; hệ thống theo dõi mức độ chuyển đổi số của các sở, ngành, địa phương; ứng dụng công dân thống nhất của TP.

“Cùng với hệ thống giám sát xử lý thủ tục hành chính, năm hệ thống này sẽ cung cấp bộ công cụ cơ bản cho lãnh đạo TP chỉ đạo, điều hành; các cơ quan dân cử giám sát bằng hệ thống công nghệ và dữ liệu khách quan”- Phó Chủ tịch UBND TP cho hay.

TP cũng sẽ tổ chức thực thi các chiến lược quan trọng như quản trị dữ liệu và kế hoạch đảm bảo an toàn thông tin.

Đặc biệt là triển khai chiến lược quản trị dữ liệu của TP, tập trung vào ba nhóm dữ liệu chính: nhóm dữ liệu phục vụ quản lý đất đai - đô thị; nhóm dữ liệu liên quan đến thông tin của người dân; nhóm dữ liệu về phát triển tài chính – doanh nghiệp.

Nghiên cứu giải pháp, cơ chế hình thành một Trung tâm nghiên cứu và triển khai chính quyền số của TP.HCM. Trung tâm này sẽ thực hiện nhiệm vụ tổ chức tư vấn các quận huyện, sở ngành thực thi chiến lược dữ liệu, nền tảng số phục vụ xây dựng chính quyền số nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số theo chương trình chuyển đổi số TP và đề án xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh.

Bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ, công chức, viên chức về chuyển đổi số để thực hiện các nhiệm vụ được giao. Trong đó, chú trọng tới bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng phân tích, khai thác dữ liệu để ra quyết định...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm