TP.HCM: Ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tháo gỡ nhiều điểm nghẽn

(PLO)- Để có thể ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực hành chính công, TP.HCM sẽ tập trung giải quyết vấn đề nguồn nhân lực, hạ tầng, xác định các bài toán cốt lõi.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 27-12, Sở TT&TT TP.HCM đã tổ chức hội thảo ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong lĩnh vực hành chính công năm 2022.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết trong năm 2023, TP.HCM sẽ tập trung vào việc cải cách hành chính và thúc đẩy đầu tư an ninh, an toàn xã hội. Trong đó trọng tâm là thúc đẩy nhanh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao và nâng cao chất lượng quản lý hành chính công.

“Trí tuệ nhân tạo là một trong những công cụ hàng đầu để tháo gỡ các điểm nghẽn tại khu đô thị lớn như TP.HCM”, ông Đức nhìn nhận.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức phát biểu tại hội thảo. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức phát biểu tại hội thảo. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Theo ông Đức, trong việc này, Sở TT&TT cùng với Sở KH&CN đóng vai trò quan trọng nhất. Khi thực hiện hai sở cần phân biệt rõ AI với ứng dụng công nghệ thông tin, từ đó ứng dụng vào việc cải cách hiệu quả hoạt động của TP.

Phó Chủ tịch UBND TP nêu ba vấn đề mà thời gian tới TP cần giải quyết gồm nguồn nhân lực, hạ tầng, xác định các bài toán cốt lõi.

Cụ thể, về nguồn nhân lực, đây là việc mang tính chất liên tục, cần cải thiện trong ngắn hạn và dài hạn. Sau đó là tập trung xây dựng hạ tầng về phần cứng, phần mềm. Cuối cùng là thường xuyên nghiên cứu các vấn đề xảy ra trong thực tiễn vận hành TP nhằm nêu các bài toán, mời gọi các tổ chức tham gia giải quyết.

Tại hội thảo, Phó Chủ tịch Dương Anh Đức và Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM Lâm Đình Thắng đã trao giải Hội thi giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo trên địa bàn TP.HCM năm 2022. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Tại hội thảo, Phó Chủ tịch Dương Anh Đức và Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM Lâm Đình Thắng đã trao giải Hội thi giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo trên địa bàn TP.HCM năm 2022. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Bàn về vấn đề này, ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ, nhìn nhận hiện tại nền khoa học công nghệ Việt Nam chưa đủ nguồn lực để xây dựng những hệ thống tính toán lớn.

Vì vậy, việc phát triển trí tuệ nhân tạo trong nước không đặt kỳ vọng dẫn đầu mà hướng tới mục tiêu giải quyết vấn đề trước mắt của chính quyền, người dân.

Theo ông Duy, việc phát triển trí tuệ nhân tạo cần hướng tới việc phục vụ nhu cầu hàng ngày của người dân về học tập, giải trí, đời sống và thực hiện thủ tục hành chính... Ngoài ra cần giúp giúp chính quyền thực hiện công tác quản lý trong hành chính, đô thị, tài nguyên môi trường.

Nói về vai trò của AI trong lĩnh vực hành chính công, GS.TS Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM, cho rằng việc ứng dụng AI sẽ giúp cán bộ quản lý, phân loại hồ sơ dễ dàng, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ của người dân.

GS.TS Nguyễn Thiện Nhân nhìn nhận Al sẽ đóng góp nhiều vào việc cải cách lĩnh vực hành chính công. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

GS.TS Nguyễn Thiện Nhân nhìn nhận Al sẽ đóng góp nhiều vào việc cải cách lĩnh vực hành chính công. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Ông Nguyễn Thiện Nhân nhận định Al sẽ có thể hỗ trợ cán bộ đối chiếu văn bản, rà soát, đối chiếu hồ sơ và tra lại các văn bản pháp lý dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, việc quản lý hồ sơ bằng trí tuệ nhân tạo sẽ giảm chi phí quản lý, in ấn và thất lạc hồ sơ.

GS.TS Nguyễn Thiện Nhân kiến nghị, hàng năm lãnh đạo TP cần có cuộc gặp với doanh nghiệp, nhà cung cấp giải pháp để nghe chào hàng và bàn với nhau nên ứng dụng giải pháp gì, mua giải pháp nào và đặt hàng DN sản xuất theo nhu cầu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm